Hội Đồng Bảo An thảo luận về chủ đề Khí hậu và an ninh toàn cầu

Nghe đọc bài

Hôm qua, 23/02/2021, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thảo luận về việc mở rộng quyền hạn của định chế này trong hồ sơ Khí hậu và an ninh thế giới, theo đề xuất của Luân Đôn. Tuy nhiên, Matxcơva và Bắc Kinh không chấp nhận việc trao thêm quyền hạn cho Hội Đồng Bảo Anh trong lĩnh vực này.

Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York :

« Biến đổi khí hậu khiến khoảng 16 triệu người phải sơ tán mỗi năm, và như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm khủng bố, các đường dây buôn người và tội phạm có tổ chức tuyển mộ thêm thành viên. Cho dù, châu Phi là nạn nhân hàng đầu của tình trạng này, nhưng các hậu quả về mặt này có thể thấy ở khắp nơi. Gần như toàn bộ các thành viên của Hội Đồng Bảo An hôm qua đã nhấn mạnh là biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đề xuất sáng kiến thảo luận về đề tài này tại Hội Đồng Bảo An, khẳng định : ‘‘Tôi biết rằng một số người cho rằng đây chỉ là trò chơi ngông bảo vệ môi trường, của một số người ăn chay, tỏ ra yêu thương cây cối, được đưa ra không đúng lúc về mặt chính trị và về mặt ngoại giao quốc tế. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn phản đối một quan điểm như vậy. Nếu chúng ta không bắt tay vào việc ngay từ bây giờ, thì khi nào chúng ta mới có thể hành động ?’’.

Trung Quốc và Nga vẫn giữ nguyên lập trường của mình. Đó là bảo vệ tối đa chủ quyền quốc gia và nỗ lực để giới hạn khả năng hành động của Hội Đồng Bảo Anh trong hồ sơ này. Tuy nhiên, cuộc thảo luận cũng cho thấy Matxcơva và Bắc Kinh đang ngày càng bị cô lập. Đại dịch Covid-19 cho thấy tính cấp thiết của việc mở rộng khái niệm về an ninh toàn cầu, ở thế kỷ 21, mà Hội Đồng Bảo An được giao phó trách niệm bảo vệ. Một số công cụ đã được đề xuất để giúp cho Hội Đồng Bảo An có thêm phương tiện. Đó là lập ra chức vụ đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu, là có các báo cáo thường xuyên về khí hậu và an ninh, cũng như chia sẻ các dữ liệu về khí hậu một cách hệ thống hơn ».

Theo nhật báo Pháp Le Monde, nếu như cuộc thảo luận này không cho phép đưa ra một nghị quyết mở rộng quyền hạn của Hội Đồng Bảo Anh, ít nhất thảo luận này cũng có thể cho thấy lập trường bảo thủ của Nga và Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong hồ sơ này. Trong nội bộ các thành viên Hội Đồng Bảo An, đồng thuận ngày càng rộng rãi hơn, đặc biệt từ khi tân chính quyền Mỹ Joe Biden trở lại Hiệp định Khí hậu Paris.

Theo RFI