Gửi thế hệ 9X: Đã đủ trưởng thành để nhìn thấu vật chất, nỗ lực tiết kiệm, tối giản bản thân để tối ưu giá trị

01.

Tác giả Giả Bình Ao, một nhà văn đặc sắc đương đại của Trung Quốc, từng kể về một vị phú bà sở hữu hơn 20 căn hộ cho thuê ở thành phố Tây Kinh, nơi tấc đất tấc vàng, hội tụ điều kiện vật chất khiến ai cũng phải ngưỡng mộ. Chỉ cần thu tiền thuê nhà hàng tháng, người phụ nữ này đã áo cơm không lo, tiêu xài không phải nghĩ.

Tuy nhiên, ham muốn của con người thì giống như một hố sâu không đáy. Khi đã có một thì người ta lại mong muốn có mười. Vị phú bà này cũng không ngoại lệ.

Để theo đuổi một cuộc sống xa hoa và quyền quý hơn nữa, người phụ nữ dùng thân thể để tiếp cận những người quyền quý, từ đó trao đổi lấy càng nhiều ích lợi cá nhân.

Thậm chí, vị phú bà còn dính vào việc cho vay nặng lãi. Sau một thời gian ngắn “kiếm chác”, việc này bị phanh phui, người phụ nữ không chỉ mất cả chì lẫn chài, táng gia bại sản, mà còn vướng vào nguy cơ lao lý.

Giả Bình Ao đã nhận xét rằng:

“Bên trong túi xách đắt tiền của người phụ nữ có thể chỉ toàn giấy vệ sinh. Bên trong lớp y phục lộng lẫy bên ngoài cũng có thể chỉ là bộ nội y rẻ tiền. Bên trong đôi giày cao sang lấp lánh cũng có thể là chiếc vớ rách, lòi mấy đầu ngón chân. Người nào càng không hiểu nghệ thuật thì càng thích tỏ vẻ nghệ thuật, cũng như người nào càng không có tiền, càng thích ra vẻ mình rất nhiều tiền.

Đến cuối cùng, sống mệt mỏi như vậy, nguyên do cũng chỉ là sợ bị người khác khinh thường mà thôi.”

Dục vọng con người không bao giờ có thể thực sự thỏa mãn. Càng truy đuổi, chúng càng đưa bạn vào ngõ cụt.

Phải biết rằng, nhà cao cửa rộng đến mấy, khi ngủ cũng chỉ cần tấm giường sáu thước. Gia tài bạc triệu giàu sang, cơm nước cũng chỉ cần ba bữa một ngày.

Vật chất quá nhiều không hề có lợi cho chúng ta mà ngược lại, nó sẽ trở thành gánh nặng trong cuộc sống.

Chỉ có sự phong phú và giàu có đến từ nội tâm, từ bên trong của một con người mới có thể đem lại hạnh phúc và niềm vui thực sự từ tận đáy lòng.

Gửi thế hệ 9X: Đã đủ trưởng thành để nhìn thấu vật chất, nỗ lực tiết kiệm, tối giản bản thân để tối ưu giá trị - Ảnh 1.

02.

Có một cô gái họ Kiều sống ở Thạch Gia trang sinh vào thế hệ đầu 90, là người chủ trương theo đuổi lối sống “không tiêu dùng không cần thiết”.

Cách đây hơn một năm, cô đã từng bị ám ảnh về việc mua sắm và chi tiêu. Cô có thể mua hằng hà sa số các loại khuyên tai để đeo mỗi đôi một ngày. Với những bộ quần áo ưng ý, cô cũng có thể mua nhiều màu khác nhau để phối hợp cùng những phụ kiện khác nhau.

Chưa kể đến, mỗi khi nảy sinh một loại hứng thú, ví dụ như muốn học yoga, cô sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu để đăng ký và mua thẻ học một năm. Các loại máy mát xa hay dụng cụ tập thể hình… cũng chiếm không gian không hề nhỏ trong nhà, dù thực chất, nhu cầu sử dụng của cô không nhiều đến thế.

Tuy nhiên, dù sống với suy nghĩ không bao giờ bạc đãi bản thân, luôn sẵn sàng chi tiêu cho mọi nhu cầu, cộng thêm năng lực bản thân khá tốt, không có quá nhiều nỗi lo vật chất, nhưng cô ấy không cảm thấy thực sự hạnh phúc và thỏa mãn. Ngược lại, bị vật chất gò bó quá lâu, người ta lại dễ cảm thấy trống rỗng hơn.

