Facebook chặn báo Đất Việt đăng bài về chính trị Việt Nam

Trang Facebook Đất Việt bị Facebook chặn đăng bài từ một tuần qua
Nghe đọc bài

Việc chặn trang Facebook Đất Việt diễn ra sau loạt bài liên quan Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đấu đá trong nội bộ đảng CSVN, Vinfast, trong bối cảnh nhiều nhà hoạt động, giới tri thức tại Việt Nam lên tiếng than phiền vì bị Facebook gỡ bài, hạn chế quyền truy cập, tương tác…

Từ một tuần qua, Meta, công ty sở hữu Facebook, đang chặn trang Facebook Đất Việt có gần 30.000 lượt follower, thường xuyên cập nhật tin tức về chính trường, xã hội Việt Nam.

Thông báo do Meta gửi cho Đất Việt ghi “chặn vài ngày vì lý do an ninh” nhưng thời điểm gỡ bỏ và lý do cụ thể không được nói rõ.

Đây là lần thứ nhì trong vòng nửa tháng, Meta tiến hành chặn admin (quản trị viên) đăng bài trên trang Facebook Đất Việt nhưng không đưa ra lý do rõ ràng.

Ngay trước thời điểm bị chặn, trang Facebook Đất Việt đăng nhiều bài về bộ trưởng Công an Tô Lâm, những bê bối trong ngành công an, vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, bàn tán xoay quanh cái chết của Nguyễn Chí Vịnh, đấu đá trong nội bộ đảng CSVN, những dấu hỏi về cổ phiếu Vinfast tại sàn chứng khoán Mỹ…

Việc chặn trang Facebook Đất Việt cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà hoạt động, trí thức than phiền về chuyện họ bị Meta gỡ bài, hạn chế quyền truy cập, tương tác… với lý do “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.”

Một trong số đó, Facebooker Hoàng Dũng, người mới đây thông báo bắt đầu hạn chế đăng bài trên Facebook để chuyển sang X (Twitter) và mời gọi bạn bè cùng chuyển sang nền tảng mạng xã hội này.

Ông Hoàng Dũng cho biết: “… Facebook vẫn không ngừng hợp tác với chính phủ Việt Nam vì mục tiêu của Mark là tối đa hóa lợi nhuận. Thị trường Việt Nam với hàng chục triệu tài khoản là một thị trường lớn. Ngày càng ngày, các thuật toán Facebook được đặt ra để hạn chế hiển thị tối đa những bài viết về chính trị, chỉ trích đích danh tứ trụ Việt Nam.”

Ông Hoàng Dũng giải thích lý do chuyển từ Facebook sang X:

“X không hợp tác với chính quyền Việt Nam, ít nhất cho đến lúc này.

X là của tay tỷ phú đô la giàu nhất thế giới, khùng điên nhất thế giới. Hắn yêu dân chủ, tự do hơn tiền. Vì thế, khả năng hợp tác với chính phủ Việt Nam để kiếm thêm tiền là hầu như không thể.”

Trong khi đó, nhà báo tự do Châu Đoàn, người có 150.000 lượt follower, cho biết ông bị Meta thông báo xóa một số bài viết trên trang cá nhân, khi ông bấm vào xem nguyên nhân thì lại bảo “tài khoản của bạn trông ổn, cảm ơn đã tuân thủ quy định…”

“Facebook chơi bẩn, kéo bài xuống, hạn chế tương tác nhưng không nói bài kéo xuống là bài nào, tại sao kéo bởi nó biết rằng lý do nó đưa ra là vô lý. Tôi ghi lại đây để lấy bằng chứng kiện Facebook,” ông Châu Đoàn cho biết.

Từ nhiều tháng qua, truyền thông quốc tế và công luận đã dấy lên nghi ngờ về chuyện Meta “bắt tay” với CSVN để trấn áp giới bất đồng, Facebooker lên tiếng về chính trị, xã hội tại Việt Nam.

Báo Washington Post hồi tháng 6/2023 cho hay: “Facebook từng giúp mang lại tự do ngôn luận cho Việt Nam, còn bây giờ nền tảng này đang giúp đảng CSVN ngăn chặn chuyện này.

Meta đã nhiều lần nhượng bộ chính phủ độc tài Việt Nam, thường xuyên kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến và buộc những người bị chính phủ coi là mối đe dọa phải rời khỏi nền tảng này, theo tiết lộ của bốn cựu nhân viên Meta, các nhóm nhân quyền, các nhà quan sát.

Meta đã thông qua danh sách các quan chức CSVN mà các Facebooker không được phép chỉ trích, nhân viên Meta ở châu Á nói với điều kiện ẩn danh để tránh bị trừng phạt.

Danh sách này được giữ kín ngay cả trong nội bộ công ty và chưa được công bố rộng rãi trước đây. Danh sách này được đưa vào bản hướng dẫn cho nhân viên về chuyện kiểm soát nội dung trực tuyến và được thực hiện theo yêu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam.

Đáng nói, một danh sách cấm chỉ trích quan chức chỉ áp dụng cho thị trường Việt Nam.

Bây giờ, chính phủ Việt Nam còn đang thúc đẩy những hạn chế thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Meta đang chuẩn bị thắt chặt kiểm soát nội dung hơn nữa sau khi được các quan chức CSVN thông báo trong những tháng gần đây rằng họ sẽ phải lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ ở Việt Nam, gây ra cảnh báo về quyền riêng tư và bảo mật thông tin, theo những người hiểu biết về các cuộc thảo luận nội bộ của công ty.

Và mặc dù các chính phủ trên thế giới có thể yêu cầu Facebook gỡ bỏ nội dung, nhưng những nhượng bộ mà Meta đã đưa ra để duy trì quyền truy cập ở Việt Nam – quốc gia đông dân thứ 15 thế giới – vượt xa những nhượng bộ mà Meta đã đưa ra ở bất kỳ nơi nào khác ở khu vực Đông Á, theo cho các chuyên gia.

Trần Duy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, còn khoe trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng chính phủ CSVN “hợp tác tốt đẹp” với Meta trong việc loại bỏ nội dung “không phù hợp”. “Càng ngày họ càng hiểu rõ hơn những yêu cầu của pháp luật Việt Nam”, ông ta nói thêm.

Cùng với lời khoe khoang của Đông, các nhà hoạt động ở Việt Nam xác nhận rằng họ liên tục thấy các bài đăng trên trang cá nhân chỉ trích quan chức bị gỡ xuống.

Một nhà hoạt động được nêu tên “Dân”, 34 tuổi, nhận xét: “Facebook và chính phủ CSVN đã bắt tay nhau. Điều này khiến nhiều người bất đồng, giới xã hội dân sự phải ngồi tù hoặc đang lẩn trốn vì tội lên tiếng trên Facebook.”