Giới khoa học báo động: Các “dấu hiệu sinh tồn” của Trái đất đang suy yếu

Nghe đọc bài

Trong một lời báo động được công bố vào hôm nay 28/07/2021 trên tạp chí khoa học Bioscience, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay đã cảnh báo rằng các “dấu hiệu sinh tồn” của hành tinh đang suy yếu dưới tác động của các hoạt động kinh tế toàn cầu và khả năng “khí hậu đột biến”.

Đối với các nhà nghiên cứu này, thành viên của nhóm hơn 14.000 nhà khoa học đã ủng hộ việc ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu, các chính phủ đã thất bại một cách có hệ thống trong việc giải quyết các nguyên nhân của biến đổi khí hậu: Tình trạng “khai thác quá mức Trái Đất”.

Trên cơ sở lần đánh giá trước đây vào năm 2019, các nhà khoa học đã nhấn mạnh trên đà “gia tăng chưa từng thấy” của các thảm họa khí hậu, từ lũ lụt đến nắng nóng, lốc xoáy và hỏa hoạn.

Châu Âu, Trung Quốc, Canada và Hoa Kỳ đã phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người trong tháng Bảy này.

Trong số 31 “dấu hiệu sinh tồn” trên hành tinh, có việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, độ dày của sông băng hoặc nạn phá rừng, 18 dấu hiệu đã đạt mức kỷ lục.

Một số ví dụ được nêu bật: Mặc dù lượng khí thải nhà kính đã sụt giảm do đại dịch Covid-19, nồng độ CO2 và mêtan trong khí quyển vẫn đạt mức kỷ lục vào năm 2021. Bên canh đó, đà tan chảy của các sông băng đã nhanh hơn 31% so với cách nay 15 năm, trong lúc nạn phá rừng ở vùng Amazon của Brazil cũng đạt kỷ lục vào năm 2020, biến bể thu carbon quan trọng này của Trái Đất thành nơi thải ra khi CO2.

Theo RFI