Gia đình tố cáo vụ con trai đi lính ở Thái Nguyên bị đánh chết

Quân nhân Trần Đức Đô, 19 tuổi, xung phong đi nghĩa vụ quân sự hồi đầu năm 2021. Web screen capture

Cái chết đường đột của quân nhân 19 tuổi gây phẫn nộ trên mạng xã hội trong lúc báo đảng dẫn biện hộ của giới chức Quân khu 1 rằng anh này “tự tử”.

Mạng xã hội dấy lên phẫn nộ xoay quanh cái chết bất thường của anh Trần Đức Đô, 19 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Ninh, đóng tại tiểu đoàn 4, đại đội 14, trường Quân sự Quân khu 1, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Các video clip do người nhà anh Đô phát trên Facebook cho thấy thi thể của anh có rất nhiều vết thương và nhiều bộ phận bị bầm tím, bên cạnh vết dây thừng nghi bị trói và đánh đến chết. Trong clip, thân nhân cũng cho biết họ bị công an ra áp lực phải chôn cất anh vội vã.

Anh Đô được ghi nhận đăng ký nhập ngũ ngày 16/1/2021, được huấn luyện tại Bắc Giang trước khi chuyển sang Thái Nguyên.

Đám tang anh Trần Đức Đô bị công an và an ninh canh gác cẩn mật trong lúc người nhà bị tạo áp lực. Courtesy of Bao Giao Thong

“Rất nhiều vết thương ở vùng đầu, mặt, lưng và ngực”

Báo Zing dẫn lời một thân nhân ẩn danh của anh Đô: “Hôm 27/6/2021, Đô gọi điện về cho dì trong tình trạng khỏe mạnh, nói là bị đội trưởng bắt nạt nhưng dặn không được kể với bố mẹ. Đến chiều 28/6/2021, đơn vị gọi về báo cháu đột tử. Nhưng sau đó một lúc thì lại gọi lại bảo cháu tự tử. Khi nhận thi thể Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, gia đình phát hiện rất nhiều vết thương ở vùng đầu, mặt, lưng và ngực.”

Gia đình anh Đô cho biết dù chiều 29/6/2021, các thủ tục tang lễ đã hoàn tất, người nhà quyết định chưa mai táng. Họ dự định tìm nơi nhận giữ thi thể cho đến khi vụ việc được làm sáng tỏ.

Cùng thời điểm, ông Trần Đức Hội, bố anh Đô, kể với báo Giao Thông: “Kiểm tra thi thể, gia đình phát hiện đầu cháu có chỗ bị lõm, miệng sưng tím, sau gáy bị phù sưng to chảy máu, chân tay có dấu hiệu bị trói, có vết hằn dây thừng ở sau gáy và miệng. Mạng sườn, ngực của cháu cũng bị sưng tím, lưng hằn dây thừng thắt chặt và tím ngắt cộng với nhiều vết thương bầm dập khắp cơ thể.”

“Khi đó gia đình được bệnh viện thông báo là cháu tử vong bên ngoài bệnh viện nên họ không cấp cứu, xác nhận gì. Cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi thông báo phổi của cháu phù nề, có dịch; cổ và gáy có vết dây thừng, phế quản và thanh quản sưng, đầu chảy máu, có dịch tràn ở mũi.”

Trường Quân sự Quân khu 1, đóng tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Courtesy of Dan Quan Tu Ve Viet Nam

“Trong quân đội, không có tình trạng đánh nhau”

Liên quan vụ việc, báo Zing trích lời ông Dương Văn Thông, Chính ủy Quân khu 1: “Nguyên nhân ban đầu được xác định là Đô đã tự tử. Còn nguyên nhân dẫn đến việc nam quân nhân tự tử thì các cơ quan chức năng đang điều tra. Về các vết thương trên cơ thể quân nhân Đô, cơ quan chuyên môn chưa có kết luận. Trong quân đội, không có tình trạng đánh nhau, bạo lực mà chỉ có đi làm nhiệm vụ”.

Trước vụ này, đã từng xảy ra một số vụ bộ đội bị đánh chết nhưng đều không được nhà chức trách làm rõ nguyên do.

Hồi tháng 8/2019, mạng xã hội xuất hiện một bài đăng cáo buộc về cái chết của anh Phạm Minh Huy, lính nghĩa vụ 19 tuổi, đóng quân tại Lữ đoàn phòng không 77 ở quận Gò Vấp, Sài Gòn. Anh Huy được ghi nhận tử vong bất thường nhưng cấp trên giải thích với gia đình “buồn rồi té lầu chết”.

Gia đình anh Huy viết bài trên mạng xã hội “xin lấy lại công bằng cho Huy”, nhưng không có thêm diễn biến về vụ việc trên truyền thông nhà nước. 

Trong các vụ này, hiếm hoi mới có lần báo đảng xác nhận chuyện bộ đội bị chính các đồng đội đánh chết.

Báo VnExpress hồi năm 2004 tường thuật vụ binh nhất Trần Văn Đại bị sáu người của trung đội vệ binh thuộc trung đoàn 209, sư đoàn 312, quân đoàn 1, đánh đến chết.

Thời điểm đó, anh Đại được cho là “ra ngoài trong giờ giới nghiêm” nên bị   trung đội vệ binh xử lý kỷ luật bằng những đòn đấm đá.

Biên bản giám định pháp y kết luận: “Anh Đại bị tụ máu cơ vùng, tụ máu nặng ở mạc treo, giập nát ruột non…, tử vong do chịu nhiều tác động, cường độ mạnh”.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn