‘Gia tài của mẹ là nước Việt buồn!’

Khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng gia tăng ở Việt Nam

Một bên là giai cấp đè đầu cỡi cổ nhưng bất tài vô tướng, chỉ biết tham nhũng và nhận giặc làm đại ca để chống lưng chế độ, và một bên là đại khối dân chúng bị kìm hãm năng lực phát triển, thì đúng như câu hát của Trịnh Công Sơn: “Gia tài của mẹ là nước Việt buồn”!

Tất cả những công trình vĩ đại do con người làm ra trên thế giới, từ vật chất như đường hầm dưới biển, cho tới tinh thần qua các tác phẩm văn chương nghệ thuật như Truyện Kiều của Nguyễn Du, đều do sức tưởng tượng phong phú của trí tuệ con người mà ra.

Sự tưởng tượng đưa tới sự sáng tạo, và sự sáng tạo đưa tới sự hiện thực. Tiến trình này chỉ có thể thực hiện được khi mà tư tưởng được tự do, được bay bổng mà bầu trời là giới hạn. Muốn được vậy thì con người phải được sống trong môi trường tự do, nhất là tự do tư tưởng.

Trên phương diện văn học nghệ thuật, Việt Nam có ba nhạc sĩ lớn là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

Văn Cao thời tiền chiến chưa bị trói buộc về tư tưởng nên đã cho ra những tác phẩm tuyệt vời như Suối Mơ, Thiên Thai, Làng Tôi… Nhưng khi ở lại miền Bắc, sống dưới chế độ cộng sản thì tự do không còn nữa, ông tịt ngòi! Tựa như Hoàng Cầm qua tâm trạng Lá Diêu Bông, tức chiếc lá tự do mà ông không bao giờ tìm ra được, dù người ông yêu đã có chồng đến mấy mặt con.

Phạm Duy nhờ di cư vào Nam mà những tác phẩm của ông phong phú và tuyệt vời, bởi vì ông được sống trong môi trường tự do của miền Nam Việt Nam. Khi ông qua Mỹ cũng vậy, ông tiếp tục tự do sáng tác và say mê trong thế giới âm nhạc.

Nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn

Đã gần nửa thế kỷ có hòa bình vẫn còn sợ một bài ca phản chiến

Trịnh Công Sơn ở miền Nam trước năm 1975, cũng như Phạm Duy, ông cho ra những tác phẩm phong phú, đánh động lòng người, phản ảnh được nỗi lòng của dân chúng là không thích chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, giống như người dân Ukraine hiện nay. Chiến tranh gây ra là do miền Bắc đem hàng chục sư đoàn với chủ trương bạo lực cách mạng để thôn tính miền Nam.

Nhưng sau tháng 4/1975, Trịnh Công Sơn ở lại Việt Nam và không còn nhạc phẩm nào có giá trị nữa.

Điều này cho thấy, một đất nước tự do sẽ tạo ra người tài giỏi, và một đất nước chỉ thực sự hùng mạnh khi mà mỗi con dân trong đất nước đó đều tài giỏi.

Đất nước hùng mạnh không phải là đất rộng, dân đông, tài nguyên phong phú, mà là năng lực của mỗi một người dân trong đất nước đó. Nhật, Anh, Thụy Sĩ, Đài Loan, Nam Hàn, Singapore… là những điển hình.

Ngày nay Việt Nam vẫn còn dưới chế độ độc tài cộng sản, một chế độ mà đã gần nửa thế kỷ có hòa bình vẫn còn sợ một bài ca phản chiến.

Một đất nước mà chính quyền không phải là bạn dân, lúc nào cũng sợ dân, coi dân như thù địch. Đó không phải là một đất nước thực sự ổn định.

Một đất nước mà đa số quần chúng đều bị tịt ngòi không phát triển được năng lực để trở thành người tài giỏi. Ngay cả một nhóm tu hành nhỏ như Tịnh Thất Bồng Lai, được vài em bé có năng lực, thành công trên môi trường thế giới, cũng bị trù dập. Trong khi giai cấp lãnh đạo thì chỉ biết nịnh bợ, trung thành để thăng tiến và tham nhũng. Hậu quả là sau vài thập niên, giai cấp lãnh đạo càng ngày càng bất tài, càng tham ô, càng gia tộc hoá chính quyền, nên rất sợ quần chúng tài giỏi, vì nó đe dọa giai cấp ký sinh trùng của họ đang tàn phá cơ thể Việt Nam.

Một bên là giai cấp đè đầu cỡi cổ nhưng bất tài vô tướng, chỉ biết tham nhũng và nhận giặc làm đại ca để chống lưng chế độ, và một bên là đại khối dân chúng bị kìm hãm năng lực phát triển, thì đúng như câu hát của Trịnh Công Sơn: “Gia tài của mẹ là nước Việt buồn”!

Lê Minh Nguyên

Bài liên quan

‘Gia Tài Của Mẹ’ từng được dùng để chiêu hồi lính Bắc Việt