EU và Vương quốc Anh đạt thỏa thuận giờ chót về thương mại hậu Brexit

Nghe đọc bài

EU và Vương quốc Anh đã chính thức đạt được thỏa thuận thương mại cho giai đoạn sau Brexit, qua được 8 tháng đàm phán căng thẳng.

Văn phòng thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố Anh nay “có thể tận dụng những cơ hội tuyệt vời”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: “Con đường thật quanh co nhưng cũng đã có được thỏa thuận tốt.”

“Đó là thỏa thuận công bằng, cân đối, đúng đắn, có trách nhiệm cho cả hai bên.”

Văn phòng thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Chúng tôi đã lấy lại kiểm soát tiền bạc, biên giới, luật lệ, thương mại và vùng biển đánh cá.”

Các viên chức ở Brussels đang hoàn tất văn bản để luật pháp mới có hiệu lực khi Anh thôi áp dụng quy định thương mại của EU từ tuần sau.

Đàm phán căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua.

Thỏa thuận mới sẽ giúp EU và Anh không phải áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa hai bên từ 1/1.

Giới phóng viên được biết hai phía đồng ý có giai đoạn chuyển tiếp về quy định đánh cá trong 5 năm.

Quốc hội Anh sẽ nhóm họp để bỏ phiếu thông qua trước 31/12.

Fishing
Chụp lại hình ảnh,Quyền đánh cá trở thành điểm nghẽn giờ chót giữa hai phía

Nguyễn Giang, BBC News Tiếng Việt phân tích:

Khi Anh còn trong EU, việc đánh bắt hải sản ở các vùng biển của Anh, Pháp, Hà Lan…là bình đẳng, coi như biển là của chung.

Nhưng nay, Anh muốn giành lại chủ quyền trên biển và quyết định tàu cá nước nào được vào vùng kinh tế đặc quyền 200 dặm từ bờ biển của mình để đánh bắt.

Tất nhiên là hai bên sẽ ra định mức để tàu của phía mình tiếp tục đánh bắt “xuyên chéo” ở vùng biển hai bên, nhưng không thể để tình trạng Anh bị thiệt như hiện nay.

Vì từ lâu nay, số cá mà tàu EU và Na Uy đã đánh bắt chiếm 60% tổng sản lượng cá thu hoạch được ở vùng biển Anh, theo một đánh giá của trang Business, BBC News.

Một phần trăm không nhỏ còn lại là ‘quota’ – hạn ngạch đánh bắt – mà Anh đã bán cho các đội tàu đa quốc gia.

Chưa kể nhiều tàu cá châu Âu mang cờ Anh nhưng do công ty châu Âu làm chủ, và định nghĩa ‘tàu cá của nước nào’ rất khó.

Họ mang cờ Anh nhưng đánh bắt xong thì đổ hàng (catch landing) ở cảng bên châu Âu, Anh Quốc chẳng được gì.

Vì thế, trong đàm phán Brexit, Anh muốn ghi rõ là tàu cá của chủ nước ngoài đánh bắt trên biển Anh xong thì phải đem cá về cảng của Anh cân đong, tính vào quota hàng năm.

Theo BBC