Hải quân Thái Lan “cay đắng” khi mua tàu ngầm Trung Quốc: Vì đâu nên nỗi?

QUYẾT ĐỊNH CAY ĐẮNG NHƯNG KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC

Số phận của hai trong số ba tàu ngầm mà Chính phủ Thái Lan mua cho hải quân nước này đang bị treo lơ lửng khi không thể thu xếp được khoản tiền trả góp vào năm sau.

Được Hải quân Thái Lan mệnh danh là “vắc xin của biển” nhưng kế hoạch mua sắm tàu ​​ngầm thứ hai và thứ ba đang gặp phải trở ngại tài chính lớn nhất khi gói trả góp đầu tiên trị giá 3,37 tỷ Baht bị đình trệ mặc dù nó đã được “co kéo” xuống tới 900 triệu Baht trong quá trình cân đối ngân sách.

Theo kế hoạch, các khoản thanh toán cho hai tàu ngầm S26T lớp Yuan mà Thái Lan mua từ Trung Quốc trị giá tổng cộng 22,5 tỷ baht, sẽ được trả dần trong 6 năm, bắt đầu từ năm nay.

Theo tờ Bangkok Post, đây là một trong những khoản chi tiêu gây tranh cãi nhất trong ngân sách quốc phòng dự kiến ​​cho năm tài chính tiếp theo, chính thức bắt đầu vào tháng 10 này.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, người đồng thời cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, được cho là đã ra lệnh gác lại khoản chi trả cho các tàu ngầm trong năm tài chính tới khi bị phe đối lập gây áp lực phải dành tiền để trang trải cho cuộc khủng hoảng Covid-19.

Hải quân Thái Lan cay đắng khi mua tàu ngầm Trung Quốc: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã ký thỏa thuận mua tàu ngầm S26T được đóng dựa trên tàu ngầm lớp Yuan của Hải quân Trung Quốc (trong ảnh) vào năm ngoái. Ảnh: SCMP

Bangkok Post dẫn một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết, cơ quan này đã thông báo với Tư lệnh hải quân, Đô Đốc Chartchai Sriworakhan rằng khoản trả góp trong năm tới sẽ phải hoãn lại.

Một nguồn tin khác trong lực lượng hải quân Thái Lan cho biết, ngay từ đầu, Tướng Prayut Chan-o-cha đã hy vọng việc giảm bớt thay vì hủy bỏ hoàn toàn khoản trả góp ban đầu, ít nhất cũng duy trì được thỏa thuận mua sắm.

Đồng thời, Hải quân Thái Lan cũng đã thuyết phục được Bắc Kinh không tăng giá bán tàu ngầm cho dù các khoản trả góp ít hơn so với kế hoạch.

Trung Quốc đã đưa ra mức giá đặc biệt khi bán các tàu ngầm vì Chính phủ Thái Lan đã đồng ý mua 3 chiếc.

Hải quân Thái Lan cay đắng khi mua tàu ngầm Trung Quốc: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Ảnh đồ họa về thông số kỹ thuật và hình ảnh của các tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: Bangkok Post

NỖ LỰC CỨU VỚT CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ ba vào đầu tháng 4, gói trả góp vẫn vẫn được Chính phủ Thái Lan duy trì mà không có dấu hiệu tạm dừng.

Tuy nhiên, khi số ca nhiễm tăng vọt và vượt mốc 10.000 người mỗi ngày với số ca tử vong trên 100 người/ngày, thì áp lực chính trị đối với Tướng Prayut ngày càng lớn. Đây có thể là là lý do chính buộc ông Prayut phải nhượng bộ trong giai đoạn này.

Tàu ngầm đầu tiên mà Thái Lan mua đang được đóng tại thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Hải quân Thái Lan đã hoạch định một chiến lược để có thể triển khai ba tàu ngầm hoạt động nhằm bảo vệ các vùng lãnh hải ở cả Biển Andaman và Vịnh Thái Lan. Chiếc thứ ba được giữ lại để luân chuyển trong quá trình bảo trì.

Nguồn tin trong Hải quân Thái Lan cho biết họ lo ngại các giao dịch tàu ngầm sẽ vẫn bị trì hoãn thêm nữa ngay cả khi cuộc khủng hoảng đại dịch lắng xuống vì ngân sách quốc gia sẽ tập trung cho việc tái thiết nền kinh tế.

Vì vậy, chương trình mua tàu ngầm từ Trung Quốc, vốn vẫn bị giới chỉ trích coi là biểu tượng cho quyền lực của Tướng Prayut, sẽ còn tiếp tục gây ra sự phản kháng.

Việc Chính phủ Thái Lan đương nhiệm trì hoãn mua sắm sẽ làm xói mòn uy tín của nước này trong mắt Trung Quốc.

Các tàu ngầm thứ hai và thứ ba sẽ mất 6 năm để đóng nên bất kỳ sự trì hoãn kéo dài nào cũng có thể khiến Thái Lan phải chi trả nhiều tiền hơn khi cộng dồn cả lạm phát.

Trong khi đó, Hải quân Thái Lan đã đầu tư xây dựng các hệ thống viễn thông và hỗ trợ cũng như xây dựng một nhà máy đóng tàu để tiếp nhận ba tàu ngầm.

“Giống như vắc-xin Covid-19, khi trang bị tàu ngầm chúng tôi có thể đẩy lùi các mối đe dọa”, nguồn tin của tờ Bangkok Post chia sẻ. “Hải quân là lực lượng phòng thủ biển tuyến đầu, vì vậy chúng ta cần phải được trang bị những vũ khí cho các mục đích răn đe”.

Nguồn Tin nóng