Giữa chế tài, Trung Quốc có thể làm gì và không thể làm gì cho Nga?

Nghe đọc bài

Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington D.C.

Những nỗ lực của Trung Quốc giúp Nga về phương diện kinh tế không thể giảm thiểu hậu quả những chế tài của phương Tây nhắm vào Nga, theo các nhà phân tích.

Chế tài mới nhất: Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 loan báo cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga, một biểu hiện phản đối cuộc chiến tranh Nga gây ra.

“Chế tài không bao giờ là phương thức căn bản và hữu hiệu để giải quyết vấn đề,” ông Liu Pengyu, phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington viết cho VOA qua email. Kể từ năm 2011, ông Liu nói, Mỹ đã áp đặt hơn 100 chế tài lên Nga nhưng không giải quyết được bất cứ vấn đề nào.

“Trung Quốc quyết định quan điểm và chính sách của riêng mình dựa vào tính thích đáng của vấn đề.” Đối với vấn đề Nga-Ukraine, ông Liu nói tiếp: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong việc tìm kiếm và đạt được hòa bình.”

Dù là việc Bắc Kinh chống chế tài và dự định mua thêm hàng hóa Nga sẽ giúp Moscow, nhưng kinh tế của Nga hiện tại vẫn phụ thuộc nhiều vào các nước phương Tây hơn là Trung Quốc, theo các chuyên gia.

Dầu, thực phẩm và tài chánh

Lãnh đạo quản lý ngân hàng của Trung Quốc, Guo Shuqing, ngày 2/3 tuyên bố nước ông sẽ tránh những chế tài tài chính do phương Tây áp đặt chống Nga. Ông Guo nói Trung Quốc, coi mình là trung lập trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, sẽ tránh thay đổi các quan hệ thương mại và tài chính với Nga hay với Ukraine.

Nga và Trung Quốc ngày 4/2 loan báo có ý định mở rộng các chuyến chở dầu từ Nga sang Trung Quốc, là nước dựa vào nhiên liệu trong khâu sản xuất hàng xuất khẩu. Lúc đó, Công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc và Công ty Dầu khí Rosneft của Nga ký thỏa thuận cung cấp cho Trung Quốc 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày qua Kazakhstan trong 10 năm.

Trung Quốc xem Nga là nước cung cấp dầu thô lớn hàng thứ nhì vào năm ngoái, chiếm tổng cộng 15,5% mức cung cấp từ nước ngoài.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc thu mua ngũ cốc từ các nông trại bát ngát của Nga. Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nói Moscow đang kết nối với sáng kiến cơ sở hạ tầng xuyên Âu Á nhiều tỉ đô la của Trung Quốc, Vành đai-Con đường, nhằm thu hút đầu tư và đẩy mạnh “khả năng trung chuyển” về hướng tây đến châu Âu.

Các giới chức ở Bắc Kinh vẫn mở Hệ thống Chi trả Liên Ngân hàng Xuyên-Biên giới (CIPS) để giúp các ngân hàng Nga trước lệnh cấm sử dụng hệ thống SWIFT quốc tế. Ngân hàng trung ương Trung Quốc phát động CIPS vào năm 2015 để gia tăng việc sử dụng đồng Nguyên trong các chuyển khoản toàn cầu.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Ngân khố Mỹ hôm 24/2 cho hay đã cùng với các đồng minh ngăn chặn các định chế tài chánh và các công ty lớn nhất của Nga gây vốn. Động thái này có thể đánh vào khoảng 80% tất cả tài sản ngân hàng tại Nga và sẽ “có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài lên kinh tế và hệ thống tài chính Nga,” Bộ Ngân khố nói trong một tuyên bố.

Ủng hộ của Trung Quốc có giới hạn

Theo giới phân tích, những gì Bắc Kinh có thể làm cho Nga cũng có giới hạn. Khoảng cách giữa Trung Quốc tới các giếng dầu Nga sẽ khiến cho việc xây dựng các ống dẫn dầu giữa hai nước rất tốn kém, ông Paul D’Anieri, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California-Riverside, nhận định.

Trung Quốc năm ngoái nhận 16,5 tỉ mét khối khí đốt từ Nga.

CIPS của Trung Quốc khó có thể so sánh với SWIFT, theo ông Liang Kuo-yuan, chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Yuanta-Polaris ở Đài Bắc.

Ông ước tính SWIFT, với 11.000 định chế, có thể xử lý từ 5.000 tỉ đến 6.000 tỉ đô la mỗi ngày, trong khi CIPS thì chưa tới 12.000 tỉ đô la trong cả năm ngoái.

Ủng hộ kinh tế cho Nga sẽ bị giới hạn trong khi Trung Quốc hy vọng giữ hòa bình với các nước phương Tây đang chế tài Nga, ông Dexter Roberts, tác giả cuốn Huyền thoại của Chủ nghĩa Tư bản Trung Quốc, nói. Giúp quá nhiều sẽ đưa ra thông điệp sai, ông nói.

Hơn nữa, giới tiêu thụ Trung Quốc, giống như giới tiêu dùng trên thế giới, ít khi mua hàng do Nga sản xuất.

Vẫn theo giáo sư D’Anieri, Trung Quốc trông cậy vào xuất khẩu trong khi Nga “tự túc nhiều hơn” do nguồn cung ứng dầu và nông phẩm nội địa dồi dào.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, ông Dexter Roberts nói. “Tôi nghĩ trong dài hạn chúng ta có thể thấy quan hệ thương mại và quan hệ đầu tư tiếp tục gia tăng giữa Trung Quốc và Nga.” “Đối với Nga, việc này thực sự quan trọng.”

Thương mại hai chiều giữa Nga-Trung năm ngoái tăng khoảng 36% lên tới 147 tỉ đô la. Tuy nhiên Trung Quốc chỉ chiếm 13,8% trong tổng hàng xuất khẩu của Nga, trong khi lượng xuất khẩu sang 12 đối tác thương mại phương Tây hàng đầu của Nga là 45%.

VOA