Sau này, khi được tiếp xúc với nhiều con người, nhiều sự việc, nhiều cuộc sống hơn thì cô gái này đã lựa chọn cho mình một sự thay đổi nghiêng trời lệch đất.

Cô chuyển đến một ngôi nhà mới, trong phòng chỉ có một chiếc giường và một số đồ đạc đơn giản, không gian hoàn toàn trống trải nhưng ngăn nắp, sạch sẽ.

Trong tủ chỉ chứa một vài bộ quần áo thường mặc nhất cho mỗi mùa, vì thế, cô không cần phải mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ và lựa chọn hôm nay phải mặc gì.

Từ bỏ những món ăn đắt tiền và nhiều dầu mỡ, cô bắt đầu tự tay nấu ăn, lên thực đơn đơn giản mà tươi ngon, vừa giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng hàng ngày.

Và sau khi tối giản lại chính lối sống của mình, cô có nhiều thời gian đọc sách hơn. Trung bình mỗi tuần, cô có thể đọc ít nhất 1-2 cuốn, từ từ làm phong phú và đổi mới tư duy bản thân.

Thói quen dậy tập yoga lúc 5 giờ mỗi sáng cũng khiến cô hiểu tầm quan trọng của việc khám phá nội tâm, lắng nghe cơ thể nhiều hơn.

Có cuốn sách từng viết thế này:

Tại sao chúng ta sinh ra và tại sao chúng ta sống trên đời?

Dù chỉ như nước chảy bèo trôi trong trần thế ồn ào, cố gắng tìm kiếm sự tĩnh lặng của tâm hồn trong một khoảng trống, thì sống phải cho ra sống. Chúng ta phải học được cách tự suy ngẫm về mình, học cách làm bạn với người khác, hòa hợp với thế giới và hòa hợp với chính mình.

Khi đã học được phép loại trừ và thực hiện loại trừ đi những bộ phận không quan trọng của cuộc sống, những gì còn sót lại đương nhiên sẽ bao gồm toàn bộ tinh hoa. Có như vậy, cuộc sống của chúng ta mới gọn gàng, ngăn nắp và thoải mái hơn rất nhiều.

Gửi thế hệ 9X: Đã đủ trưởng thành để nhìn thấu vật chất, nỗ lực tiết kiệm, tối giản bản thân để tối ưu giá trị - Ảnh 2.

03.

Một siêu thị mở cửa buôn bán, tuần thứ nhất, họ bày ra 24 loại mứt, cho phép khách hàng có thể tự do nếm thử và mua những sản phẩm này với giá chiết khấu.

Tới tuần thứ hai, họ chỉ bày ra 6 loại mứt và cũng áp dụng giá chiết khấu y như hôm trước.

So sánh công việc kinh doanh của hai tuần sẽ như thế nào?

Kết quả là, số mứt bán được ngày thứ hai nhiều hơn ngày thứ nhất gấp 10 lần.

Lý do rất đơn giản, khi đứng trước quá nhiều lựa chọn, theo bản năng, nhiều khách hàng không biết phải làm gì, không thể phân biệt loại nào tốt nhất, loại nào tiết kiệm chi phí nhất, cũng như loại nào mua mà phí tiền nhất. Đến cuối cùng, khi không thể đưa ra câu trả lời, họ cũng không mua nữa.

Đây là nghịch lý lựa chọn: Hạnh phúc có nghĩa là có tự do và lựa chọn, nhưng tự do và lựa chọn nhiều chưa chắc đã đem lại nhiều hạnh phúc, mà ngược lại, càng nhiều lựa chọn thì càng ít hạnh phúc.

Trong thời đại vật chất khó khăn, chúng ta bị hạn chế sự lựa chọn. Cho nên, dù chỉ một bộ quần áo mới và ba bữa cơm no đủ một ngày đã có thể đem tới hạnh phúc.

Nhưng khi vật chất chuyển từ khan hiếm sang dồi dào thì quá nhiều sự lựa chọn sinh ra, cũng tạo ra những vấn đề mới, khiến chúng ta mất thời gian suy tính, từ đó, hạnh phúc không tăng lên mà còn giảm đi.

Cần phải biết rằng, trong mỗi con người luôn có một không gian giới hạn nhất định. Chỉ khi dọn sạch rác rưởi kịp thời thì mới có chỗ để chào đón những điều thật sự tươi đẹp.

Trưởng thành là khi, chúng ta hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng với bản thân, và từ bỏ những điều không còn quá quan trọng.

Theo Soha