Home Việt Nam ‘Gia Tài Của Mẹ’ từng được dùng để chiêu hồi lính Bắc...

‘Gia Tài Của Mẹ’ từng được dùng để chiêu hồi lính Bắc Việt

Công ty Mây Lang Thang bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cảnh cáo vì để ca sĩ Khánh Ly hát "Gia Tài Của Mẹ"
Nghe đọc bài

Ý kiến của nhà quan sát nói “Gia Tài Của Mẹ” còn là một ca khúc mà giới tâm lý chiến VNCH sử dụng để chiêu hồi lính Bắc Việt và nhà cầm quyền CSVN có thể đồng ý hay không đồng ý với cảm nhận của Trịnh Công Sơn, nhưng ông ấy có quyền viết ra những cảm nhận đó, và giới trẻ có quyền biết được thế hệ cha anh nghĩ gì về cuộc chiến.

Mấy ngày qua thấy bạn bè nhắc đến ca khúc “Gia Tài Của Mẹ”, nhưng mãi đến hôm nay tôi mới biết nguồn cơn.

Theo tôi, cái chế độ kiểm duyệt văn nghệ kiểu Mao-ít ở Việt Nam đã quá xưa rồi, nên bỏ đi, để nhà cầm quyền có thể ngẩng cao đầu nói câu “hòa giải dân tộc”.

“Gia Tài Của Mẹ” là một trong những ‘bài tủ’ của thế hệ tôi thời trước 1975. Ca khúc được viết vào khoảng năm 1965 hay 1966 trong loạt ca khúc Da Vàng. Trong đó, có những ca khúc như Nước mắt cho quê hương, Đồng dao hòa bình, Ta thấy gì đêm nay, Chờ nhìn quê hương sáng chói, và đặc biệt là “Gia Tài Của Mẹ”.

Bởi vậy, khi đọc review thấy phim gì mới về Trịnh Công Sơn không có đề cập đến Ca Khúc Da Vàng làm nhiều người thế hệ tôi không mặn mà mấy.

“Gia Tài Của Mẹ” rất dễ hát. Giai điệu đơn giản. Lời ca rất dễ nhớ, dễ thấm vào thanh niên có suy tư về hiện tình đất nước. Chính vì thế mà ca khúc này thường được trình diễn trong các buổi picnic và … biểu tình.

Nhưng “Gia Tài Của Mẹ” còn là một ca khúc mà giới tâm lý chiến VNCH sử dụng để chiêu hồi lính Bắc Việt. Theo một sĩ quan tình báo VNCH, trước đây giới tâm lý chiến đã cho trực thăng phát thanh ca khúc Gia tài của mẹ với tiếng hát Khánh Ly nhắm thẳng vào lính Bắc Việt dọc đường mòn HCM.

Vẫn theo viên sĩ quan tình báo, Trịnh Công Sơn trong một lần phỏng vấn đã nói với ông rằng:

“Tôi không kêu gọi họ buông súng hay mang súng trở về như Bộ Chiêu hồi, nhưng tôi đã làm việc ấy một cách tế nhị và rất thâm trầm như bài ‘Lại cần với nhau’ với lời nhạc ‘… đừng bỏ tôi… đừng bỏ tôi… đi hai mươi năm qua… còn gì cho anh… còn gì cho tôi… không còn gì… không còn gì… còn lại chiến tranh… hai mươi năm chinh chiến mẹ ngủ không yên…’ Và còn nhiều nữa, tôi đã nói thẳng với họ hãy vượt mọi trấn áp, từ bỏ rừng núi… mà trở về cùng với dân tộc đang chịu quá nhiều đoạ đầy thống khổ như bài ‘Nối vòng tay lớn’ với câu kết luận ‘Vượt thác cheo leo… hay ta vượt đèo… từ quê nghèo lên phố lớn… nắm tay nối liền biển xanh sông gấm… nối vòng tay lớn…’ Tôi đã nói chuyện với họ như bằng hữu, như anh em chứ không phải như ông Bộ trưởng Chiêu hồi.

Phương cách của tôi theo tôi nghĩ có thể thích hợp và được họ vui vẻ chấp nhận và lĩnh hội hơn. Tôi thương yêu và kính trọng họ thật, với tình người thật, với tinh thần ruột thịt thật và muốn trải với họ chút tâm sự thật. Tôi có thể bị công an, bị chính ông kết tội nhưng đó là sự thật tôi không giấu giếm. Cũng bằng cách này, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những giới chức chỉ đạo chiến tranh của bên này và cả bên kia.”

Nếu câu nói trên được thuật lại chính xác thì Trịnh Công Sơn viết Gia tài của mẹ hay những ca khúc khác trong Ca Khúc Da Vàng là có nghĩ đến mấy người bộ đội miền Bắc. Rất có thể vì thế mà mấy người nắm quyền kiểm duyệt văn hóa ngày nay cảm thấy ‘dị ứng’ với ca khúc nổi tiếng này?

Một số bài của Trịnh Công Sơn như “Gia Tài Của Mẹ”, “Hát Trên Những Xác Người”, “Cho Một Người Nằm Xuống” hiện vẫn bị CSVN cấm phổ biến

Chế độ kiểm duyệt văn hóa, kể cả âm nhạc, theo cách chúng ta thấy ở Việt Nam ngày nay thật ra bắt nguồn từ bên Tàu sau khi Mao Trạch Đông cướp chánh quyền thành công. Quan điểm của Mao là đảng Cộng sản Tàu phải đóng vai trò vừa là người thầy, vừa là người kiểm soát đời sống văn hóa của người dân.

