Hộ chiếu vaccine giả tràn lan trên mạng

Trên trang bán lẻ eBay, khách hàng có thể tìm thấy “giấy chứng nhận tiêm chủng” được quảng bá là “hàng chuẩn” với mức giá chỉ 9-11 USD.

Tài khoản eBay có tên asianjackson, thuộc về một dược sĩ ở khu vực Chicago, đăng ba “mặt hàng” giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) với các mức giá 8,99 USD, 9,49 USD và 10,99 USD. Theo các nhà quản lý liên bang, toàn bộ số giấy chứng nhận tiêm chủng này đều bất hợp pháp.

Tổng chưởng lý bang Bắc Carolina Josh Stein cho biết đây là “ví dụ hoàn hảo” về tình trạng làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng ngày càng tăng, có nguy cơ đe dọa an toàn của cộng đồng, cũng như nỗ lực tiêm chủng đại trà lớn nhất toàn quốc.

Giấy chứng nhận tiêm chủng của CDC hàng chuẩn được rao bán với giá 9,49 USD trên eBay. Ảnh: Washington Post.
“Giấy chứng nhận tiêm chủng của CDC hàng chuẩn” được rao bán với giá 9,49 USD trên eBay. Ảnh: Washington Post.

Trong bối cảnh khoảng 129,5 triệu người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, nhiều doanh nghiệp và trường học cho biết họ sẽ chỉ tiếp nhận những người có “hộ chiếu vaccine”, gây lo ngại các cá nhân sở hữu giấy chứng nhận tiêm chủng giả có thể đánh lừa những người quản lý trong nhiều tình huống sinh hoạt và đi lại hàng ngày.

“Chúng tôi từng thấy quảng cáo bán giấy chứng nhận tiêm chủng trên Facebook, TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, hướng đến những người bài vaccine và một số đối tượng muốn giảm bớt thời gian chờ đợi, bằng cách nói dối rằng họ đã tiêm liều đầu tiên để được chuyển sang nhóm tiêm liều thứ hai bớt đông đúc hơn”, Saoud Khalifah, giám đốc điều hành công ty chuyên xử lý gian lận trực tuyến Fakespot, cho hay.

Theo bình luận viên Dan Diamond của Washington Post, giới chức Mỹ nhiều tháng qua đã bị chậm chân so với những kẻ lừa đảo. Chúng thậm chí công khai thảo luận trên mạng xã hội về kế hoạch làm giả giấy chứng nhận rồi rao bán trên các trang thương mại điện tử như eBay, hay in mẫu phôi giấy từ trang web của chính quyền. Việc giới chức liên bang quyết định dùng giấy chứng nhận bản in thay vì hệ thống theo dõi kỹ thuật số đã khiến tình hình trầm trọng hơn.

“Đây chính là hoàn cảnh mà bạn muốn tránh. Toàn bộ nỗ lực tiêm chủng bị tổn hại vì số giấy chứng nhận giả ngoài kia. Điều này chắc chắn giúp củng cố quan điểm sử dụng cơ chế chứng nhận kỹ thuật số. Dù không thể ngăn hoàn toàn tình trạng giả mạo, nó chắc chắn vẫn an toàn hơn”, Jennifer Kates, người giám sát chính sách y tế toàn cầu cho Quỹ Gia đình Kaiser, nêu ý kiến.

Một số quan chức liên bang tiết lộ vào mùa hè năm ngoái, họ đã có những cuộc thảo luận ban đầu về việc sử dụng hệ thống kỹ thuật số để giám sát nỗ lực tiêm chủng, đồng thời giúp người dân tiện đăng ký. CDC tin rằng họ đủ khả năng kiểm soát hàng chục hệ thống thông tin tiêm chủng toàn quốc, bao gồm những liều đã dùng trong một khu vực địa lý cụ thể.

“Cơ sở hạ tầng dữ liệu/công nghệ thông tin hỗ trợ toàn bộ quá trình phân phối, đặt hàng và theo dõi từ đầu đến cuối”, CDC viết trong tài liệu ban hành hồi tháng 7/2020 về kế hoạch triển khai vaccine.

Tuy nhiên, tài liệu này không đề cập đến việc chứng nhận tiêm chủng bằng hình thức cấp giấy. Thông báo của CDC một tuần sau đó, đề cập đến hệ thống quản lý công tác triển khai vaccine, bao gồm “lưu trữ hồ sơ người đã tiêm vaccine”, cũng không nhắc tới vấn đề này.

