Hai nhà hoạt động gốc Việt muốn thay đổi cách Hoa Kỳ nhìn bệnh tâm lý

Đài PBS đang chiếu một chương trình về sức khỏe tâm lý, có tên “Decolonizing Mental Health” (tạm dịch Độc Lập Sức Khỏe Tâm Lý), và có hai diễn giả là người gốc Việt để nói những vấn đề về tâm lý trong cộng đồng, giúp thay đổi cách nhìn về bệnh tâm lý.

Các diễn giả của chương trình này cho biết các bác sĩ tâm lý ở Hoa Kỳ được dạy theo sách vở của những khoa học gia da trắng, nhưng không thể nào chữa trị cho bệnh nhân thuộc các cộng đồng khác theo những phương pháp đó.

Trong suốt một năm đại dịch, rất nhiều cộng đồng ở Mỹ gặp không biết bao nhiêu vấn đề tâm lý, đặc biệt là các cộng đồng thiểu số. Mỗi cộng đồng có văn hóa và cách sống khác nhau, nên không thể áp dụng những phương thức chữa trị bệnh tâm lý của người da trắng được.

Chính vì vậy, đài PBS mời nhiều chuyên gia tâm lý thuộc nhiều cộng đồng thiểu số để cho họ chia sẻ về các vấn đề tâm lý trong cộng đồng mình, và những khó khăn để giúp đỡ họ.

Đây là những người dùng những trải nghiệm của mình để tạo ra nhiều thay đổi tích cực và giúp đỡ cộng đồng chữa trị bệnh tâm lý.

Một diễn giả gốc Việt là Bác Sĩ Paul Hoàng, nhân viên xã hội y tế và sáng lập viên của tổ chức bất vụ lợi Viet-C.A.R.E.

Ông cho biết mình cùng gia đình vượt biên khỏi Việt Nam vào cuối thập niên 1980, và phải lênh đênh giữa biển một tháng trời, phải chịu cảnh đói khổ và suýt chết nhiều lần.

Không chỉ vậy, họ còn gặp bão trên biển, và còn chịu nguy cơ bị cướp biển tấn công. Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 400,000 người Việt Nam chết giữa biển từ năm 1975 đến đầu thập niên 1990, và nhiều người chết vì bị cướp biển Thái Lan tấn công.

Trong nhiều năm, ông Paul không hề nghĩ những trải nghiệm đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời mình, và đến khi tốt nghiệp trung học mới biết mình bị trầm cảm và rối loạn tâm lý sau chiến tranh (PTSD).

Ông còn cho hay: “Mỗi lần có ai nói họ là người gốc Thái Lan, tôi rất tức giận và chỉ muốn đánh họ. Những lúc trời u ám hay trời như muốn có bão thì cơ thể tôi không cử động được.”

Tuy nhiên, bác sĩ cho hay gia đình, cũng như văn hóa Việt Nam, không chấp nhận các bệnh tâm lý và không có đủ từ ngữ để nói về các căn bệnh đó.

“Ở Việt Nam, nếu người nào được chẩn đoán có bệnh tâm lý, họ sẽ bị nhốt vào bệnh viện tâm thần và bị đối xử như không phải con người, thậm chí còn bị đánh đập. Điều đó làm nhiều người không muốn tiếp xúc những người bị bệnh tâm lý và không muốn nhắc đến các căn bệnh đó,” ông nói.

Ông kể viết lại câu chuyên của mình trong năm đầu khi vào chủng viện, sau đó được một giáo sư kiêm linh mục giới thiệu với một nhà tư vấn tinh thần sau khi đọc. Nhờ sự hướng dẫn của nhà tư vấn đó, ông Paul vượt qua được các khó khăn trong tâm lý và quyết định giúp đỡ cộng đồng.

Bác Sĩ Paul Hoàng (trái) và anh Kelvin Nguyễn (giữa) hoạt động giúp cộng đồng trong đại dịch COVID-19 năm 2020. (Hình: Facebook Paul Hoang)

Khi làm việc với cộng đồng, ông cho biết không dùng những từ ngữ y học, và nói những từ đó theo một cách tích cực, hợp với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.

Ngoài ra, ông nhìn y tế theo một cách tổng thể, vừa thể chất vừa tâm lý, giúp bệnh nhân nhận ra được điều gì tốt cho họ và tốt cho cộng đồng nhất.

