Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đòi tăng học phí để ‘cản bớt sinh viên’

Ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội . Courtesy of VnExpress
Nghe đọc bài

Phát ngôn “Học phí cần là rào cản kỹ thuật để tránh việc học đại” của vị giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội lập tức bị công luận chỉ trích là “một tư tưởng giáo dục quái gở” và “chỉ lăm le làm sao moi tiền cho bằng được”. 

Ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, được báo VnExpress dẫn lời phát biểu tại nghị trường: “Mức học phí hiện nay thấp, ngân sách đảm bảo mức không cao, trong khi lại có quy định mức trần học phí (mức học phí cao nhất). Mức trần này đáp ứng rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của các cơ sở giáo dục.

Do đó, phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành “học đại”.

Ông Quân cho rằng “cần phải coi học phí với người học là nguồn đầu tư”. “Theo thông lệ quốc tế, tiền học phí phải tương đương hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp. Như vậy mới đảm bảo được nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục,” vị cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh.

Học phí đại học tăng đều đặn sau mỗi năm khiến con nhà nghèo khó bước chân vào giảng đường. Courtesy of Zing

“Lê Quân học ở đâu mà tư tưởng quái gở như vậy?”

Hôm 26/7/2021, nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu, bình luận: “Trong khi xã hội văn minh động viên học đại học bằng cách giảm học phí hay thậm chí miễn phí như ở Đức thì vị giáo sư này lại muốn tăng học phí để tạo rào cản. Tôi không biết vị này [ông Lê Quân] học ở đâu mà tư tưởng quái gở như vậy? 

Một xã hội công bằng là một xã hội sẽ trao cơ hội giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người. 

Tuy điều này không thể thành hiện thực một cách tuyệt đối bởi sự phân cấp giàu nghèo một cách tự nhiên, những trường đại học đắt tiền thì chỉ con nhà giàu mới có điều kiện học nhưng việc trao cơ hội giáo dục một cách bình đẳng không chỉ có ý nghĩa nhân văn, bình đẳng với các tầng lớp xã hội mà còn phát huy được nhân tài ở mọi tầng lớp xã hội. 

Tôi đoán vị giáo sư này xuất phát từ một gia đình giàu có lắm nên mới có tư tưởng phân biệt, ngăn chặn cơ hội giáo dục với những tầng lớp khó khăn trong xã hội. Người có tư duy thông thường sẽ hiểu rằng thường con nhà nghèo rất ít có cơ hội học giỏi để có học bổng, trừ những cá nhân có tài năng đặc biệt.

Con nhà nghèo, nhất là ở nông thôn đã thiệt thòi khi mới bước vào đời bởi không được học thày giỏi, thời gian phải giúp bố mẹ làm ruộng, làm việc nhà, nếu có thể vào được đại học thì sẽ cơ cơ hội đổi đời và tương lai có thể giúp bố mẹ, làng xóm của mình.” 

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội được cho là ghế chuẩn bị cho vị trí bộ trưởng Giáo dục CSVN. Web screen capture

“Chỉ lăm le làm sao moi tiền cho bằng được thì quá tàn bạo”

Ông Đoàn Bảo Châu cho biết thêm: “Theo như tôi hiểu thì chúng ta đang sống ở chế độ XHCN và hướng tới thiên đường Cộng sản tươi đẹp và lý tưởng của cộng sản là xây một xã hội bình đẳng trong ấy tầng lớp công nông là tiên phong. Chẳng thế mà xưa có phong trào long trời lở đất bắt giết cường hào địa chủ để chia nhà, chia ruộng cho bần cố nông, rồi cướp “có văn hóa” của cải, phương tiện sản xuất của người có của trong phong trào cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở thành phố. 

Tất cả để tạo một sự cào bằng về tài sản, đưa cho con em công nông cơ hội đổi đời. Vậy mà vị giáo sư, lại là một đại biểu quốc hội này lại dám đứng ở Quốc hội mà ngang nhiên nêu ra tư tưởng phân biệt giai cấp, phân biệt giàu nghèo như vậy. Chẳng lẽ cái lý tưởng kia chỉ là một trò đạo đức giả và đến nay mới ngang nhiên lộ chân tướng thật? 

Giáo sư, lại là giám đốc một trường lớn mà dám công khai đưa ra tư tưởng phản động như vậy, nếu lên chức to hơn nữa thì con em công nông nghèo sẽ phải chịu cảnh lầm than đến đâu?”

Cùng thời điểm, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ bình luận: “Chất lượng giáo dục tốt hay không do các ông sao lại đổ sang cho những em học sinh đang là tương lai của đất nước, sự chối bỏ trách nhiệm đó chứng tỏ những kẻ làm giáo dục là những thằng hèn, không dám chịu trách nhiệm mà chối bỏ nó.

Ở nước ngoài, người ta miễn phí các đại học cộng đồng, một số trường lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu hơn sẽ có những chính sách ưu đãi cho sinh viên không thu học phí lúc đang học, mà sẽ trả sau khi ra trường.

Các ông không nhìn theo hướng phát triển thế, mà chỉ lăm le làm sao moi tiền cho được thì quá tàn bạo.

Đã hèn lại còn ác, mà nhiệm kỳ tới có thể Quân sẽ làm bộ trưởng giáo dục, một bộ trưởng chỉ biết tới tiền thế này thì tương lai sẽ ra sao?”

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn