Giới văn nghệ sĩ Cuba kiên trì đòi tự do ngôn luận

Nghe đọc bài

Hai tháng sau cuộc tập hợp mang tính lịch sử, giới nghệ sĩ Cuba vẫn kiên trì đòi thêm quyền tự do ngôn luận, nhưng chính phủ lại liên tục tố cáo phong trào này là một âm mưu chính trị. Nói cách khác, tại Cuba, sự chung sống giữa văn hóa và cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn đầy sóng gió.

Cho dù dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại và việc hợp nhất hai đồng tiền kể từ ngày 1/1/2021 đang gây nhiều xáo trộn về kinh tế, giới văn nghệ sĩ ở Cuba vẫn không từ bỏ những yêu sách của họ, được bày tỏ chủ yếu trên các mạng xã hội, tại một quốc gia mà mạng Internet di động đang mang lại nhiều thay đổi kể từ khi được thiết lập vào cuối năm 2018. Nhưng báo chí Nhà nước thì hầu như ngày nào cũng tố cáo phong trào này chính là do kẻ thù truyền kiếp của Cuba là Hoa Kỳ chỉ đạo từ xa.

Phong trào đã khởi đầu từ ngày 27/11 năm ngoái, khi khoảng 300 văn nghệ sĩ tập hợp suốt 15 tiếng đồng hồ trước trụ sở bộ Văn Hóa Cuba để đòi thêm quyền tự do ngôn luận, một sự kiện chưa từng có tại quốc gia Cộng Sản vùng biển Caribe này. Cuộc biểu tình diễn ra sau vụ trục xuất thô bạo 14 thanh niên Cuba, cố thủ trong một căn nhà ở trung tâm La Habana để đòi trả tự do cho một nam ca sĩ nhạc rap bị cầm tù.

Để xoa dịu các văn nghệ sĩ, vào chiều ngày 27/11, chính quyền Cuba hứa sẽ đối thoại với họ. Nhưng rốt cuộc, theo lời nhà thơ và nhà văn Alexis Diaz Pimienta, được hãng tin AFP trích dẫn, đây chỉ là « một cuộc độc thoại ». Đối với La Habana, cuộc biểu tình của giới văn nghệ sĩ chính là một « âm mưu đảo chính trá hình », là mưu toan cuối cùng mà những người ủng hộ Trump và « tổ chức mafia chống Cuba » ( ở Miami ) tiến hành trong khuôn khổ « chiến lược chiến tranh không quy ước nhằm lật đổ cách mạng », như tuyên bố của chủ tịch Miguel Diaz-Canel.

Theo AFP, đối với bà Maria Isabel Alfonso, chuyên gia về văn hóa Cuba của Đại học St Joseph, New York, phản ứng của chính quyền La Habana không có gì mới. Bà Alfonso nhắc lại là trong quá khứ, chính quyền đã từng sử dụng những công cụ như vậy, chẳng hạn như huy động một đám đông vây quanh một nhà bất đồng chính kiến chửi rủa, la mắng người này, hoặc là cứ thấy ai có suy nghĩ khác thì vu là « lính đánh thuê ». Chuyên gia Alfonso còn lưu ý rằng biện pháp quản thúc tại gia, thay vì bắt giam, cũng được sử dụng thường xuyên.

Trả lời AFP, đạo diễn kỳ cựu Fernando Pérez, trước đây vẫn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên, cho rằng cuộc tập hợp ngày 27/11 là « một cuộc biểu tình chính trị nhưng được thể hiện một cách thi vị, bất bạo động, qua các bài hát, bài thơ ».  Đối với đạo diễn Pérez, những văn nghệ sĩ trẻ đó là biểu tượng cho một nước Cuba mà nhiều người dân Cuba đã mơ tưởng và vẫn còn mơ tưởng.  Nhưng nhà làm phim 76 tuổi này không hề có chút ảo vọng, bởi vì « tâm lý khó mà thay đổi nhanh chóng, con đường sẽ còn dài ».

Theo AFP, chung sống giữa giới văn nghệ sĩ với cách mạng đã không hề êm ả kể từ khi Fidel Castro vào năm 1961 định nghĩa chính sách vãn hóa bằng công thức : « Theo cách mạng, thì được tất cả, chống cách mạng, thì không được gì ».

Dưới ảnh hưởng của Liên Xô, chính quyền Castro đã mở một chiến dịch thanh trừng ồ ạt, loại bỏ toàn bộ những văn nghệ sĩ nào không đáp ứng các tiêu chuẩn do họ đặt ra : có tư tưởng cách mạng và không phải là người đồng tính. Những văn nghệ sĩ nào « có vấn đề » về ý thức hệ thường bị đưa đi lao động ở các nông trường hoặc nhà máy. Các tác phẩm của họ bị cấm đoán.

Nhưng thời đại bây giờ là thời đại công nghệ thông tin. Hôm 27/11 năm ngoái, chính quyền đã hoàn toàn bị bất ngờ trước một cuộc tập hợp hoàn toàn mang tính tự phát, theo lời kêu gọi lan truyền trên mạng, cho nên họ đã buộc phải ngồi vào bàn đối thoại.

Như ghi nhận của chuyên gia Maria Isabel Alfonso, một điểm mới khác, đó là đòi hỏi rất mạnh mẽ của giới trí thức văn nghệ sĩ muốn chính quyền công nhận tính chính đáng của sáng tác độc lập và tôn trọng các quyền của họ. Bà kêu gọi chính quyền nên chấm dứt việc trừng phạt những ai có suy nghĩ khác và mở ra một không gian đối thoại với giới văn nghệ sĩ.

Hôm qua, 26/01/2021, các quan chức đại diện cho bộ Văn Hóa Cuba đã tiếp một nhóm đại diện cho giới diễn viên. Cuộc gặp được tổ chức theo yêu cầu của Hiệp hội Diễn viên Cuba. Nhưng hiện giờ còn quá sớm để xem đây là khởi đầu của một cuộc đối thoại thật sự giữa chính quyền với giới văn nghệ sĩ Cuba.

Theo RFI