Về y tế tâm thần ở Hoa Kỳ, ông nói: “Các bác sĩ tâm lý thường quy chụp và làm việc rất rập khuôn. Họ dùng một khuôn cho mọi bệnh nhân, chứ không giúp đỡ theo từng cách riêng dựa theo văn hóa của họ. Đó là một trở ngại của y tế tâm thần, nhất là trong thời điểm căng thẳng đầy kỳ thị hiện nay. Chúng ta phải bỏ đi khái niệm ai cũng giống nhau, và phải coi trọng sự khác biệt của từng cá nhân.”

Ông nói với phóng viên Người Việt, việc mình xuất hiện trên đài PBS là một cách giúp cộng đồng Việt Nam thay đổi cách nhìn về bệnh tâm lý, và muốn các hệ thống y tế dòng chính thay đổi cách chữa trị cho người gốc Việt.

“Các bác sĩ dòng chính thường dựa theo những trường hợp họ từng gặp, và khám theo đúng được nhu cầu của người Việt Nam,” ông nói.

Ông còn cho biết một bệnh tâm lý mà nhiều người gốc Việt đang gặp là bệnh nghiện cờ bạc, có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng, và thậm chí còn có thể di truyền qua cho con cái.

Diễn giả thứ hai là anh Kelvin Nguyễn, chủ tịch hội đồng quản trị Viet-C.A.R.E. Anh kể về vấn đề tâm lý của mình và cách gia đình coi bệnh tâm lý ra sao.

“Một hôm tôi cầm dao vào phòng, và gia đình gọi cảnh sát. Tôi đang bị khủng hoảng tâm lý, không hiểu tại sao cảnh sát phải đến để giải quyết một vấn đề tôi đang chịu đựng. Tôi có phải là tội phạm khi suy nghĩ mình không muốn sống nữa hay không? Đó là một ký ức cay đắng về cách đối phó với bệnh tâm lý,” anh Kelvin kể.

Anh cho hay mình không hề nghĩ đến chuyện khám tâm lý sẽ tốt cho mình như thế nào trong nhiều năm vì không nói về chuyện đó trong gia đình. Trong nhiều gia đình gốc Á, những người muốn đi khám bệnh tâm lý phải tìm những cách chữa trị không làm phiền đến người nhà, và anh Kelvin nói lý do là để “giữ mặt” cho gia đình.

Không chỉ vậy, anh còn nói các cộng đồng gốc Á thường coi bệnh tâm lý như là một vết nhơ trong gia đình, nên không có những cuộc đối thoại quan trọng, và nhiều người chỉ tìm được chỗ khám bệnh qua truyền miệng hay người khác giới thiệu.

Một buổi sinh hoạt của Viet-C.A.R.E về sức khỏe tâm lý cho nữ hướng đạo sinh hồi năm 2018. (Hình minh họa: Viet-C.A.R.E)

“Nhiều cha mẹ cảm thấy như họ phải tự giải quyết bệnh tâm lý của con mình, và không tin tưởng ai khác giúp được,” anh nói.

Khi vào đại học UCI, anh Kelvin mới lần đầu đi tư vấn về tâm lý nhờ bảo hiểm của trường. Nhờ điều đó, anh mới hiểu được sự quan trọng của khám bệnh tâm lý.

Anh cho biết Viet-C.A.R.E đang giúp cộng đồng gốc Việt đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý, và giúp họ thay đổi suy nghĩ “bệnh tâm lý là một vết nhơ” trong cộng đồng.

“Nhờ các vấn đề tâm lý, tôi nhận được nhiều bài học và nhiều kinh nghiệm bổ ích. Nếu không có những vấn đề đó, tôi sẽ không có ngày hôm nay,” anh Kelvin nói.

Anh còn kể đại học UCI chỉ cho sinh viên 12 tuần tư vấn tâm lý, và việc chữa trị cho mình ngừng lại sau 12 tuần. Hiện nay, anh cho biết mình tự điều trị bệnh tâm lý bằng cách giúp đỡ người khác qua nhiều hoạt động của Viet-C.A.R.E, và đang tìm cân bằng trong cuộc sống.

Cùng nhiều chuyên gia tâm lý thuộc nhiều cộng đồng khác, hai diễn giả gốc Việt này muốn thay đổi cách Hoa Kỳ nhìn về bệnh tâm lý, cũng như thay đổi cách chữa trị cho từng người.

Theo Người Việt