Home Việt Nam Dồn dập thư doanh nghiệp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính

Dồn dập thư doanh nghiệp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam vừa đồng loạt ký kiến nghị gửi Chính phủ đề xuất chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Thư của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đề ngày 17/9 nói: “Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Ngài [Thủ tướng Phạm Minh Chính] để có thể mở cửa và phục hồi an toàn cho Việt Nam, đặc biệt cho Thành phố Hồ Chí Minh và Khu vực kinh tế phía Nam.”

Nội dung bức thư mà BBC đọc được nhấn mạnh điều mà các hiệp hội này mô tả là ”tình hình càng trở nên gay gắt hơn”.

Trong động thái muốn tham dự trực tiếp vào các quyết sách của Chính phủ, lá thư có đoạn:

“Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế.

“Chúng tôi muốn chia sẻ với Ngài những mối quan tâm và khuyến nghị chính của chúng tôi và đề nghị cho phép chúng tôi được có mặt trong cuộc họp sắp tới do Phó Thủ tướng Thành chủ trì với các thành viên cộng đồng doanh nghiệp vào thứ Hai ngày 20/9 hoặc bất kỳ cuộc họp sắp tới nào với các hiệp hội doanh nghiệp đang được xem xét bởi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoặc các bộ ngành liên quan.”

‘Lộ trình rõ ràng ngay từ bây giờ’

Đại diện các hiệp hội này nói họ ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Thủ tướng Phạm Minh Chính là thích ứng để “sống chung với virus một cách an toàn”, và nhấn mạnh điều đó có nghĩa là sẽ thoát khỏi điều họ gọi là “quy trình Chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai”.

Đáng chú ý, thư nói “các cuộc khảo sát mà các hiệp hội của chúng tôi đã thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác” và đó là một trong những lý do “doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ”.

Chiều ngày 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Đại sứ Hàn Quốc, hiệp hội doanh nghiệp và kết nối trực tuyến với gần 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Chiều ngày 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Đại sứ Hàn Quốc, hiệp hội doanh nghiệp và kết nối trực tuyến với gần 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Cụm từ “ngay từ bây giờ” được nhắc lại khi so sánh Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong vùng như sự lựa chọn để đầu tư.

“Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Ngay cả các doanh nghiệp hiện tại cũng có hầu hết các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại.

“Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ.”

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp này nói họ “ủng hộ mạnh mẽ hoạt động ngoại giao vaccine của Việt Nam, vaccine là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế và biết ơn vì Chính phủ đã ưu tiên TP. HCM và Khu vực kinh tế phía Nam”.

Lá thư mô tả “Bây giờ là lúc để lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch” và “hoan nghênh các đề xuất về mô hình thí điểm Phú Quốc và hành lang xanh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

Thư kết thúc bằng thông điệp mong được hợp tác với Thủ tướng Phạm Minh Chính để có thể mở cửa và phục hồi an toàn cho Việt Nam, đặc biệt cho TP HCM và Khu vực kinh tế phía Nam.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham, tại phiên họp ngày 20/8 với giới lãnh đạo TP HCM
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham, tại phiên họp ngày 20/8 với giới lãnh đạo TP HCM

Chỉ trước một ngày có thư của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, 14 hiệp hội doanh nghiệp mô tả họ đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam vào ngày 16/9 đã đồng ký tên vào một kiến nghị nhằm đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Lá thư mà BBC đọc được nhấn mạnh nhu cầu “cần ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị Số 15,16” do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”.

14 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản, Hiệp hội Rượu Bia nước Giải khát, Hiệp hội Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Da Giày, Hiệp hội Giấy, Hiệp hội Nhựa,…

Các hiệp hội doanh nghiệp này đề xuất Chính phủ “không áp dụng phong toả, cách ly theo vùng địa lý, quản lý” mà “phòng chống dịch theo Điểm”, theo đó “khi có F0 [thì] khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày đồng thời thông báo y tế địa phương”.

Kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào hàng hóa xuất khẩu.
Kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào hàng hóa xuất khẩu.

Trong phần hỗ trợ phục hồi kinh tế, thư đề nghị có chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Trong phần hỗ trợ đối với các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện các doanh nghiệp đề xuất “cho phép cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng” và “gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn”.

Nhu cầu mở cửa lại nền kinh tế khi kiểm soát được dịch là đề tài được bàn luận và trao đổi nhiều trên mạng xã hội.

Cây bút Huy Đức từ TP HCM trên Facebook cá nhân kêu gọi “Đừng đánh du kích vào nền kinh tế”.

“Kế hoạch khôi phục nền kinh tế sau khi kiểm soát được dịch, tôi nghĩ, phải là một chương trình lớn của Chính phủ, có nhạc trưởng và có cái nhìn tổng thể chứ không phải để cho từng bộ đánh du kích như cái “sáng kiến” này của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông.

“Với cách chống dịch vừa qua, Việt Nam đã phải trả giá rất nhiều, không chỉ vì sự đình trệ về kinh tế mà là ở những biện pháp cho thấy, nguy cơ Việt Nam tái sử dụng quyền lực nhà nước can thiệp vào thị trường lớn như thế nào.

“Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và EU đang cân nhắc để đưa ra quyết định. Bất cứ một giải pháp nào đi ngược lại với kinh tế thị trường cũng đều có thể dẫn đến khả năng các nhà đầu tư quay lưng với Việt Nam,” cây bút Huy Đức viết.

Cũng từ TP HCM, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, trích dẫn một số thống kê về liên quan đến tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh đã giảm bớt và nói “tiên liệu thời gian từ nay tới 30/9 tình hình dịch có khả năng được kiểm soát”.

“Một tín hiệu đáng mừng khác là, hiện nay số bệnh nhân xuất viện nhiều hơn các ca nhiễm mới. Các nhà chuyên môn cho thêm ý kiến, có thể lạc quan được như vậy không, các bạn?

“… Như vậy TP HCM đủ cơ sở để mở cửa nền kinh tế và bắt đầu chấm dứt được những tháng ngày ‘bế quan, toả cảng’, trả lại một Sài Gòn TP HCM năng động như xưa, nhưng với một số điều kiện mới, trong cuộc ‘bình thường mới’ này, ông Nguyễn Công Khế viết trên Facebook cá nhân.

Theo BBC