Giới luật sư nói gì vụ Tịnh thất Bồng Lai?

Báo đảng được lệnh của Ban Tuyên giáo và công an đưa nhiều cáo buộc nhắm vào ông Lê Tùng Vân. Courtesy of Zing

Trong lúc báo đảng mở cuộc công kích nhắm vào Tịnh thất Bồng Lai, giới luật sư, nhà quan sát có ý kiến khác định hướng của truyền thông nhà nước về nơi này.

Hôm 6/1/2022, báo đảng đồng loạt đăng nhiều cáo buộc nhắm vào ông ông Lê Tùng Vân, 89 tuổi, ở Tịnh thất Bồng Lai ở tỉnh Long An như “Loạn luân”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.

Báo đảng có chủ đích khi công kích Tịnh thất Bồng Lai để chính quyền thẳng tay dẹp bỏ nơi này. Courtesy of Zing

ADN của người ở Tịnh thất Bồng Lai đã được thu thập bằng cách nào?

Các bài đăng trên truyền thông nhà nước là chỉ dấu cho thấy Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An sắp sửa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can trong vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai.

Hầu hết các báo đều nhấn mạnh cáo buộc của chính quyền rằng nơi này “lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi”.

Trong khi đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn, nhận định: “Trên mạng xã hội đang lan truyền về một trang tài liệu liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai (Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ). Trong đó, nội dung thể hiện việc cơ quan công an thu thập được mẫu ADN của các thành viên của Tịnh thất. Qua giám định ADN, đã xác định được quan hệ huyết thống giữa họ. 

Vẫn theo trang đó, đáng lưu ý, ông Lê Tùng Vân đã có quan hệ gần gũi với 6 người phụ nữ, sinh ra 11 người con. Trong 6 người phụ nữ làm “vợ” ông Lê Tùng Vân, thì có 1 người là em gái ruột và 2 người khác là con gái ruột. 3 người phụ nữ này vừa là người thân thích, vừa là “vợ” đã sinh ra 4 người con trong số 11 người kể trên…

Ít nhất, nếu trang tài liệu này có thật và đúng đắn, cho thấy yếu tố cấu thành tội danh “Loạn luân” theo quy định của Bộ luật Hình sự rất rõ. Tuy vậy, đây vẫn là một trang tài liệu không rõ nguồn và việc “tung” ra trang tài liệu vào thời điểm này có lẽ không nằm ngoài mục đích thuyết phục công chúng về tính chính đáng khi bắt giữ các thành viên Tịnh thất Bồng Lai.

Vẫn theo trang tài liệu, ADN của họ là tế bào niêm mạc miệng được thu thập vào thời điểm tháng 7/2020 là thời điểm chưa từng có vụ án nào có liên quan được khởi tố? Vậy ADN của họ đã được thu thập bằng cách nào? Nhân dịp gì? Từ đâu?

Báo đảng chỉ đăng cáo buộc một chiều của công an trong lúc không cho người của Tịnh thất Bồng Lai có quyền phản hồi. Courtesy of Zing

“Tế bào của một người thuộc quyền định đoạt của riêng họ”

Luật sư Mạnh cho biết thêm: “Lật tìm lại trang báo cũ cho thấy: Vào hạ tuần tháng 07/2020, một người đàn ông nhập cảnh trái phép từ Cambode đến Tịnh thất Bồng Lai tặng quà. Người này sau đó bị lực lượng chức năng bắt đi cách ly, kéo theo việc 17 thành viên của Tịnh thất Bồng Lai cũng buộc đưa đi cách ly và kiểm tra y tế. 

Trong việc kiểm tra y tế, tất nhiên có việc xét nghiệm COVID-19 và có lẽ, kèm theo đó là “nghiệp vụ” lấy mẫu tế bào niêm mạc miệng để có cơ sở giám định ADN về quan hệ huyết thống giữa họ. Đồng thời, rất có thể người đàn ông nhập cảnh trái phép đến Tịnh thất Bồng Lai tặng quà cũng là một “biện pháp nghiệp vụ điều tra”.

Xem ra, 3 tội danh bị khởi tố gồm : (i) Lợi dụng những quyền tự do dân chủ; (ii) Lừa đảo; và (iii) Loạn luân. Thì ngoại trừ hai tội danh đầu chưa xét đến. Nhưng đối với tội danh thứ (iii) Loạn luân, thì lúc này, kết luận giám định ADN có vẻ đã là chứng cứ buộc tội với ông Lê Tùng Vân. Chỉ có điều, nó đã được thu thập không theo quy trình tố tụng và cũng không có sự ưng thuận của những người bị thu thập. Nên biết, tế bào của một người thuộc quyền định đoạt của riêng họ.”

Cùng thời điểm, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, bình luận: “Kết quả xét nghiệm quan hệ huyết thống dựa trên ADN không hẳn mang tính xác định. Xét nghiệm nào cũng có sự bất định, và điều này thì chúng ta đã biết qua xét nghiệm COVID-19.

Người ta có vẻ quá dễ tin vào cái tài liệu cắt xén của công an do ai đó tung lên mạng. Tiếp tay phát tán những thông tin của kẻ ác là một hành vi ác ôn vậy. Người biết chút về khoa học và biết suy nghĩ cần phải duy trì mức độ đề kháng cần thiết để chống lại những thông tin nặc danh với nội dung rất nhạy cảm liên quan đến những con người thật. 

Hình như người ta đã quên vụ án “hai bao cao su đã qua sử dụng”. Hóa ra Tản Đà vẫn có lý: “Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn