Giải mã hai dòng xe quân sự Mỹ cung cấp cho Ukraine

Trong gói viện trợ vũ khí mới nhất trị giá 800 triệu USD mà Mỹ cung cấp cho Ukraine có 200 bọc thép chở quân M-113 và 100 xe chở quân HMMWV.

Xe M113

M113 là loại xe bọc thép bánh xích thuỷ bộ lưỡng dụng, chủ yếu dùng để chở quân trên chiến trường. Ra đời loạt đầu vào cuối thập niên 1950, đến nay, số lượng xe đã được sản xuất khoảng 80.000 chiếc. Ngoài lục quân Mỹ, M113 còn được trang bị cho quân đội của gần 50 quốc gia và khu vực trên thế giới. Đây là loại xe từng được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh.

Xe bọc thép M113. Ảnh: Military Today

Xe M113 nặng 12,3 tấn, dài 4,9m, rộng 2,7m, cao 2,5m. Xích xe rộng 38,1cm và có các bánh răng rộng 15,24cm, xích bên phải gồm 64 mắt xích, còn xích bên trái có 63 mắt xích. Đáy của mắt xích được gắn các miếng cao su có thể tháo rời nhằm tăng khả năng bám đường và giảm tiếng ồn. Tuổi thọ của xích xe khoảng 4.900km và đôi khi đạt tới 14.400km.

Xe có thể chở được 11 binh sĩ. Lái xe ngồi bên trái phía trước xe, có một ngách ra vào mở về phía sau. Xe trưởng ngồi ở chính giữa thân xe, 10 binh sĩ ngồi quay mặt vào trong khoang trên 2 băng ghế. Khi không chở lính, các băng ghế có thể gập lại, tạo không gian khoảng 6,54m3. Cuối xe có một cửa sập hoạt động bằng thủy lực tích hợp với một cửa ra vào riêng biệt, được lái xe vận hành đóng mở.

Xe M113 có thể bơi mà không cần bất cứ chuẩn bị gì ngoài việc nâng tấm chắn ở phía trước để tạo sự ổn định, nó bơi nhờ sự chuyển động của xích. M113 có thể được chuyên chở bằng máy bay C-5, C-17, C-130, C-141 và có thể được thả dù.

Xe được trang bị 1 súng máy 12,7mm tầm bắn hiệu quả 1.800m và hai trung liên 7,62mm bắn được về phía bên sườn. M113 như một lô cốt di động, người lính trong xe có thể chiến đấu trực tiếp thay vì ẩn nấp và chờ đến nơi quy định mới xuống xe để chiến đấu.

Xe M113 từ khi ra đời đã được cải tiến, phát triển thành nhiều biến thể khác nhau. Xe M113A1, lắp động cơ diesel GM6V53T, công suất đạt 215 mã lực, nâng cao khả năng tự vệ và đạt hành trình lớn nhất. M113A2, thân xe là kết cấu hàn nối hợp kim nhôm 5083, vỏ giáp phía trước dày 38mm, có thể chống được đạn 14,5mm, vỏ giáp 2 bên thành xe dày từ 12-38mm, vỏ giáp phía sau dày 12mm, có thể chống được đạn súng 7,62mm.

Xe M113A3, có vỏ giáp P-900, phía trong thân xe có lớp giáp đệm chống đạn Kevlar, sử dụng động cơ diesel 6V53T 275 mã lực và hộp số tự động X-200-4.

Xe HMMWV

Trong bối cảnh cần phải có một phương tiện vận tải đa dụng nhằm thay thế cho loại xe Jeep đã trở nên lỗi thời, năm 1980 hãng American Motors General đã cho ra mẫu đầu tiên M998 loại “xe đa dụng với tính năng di động cao”, gọi tắt là HMMWV.

HMMWV là phương tiện vận tải chiến thuật hạng nhẹ đa chức năng như: tuần tra, trinh sát, chiến đấu, đột kích hạng nhẹ, tải thương, xe chỉ huy và vận tải hạng nhẹ.

Một chiếc HMMWV tiêu chuẩn có chiều dài 4,57m, rộng 2,16m, trọng lượng gần 2.400kg, động cơ diesel V8 150 mã lực có sức kéo 3.000kg và sức chở từ 1.200 – 2.200kg tuỳ phiên bản, dung tích nhiên liệu 95 lít, tầm hoạt động khoảng 560km.

Xe HMMWV hiện có 17 biến thể đang phục vụ trong quân đội Mỹ, tuỳ theo phiên bản mà được trang bị các loại vũ khí khác nhau, như súng 7,62mm và 12,7mm, súng phóng lựu, rốc-két chống tăng và cả tên lửa phòng không.

Biến thể HMMWV được trang bị tên lửa. Ảnh: Military Today

Trong quá trình phát triển, HMMWV đã được thay đổi từ xe bánh hơi chiến thuật không bọc thép thành bọc thép, trong đó, thông dụng nhất là các xe chở hàng/người 2 và 4 cửa, xe hòm, xe mang vũ khí, xe chỉ huy và điều khiển… với các phiên bản M1025A1, M1043, M1043A1, M1044, M1044A1, M1151A1…

Từ sau chiến dịch “Tự do cho Iraq”, hầu hết các mẫu xe HMMWV mới đều được lắp giáp phòng hộ tích hợp (bộ giáp A). Khi tham gia tác chiến, những xe này được lắp thêm bộ giáp B để hoàn tất khối phòng hộ. Như, mẫu xe M1151A1 được lắp bộ giáp FK5 có khả năng chống vũ khí nhẹ và hệ thống bảo vệ pháo thủ, dây an toàn , điện thoại nội bộ và hệ thống dập lửa.

Khi lắp bộ giáp này, khối lượng xe tăng thêm 450kg và tăng đáng kể độ dày xe tới mức phải sử dụng một phương tiện trợ lực cơ khí để đóng mở cửa, đồng thời, không gian trong xe cũng bị hạn chế.

Ngoài ra, những mẫu xe này được lắp động cơ diesel tua-bin nén Optimizer 6500 đã được thiết kế lại để công suất tăng 36%, mô-men xoắn tăng 69% và cự li hoạt động tăng 16% so với xe cũ.

Mặc dù quân đội Mỹ đã có kế hoạch cho dòng xe HMMWV “về hưu”, nhưng do chưa có những loại xe thay thế HMMWV truyền thống nên dòng xe này vẫn còn phục vụ ít nhất cũng 5 năm nữa.

Ngoài dòng xe “gốc” Mỹ đang có mặt ở khoảng 60 nước và vùng lãnh thổ, HMMWV còn có các mẫu xe tương tự được chế tạo và sử dụng trong quân đội một số nước như Nga (xe GAZ-2975 Tiger), Trung Quốc (xe Đông Phong), Ấn Độ (LSV), Nhật Bản (Koukidousya), Thụy Sĩ (MOWAG Eagle)…

Nguyên Phong