Home Biển Đông Hà Nội tiếp tục cơi nới công sự bí mật ở Trường...

Hà Nội tiếp tục cơi nới công sự bí mật ở Trường Sa

Nghe đọc bài

Cuối năm 2022, CSIS nói rằng Việt Nam đã mở rộng thêm khoảng 220 hecta tại ít nhất 5 đảo và bãi ngầm tại Trường Sa trong một thập niên qua.

Việt Nam bơm thêm tiền để tiếp tục cơi nới, mở rộng và củng cố vũ khí phòng thủ một số vị trí trấn giữ tại quần đảo Trường Sa.

Báo Nikkei hôm 19 Tháng Tám dẫn lại những thông tin từ báo Philippines hồi tháng trước, cộng thêm những chi tiết mới về các hoạt động âm thầm của phía Việt Nam tại quần đảo Trường Sa cùng hình ảnh vệ tinh mấy năm gần đây cho thấy những thay đổi rõ rệt.

Theo các nguồn tin trên, Hà Nội dự trù bỏ ra khoảng 6.4 ngàn tỉ đồng hay $270 triệu cho các hoạt động bồi đắp, cơi nới và xây dựng bến tàu, đồng thời nâng cấp các bộ phận hỏa tiễn chống hạm và phòng không.

Một số đảo Hà Nội đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa

Nguồn tin dẫn các tài liệu từ Bộ Quốc Phòng CSVN đề cập đến đảo Phan Vinh và đá Tiên Nữ hiện đang do lực lượng Việt Nam trấn giữ.

Họ nói rằng, Hà Nội không chỉ xây dựng cơ sở cho lực lượng quân sự mà còn cho cả thường dân cư trú, gồm cả chuyển vận, hệ thống điện, cơ sở xử lý nước thải và và chất thải. Báo Nikkei phỏng vấn phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng về các thông tin này nhưng bà Hằng nói không biết về những điều mà báo Manila Times đề cập.

“Hàng ngàn cây sẽ được trồng trên những đảo đó để che đậy các hào lũy, công sự.” Một người am hiểu sự việc nói với Nikkei. “Ông ta nói thêm rằng việc Việt Nam quân sự hóa ở đây gây ra đe dọa nghiêm trọng đối với lãnh thổ Philippines lân cận.”

Thật ra, mấy năm gần đây, thỉnh thoảng Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington đề cập tới các hoạt động của Việt Nam cơi nới, mở rộng một số vị trí mà nước này trấn giữ ở quần đảo Trường Sa.

Cuối năm 2022, CSIS nói rằng Việt Nam đã mở rộng thêm khoảng 220 hecta tại ít nhất 5 đảo và bãi ngầm tại Trường Sa trong một thập niên qua.

Diện tích cơi nới thêm vừa kể của phía Việt Nam rất nhỏ bé so với 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp (hơn 3,000 hecta) tại Trường Sa và mở rộng một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Một phần vì Hà Nội muốn làm trong âm thầm, không muốn dư luận chú ý, phần khác vì phương tiện dùng cho hoạt động bồi đắp, cơi nới lại nhỏ bé và ít ỏi.

Theo bài viết trên tờ Manila Times ngày 16 Tháng Bảy 2023 có tựa đề “Việt Nam tăng cường quân sự hóa ở biển Tây Phi,” thì Hà Nội thuê một công ty tư nhân bồi đắp một đảo nhân tạo ở Trường Sa trong nỗ lực quân sự hóa ở khu vực họ tuyên bố chủ quyền.

Công ty mà báo Philippines đề cập có tên là “Công ty một thành viên Thiết Kế và Tư Vấn Xây Dựng Công Trình Hàng Không” (ADCC).

Công ty này có trang mạng adcc.vn quảng cáo xây dựng phi trường Cát Bi–Hải phòng, cải tạo, sửa chữa tại một số phi trường khác.

Các vị trí mà Việt Nam đang trấn giữ sẽ được bồi đắp thêm gồm cả đảo Phan Vinh (Pearson Reef), đá Tiên Nữ Tennent Reef), bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef). Phi cũng tuyên bố chủ quyền đối với các vị trí vừa kể, vì chúng nằm trong phạm vi vùng biển chủ quyền 200 hải lý theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển – UNCLOS.

(Theo Người Việt)

Exit mobile version