Hòn đảo có thể giúp phương Tây thách thức “vũ khí” đất hiếm của Trung Quốc

Nghe đọc bài

Reuters đưa tin, tổ chức Sáng kiến Chính sách và Nghiên cứu vùng Cực PRPI (Anh) hôm 4/3 đã công bố báo cáo kêu gọi liên minh tình bão “Ngũ nhãn” gồm các nước Anh, Canada, New Zealand, Mỹ và Australia nên tăng cường quan hệ với đảo Greenland, Đan Mạch. Điều này cần được thực hiện nhằm tăng cường nguồn cung các khoáng sản quan trọng và cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, theo PRPI.

Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, có trữ lượng khổng lồ đất hiếm – một tập hợp 17 khoáng chất được sử dụng trong sản xuất hàng loạt sản phẩm từ xe điện đến hàng hóa quốc phòng. Trong khi đó, Trung Quốc đang kiểm soát khoảng 90% nguồn cung đất hiếm trên thế giới.

Báo cáo của PRPI khuyến nghị nhóm “Ngũ nhãn” nên mở rộng phạm vi hoạt động bao gồm cả lĩnh vực “tình báo tài nguyên, hợp tác kỹ thuật, tài chính dự án và chuỗi cung ứng tích hợp khoáng sản và vật liệu quan trọng đối với an ninh quốc gia và kinh tế”.

Báo cáo cho biết thêm, việc “Ngũ nhãn” nhằm mục tiêu đến Greenland về tiềm năng khai thác và đất hiếm là điều nên làm vì 2/3 trong số 41 tổ chức có giấy phép trong lĩnh vực khai thác ở Greenland có liên quan đến Anh, Canada và Australia.

Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ sẽ xem xét các nguồn cung chính của Mỹ, bao gồm cả đất hiếm, để đảm bảo các nước khác không thể sử dụng chúng để chống lại Washington.

Theo Bloomberg, để đối phó với kịch bản Trung Quốc sẵn sàng dùng đất hiếm là “vũ khí địa chính trị”, việc đa dạng nguồn cung là điều mà các quốc gia cần phải làm.

Mặt khác, Covid-19 được xem là “hồi chuông cảnh tỉnh” vì nó cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào thiết bị, hàng hóa y tế Trung Quốc. Điều này làm gia tăng quan ngại về việc họ bị phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh trong các lĩnh vực quan trọng khác, như đất hiếm.

Trong khi đó, hai công ty khai thác mỏ có trụ sở tại Australia đang xin giấy phép hoạt động nhằm tìm kiếm mỏ kim loại đất hiếm chưa phát triển lớn nhất thế giới ở Greenland, theo cách gọi của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.

Năm 2019, Greenland từng trở thành tâm điểm chú ý sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ ý muốn mua hòn đảo lớn nhất thế giới. Cả Greenland và Đan Mạch khi đó đều khẳng định họ sẽ không bán đảo.

Greenland, hòn đảo tự trị của Đan Mạch nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, phụ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Đan Mạch. Hòn đảo này tự chủ trong các vấn đề đối nội trong khi Copenhagen quan tâm tới quốc phòng và chính sách đối ngoại.

Theo Reuters, Greenland nhiều năm qua đã thu hút sự quan tâm từ các nước lớn như Trung Quốc, Nga và Mỹ vì lợi thế địa chiến lược và nguồn khoáng sản phong phú.

Theo Dân trí