Một nhân viên y tế bệnh viện Bệnh viện Poudre Valley ở Colorado, Mỹ, cầm trên tay giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Pfizer. Ảnh: Denver Post.
Một nhân viên y tế bệnh viện Bệnh viện Poudre Valley ở Colorado, Mỹ, cầm trên tay giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Pfizer. Ảnh: Denver Post.

Một quan chức giấu tên am hiểu vấn đề tiết lộ “những trở ngại về mặt kỹ thuật và áp lực thời gian khiến chính quyền buộc phải dựa vào thẻ giấy, hình thức mà CDC xác định là bảo đảm an toàn”.

Paul Mango, quan chức phụ trách giám sát Chiến dịch Thần tốc trong chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, xác nhận đã xuất hiện “nhiều vấn đề phức tạp” liên quan đến kế hoạch theo dõi tiêm chủng bằng hình thức kỹ thuật số, nên họ phải trở về phương án cấp giấy chứng nhận “vì nhu cầu cấp bách”.

Giờ đây, cơ quan đăng ký tiêm chủng tại bang và địa phương có lưu trữ dữ liệu tiêm phòng Covid-19 của các cá nhân, nhưng không có hệ thống nào giúp doanh nghiệp, trường học và những tổ chức khác dễ dàng kiểm tra để biết một “hộ chiếu vaccine” là giả hay thật.

Giới chức càng thêm chật vật khi một số bang vô tình tiếp tay cho hành vi gian lận, bằng cách đăng phôi giấy chứng nhận tiêm chủng lên trang web của cơ quan y tế. Nhiều người dùng mạng xã hội còn khoe việc tự in tài liệu để làm giấy chứng nhận giả cho mình.

Nenette Day, quan chức thuộc văn phòng tổng thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, cho biết số vụ tố giác liên quan đến giả mạo giấy chứng nhận tiêm chủng mỗi ngày trong tháng qua chiếm tới 40-50% các khiếu nại liên quan đến Covid-19.

Một phụ nữ làm việc tại điểm tiêm chủng Covid-19 đã đưa giấy chứng nhận trống cho bạn trai, người sau đó lên mạng xã hội để chỉ dẫn chi tiết cách điền mẫu giấy và khoe khoang.

Asianjackson, tài khoản eBay của một người đàn ông làm việc trong chuỗi hiệu thuốc quốc gia ở khu vực Chicago, đã bán ít nhất 110 giấy chứng nhận tiêm chủng khống, bao gồm 50 giấy chỉ riêng trong ngày 11/4, theo tìm hiểu của Washington Post. Giới chức bày tỏ lo ngại những người như asianjackson đang lấy mẫu giấy chứng nhận từ các hiệu thuốc hoặc cơ sở y tế nơi họ làm việc.

“Tình huống này rất khó xử lý, bởi số phôi giấy chứng nhận này thực sự là thật, nhưng lại được mua bán bất hợp pháp”, Tổng chưởng lý Bắc Carolina Stein cho hay. Sau khi báo chí đưa tin về asianjackson, eBay đã gỡ các mặt hàng giấy chứng nhận tiêm chủng của tài khoản này, trong khi các hiệu thuốc khẳng định họ có biện pháp giám sát số phôi giấy chứng nhận được CDC cấp.

Mặc dù vậy, những kẻ lừa đảo vẫn có thủ đoạn tinh vi hơn như đánh cắp danh tính, khi nhiều người Mỹ đăng ảnh giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 của họ lên mạng, để lộ thông tin về ngày tiêm, ngày tháng năm sinh và những chi tiết nhận dạng khác. Mục đích của xu hướng đăng ảnh này là nhằm thúc đẩy tiêm chủng, nhưng lại khiến các nhà quản lý phải lên tiếng cảnh báo.

“Vaccine Covid-19 giúp chống lại virus, nhưng việc đăng giấy chứng nhận tiêm chủng lên mạng sẽ gây ra một loại bệnh dịch khác. Những kẻ lừa đảo sẽ dùng nó để đánh cắp danh tính của bạn”, Ashley Moody, Tổng chưởng lý bang Florida, viết trên Twitter hồi tháng 2.

Giới chức cho biết không thể ước tính được bao nhiêu người Mỹ đã tự làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc mua chúng qua mạng. “Đây không phải thứ mà mọi người sẽ báo cáo sau khi mua”, Stein giải thích.

“Bất cứ thứ gì làm trì hoãn việc chấm dứt đại dịch đều vô cùng đáng tiếc và phản tác dụng, như số giấy chứng nhận tiêm chủng giả đó”, ông nói thêm.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post)