Trong vai trò người thầy, đảng phải ‘giáo dục’ những gì họ xem là lẽ phải và những gì họ đánh giá là sai trái. Trong vai trò của kiểm soát viên, đảng giữ quyền cho phép cái gì được lưu hành và cái gì cần phải cấm đoán. Trước sự xâm nhập của nhạc phương Tây vào đời sống văn hoá của giới có học, Mao tuyên bố rằng cần phải ‘khoa học hóa’ âm nhạc truyền thống, và đồng thời lọc bỏ những ‘cặn bã’ trong âm nhạc phương Tây hay chịu ảnh hưởng phương Tây. Nhà cầm quyền miền Bắc Việt Nam, không ngạc nhiên, cũng học theo cách làm đó.

Nhìn bao quát như vậy để chúng ta không ngạc nhiên trước sự kiểm duyệt âm nhạc sau 1975 ở miền Nam. Thoạt đầu, người ta rất ngạc nhiên là nhà cầm quyền mới có hẳn một danh sách những cuốn sách nào và những ca khúc nào hay những tác giả nào được lưu hành hay không được lưu hành. Mấy người từ miền ngoài mới vào và những người miền Nam mới từ trong rừng ra đánh giá rất thấp văn hóa – văn nghệ miền Nam. Họ xem nền văn nghệ miền Nam là quảng bá lối sống phương Tây, là sùng bái đồng tiền, là cổ súy cho lối sống truỵ lạc dâm ô, là phi nhân tính. Một phong trào tiêu diệt ‘tàn dư văn hoá Mỹ nguỵ’ được phát động. Đó là chuyện của bốn thập niên trước.

Ca sĩ Khánh Ly tiếp tục được tổ chức đêm nhạc tại Sài Gòn, Hà Nội, nhưng bị cơ quan quản lý văn hóa theo dõi chặt chẽ hơn

Di sản quý báu của nền văn nghệ miền Nam

Thời gian gần đây, hình như nhà cầm quyền văn hóa đã dần dần nhận thức được rằng những cáo buộc hấp tấp và hồ đồ trước đây là sai lầm. Việt Nam ngày nay đã dần dần ‘hội nhập’ quốc tế, và giới có học đã tiếp xúc được với những giá trị văn hóa và nhân văn mà miền Nam đã tiếp nhận 50 năm truóc.

Người ta đã nhận ra rằng những Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Duy, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Vũ Thành An, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Chế Linh… không phải là ‘phản động’ mà là những tài năng đáng trân quý, những ‘tài sản quốc gia’ của Việt Nam. Vậy là người ta cho lưu hành một số ca khúc (và tác phẩm văn học nghệ thuật trước 1975), và giới trẻ đã bắt đầu tiếp xúc với những tác phẩm của các vị đó.

“Gia Tài Của Mẹ” chỉ là một trong những di sản quý báu của nền văn nghệ miền Nam (làm ơn bỏ chữ ‘đô thị’ nghen) trước 1975. Đó là một ca khúc được viết ra trong một thời kỳ biến động lịch sử theo cái nhìn của Trịnh Công Sơn. Cái nhìn của ông ấy rằng cuộc xung đột võ trang Nam – Bắc là một cuộc ‘nội chiến’; rằng những tuyên truyền biện minh cho cuộc chiến là dối trá (nên mới có câu “Dạy cho con tiếng nói thật thà”); rằng sự du nhập của những chủ thuyết Tây – Tàu là “lai căng”, và những kẻ du nhập đó là “một bọn lai căng”; rằng bọn lai căng đó đã làm cho “ruộng đồng khô khan” và “nhà cháy từng ngàn”, hay nói chung là “một nước Việt buồn”.

Nhà cầm quyền có thể đồng ý hay không đồng ý với cảm nhận của ông ấy, nhưng ông ấy có quyền viết ra những cảm nhận đó, và giới trẻ có quyền biết được thế hệ cha anh nghĩ gì về cuộc chiến.

Riêng cá nhân tôi thì đồng ý với Trịnh Công Sơn về những ý tưởng trong ca khúc “Gia tài của mẹ”. Hãy nhìn vào cái gia tài đó sau cuộc chiến: lòng người ly tán; một nhóm thiểu số ăn trên ngồi trốc xem người dân chẳng ra gì; sự thật lịch sử bị biến dạng; công lý là một điều xa xỉ; tài nguyên để lại cho con cháu đời sau thì càng ngày càng cạn kiệt; và người Việt vẫn bỏ nước ra đi và chết thảm.

Với hiện trạng đó, nếu không gọi một “nước Việt buồn” thì gọi là gì? Trịnh Công Sơn đã đúng.

Nguyễn Tuấn

Bài liên quan

‘Lũ bội tình’ sắp phạt vạ ban tổ chức show Khánh Ly ở Đà Lạt

‘Gia tài của mẹ, một bọn lai căng’

Hành xử vô pháp của Sở Văn Hóa Lâm Đồng với ‘Gia Tài Của Mẹ’

Dư luận viên nổi điên vì Khánh Ly hát ‘Gia Tài Của Mẹ’ ở Đà Lạt

Exit mobile version