EVN dừng sử dụng cột điện dự ứng lực sau sự cố 400 cột điện đổ ở Huế

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm 22/9 quyết định tạm dừng sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực tại những vùng có bão để đánh giá lại. Quyết định này được đưa ra sau khi có hơn 400 cột điện tại tỉnh như Thừa Thiên Huế gãy đổ do bão số 5, dù sức gió dưới cấp 10.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày.

Thống kê của EVN Huế cho thấy sau khi cơn bão số 5 đi qua Huế, đã làm 408 cột điện bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280 ngàn khách hàng và 2.050 trạm biến áp…

Tin cho biết, những cột điện bị gãy đổ theo dạng đứt lìa, cột khi bị đứt lộ ra cốt thép nhỏ, bị cắt đứt ngọt; chứ không bị oằn, uốn cong lộ lõi thép cỡ 16 – 18 mm như cột điện truyền thống trước đây. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm, số cột điện bị hư hỏng do bão nhiều như vậy.

Trước phản ứng của dư luận báo chí, đến chiều ngày 22/9, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên tiếng giải thích. Theo ông, loại cột ly tâm dự ứng lực này là sản phẩm chịu lực tốt, đã qua kiểm nghiệm chịu được sức gió của một cơn bão cấp 12, đạt Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Còn ông Hà Thanh Long, Giám đốc EVN Thừa Thiên Huế thì cho rằng, cột điện đổ nhiều là do khi sản xuất đã không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện.

Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, cơn bão số 5 đi qua Huế sáng ngày 18/9 chỉ có sức gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật tối đa cấp 11. Chưa kể, có những nơi giữa đồng không hề có cây xanh, nhưng cột điện ly tâm dự ứng lực cũng bị gió bão “chém” đứt lìa.

Không đồng tình với ý kiến phóng viên tại buổi họp báo, ông Long cho rằng, cột ly tâm dự ứng lực giữa đồng bị gãy là do hiệu ứng domino, một khi trong dãy đường điện có những cột bị nghiêng, cột chịu lực lớn nhất sẽ bị gãy, đổ.

Cột điện ly tâm dự ứng lực hiện đang được sử dụng đồng loạt tại các tỉnh, thành tại Việt Nam, do giá thành rẻ hơn từ 5-10% so với cột truyền thống. Đây là sản phẩm được cơ quan chức năng thẩm định và công bố theo TCVN.

Theo RFA