“Đổi 5 khinh hạm lấy 1 tuần dương hạm”: “Phép tính” khó hiểu của Nga?

Nghe đọc bài

Sự trở lại của tuần dương hạm “Đô đốc Nakhimov”

Vào năm 2022, soái hạm mới của hải quân Nga, tàu “Đô đốc Nakhimov” sẽ được đưa vào hoạt động. Cùng thời điểm ấy, chiến hạm uy lực “Peter Đại đế” thuộc đề án 1141 sẽ hạ cờ và hướng đến Sevmash để tiến hành quá trình hiện đại hóa tương tự.

Tuần dương hạm hạt nhân hạng nặng “Đô đốc Nakhimov” sắp trở lại của Nga sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh tấn công và tính ổn định chiến đấu của hạm đội tàu mặt nước trước các tàu sân bay của đối thủ. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng thay vì chi tiền hiện đại hóa, Nga lẽ ra nên dùng nguồn lực tài chính cho việc chế tạo các khinh hạm mới.

Dưới thời Liên Xô, Nga chỉ chế tạo được 4 chiếc tuần dương hạm hạt nhân thuộc dự án Orlan (lớp Kirov), hay còn được biết đến với cái tên “sát thủ hàng không mẫu hạm” khổng lồ.

Mỗi tàu tuần dương đều có sức công phá khủng khiếp cũng như phạm vi hoạt động không giới hạn, nhờ được trang bị sức mạnh của 2 lò phản ứng hạt nhân. Vũ khí chính của tàu là tên lửa chống hạm Granit, bệ pháo tự động 130 mm AK-130 hai nòng với tầm ngắm 25 km, hai ống phóng ngư lôi năm ống và ba trực thăng chống ngầm. Ở thời điểm ra mắt, tuần dương hạm của Nga là một vũ khí thực sự đáng gờm.

Tuy nhiên, thời gian và thiếu kinh phí đã khiến các tàu tuần dương hạm của Nga kém dần đi. Chỉ có tàu “Peter Đại đế” còn lại trong hàng ngũ. Tàu “Đô đốc Ushakov” đã được rút khỏi hạm đội và đang chờ xử lý. Tàu “Đô đốc Lazarev” không còn khả năng chiến đấu, chưa định đoạt được số phận, khi không đủ tiền để hiện đại hóa, nhưng cũng không bị vứt bỏ.

“Đô đốc Nakhimov” đang có số phận tốt nhất trong tất cả. Con tàu chính thức được đưa đi sửa chữa vào năm 1999, nhưng công việc hiện đại hóa thực sự chỉ bắt đầu vào năm 2012 và dự kiến bàn giao ​​vào năm 2018. Tuy nhiên, lịch trình đã thay đổi sang năm 2022, thậm chí có thể là 2024-2025.

“Đô đốc Nakhimov” hiện đại hóa gì?

Trước hết, tất cả các vũ khí tên lửa và hệ thống phòng không của tàu tuần dương đều phải thay thế, vì chúng đã khá lỗi thời, dẫn đến khả năng chiến đấu giảm đáng kể.

Thay vì 20 tên lửa Granit, các kỹ thuật viên lắp đặt 80 ô cho tổ hợp phóng thẳng đứng đa năng 3S14, giúp số lượng tên lửa tăng lên 4 lần. Năng lực con tàu cũng tăng lên, khi giờ đây có thể trang bị tên lửa “Calibers” được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên biển và mặt đất, tên lửa chống hạm siêu âm “Onyx”, và trong tương lai là tổ hợp “Zircon” siêu vượt âm.

Khả năng phòng không cũng được tăng cường. Ở tầm gần, “Pantsir-ME” thay thế “Kortik” đã lỗi thời, tầm trung với khoảng cách lên tới 150 km, bầu trời sẽ được bao phủ bởi hệ thống phòng không “Redut”. Trong khi tên lửa phòng không “Fort-M” có 92 ô tên lửa phòng không để bắn hạ mục tiêu trong bán kính 200 km.

Đổi 5 khinh hạm lấy 1 tuần dương hạm: Phép tính khó hiểu của Nga? - Ảnh 2.

Nga lẽ ra nên dành tiền đóng 5 khinh hạm mới?

Các chuyên gia chỉ ra rằng tuần dương hạm của Nga có thể sử dụng tên lửa phòng không tầm cực xa 40N6, có khả năng bắn trúng một mục tiêu bay ở khoảng cách lên đến 400 km. Để bảo vệ trước các cuộc tấn công từ tàu ngầm, tổ hợp “Packet-NK” đã được lắp đặt, trang bị ngư lôi tầm nhiệt MTT và ngư lôi phản lực M-15.

Tất cả những trang bị mới sẽ làm cho tàu “Đô đốc Nakhimov”, cũng như các tàu tuần dương khác của dự án này, sau khi hiện đại hóa, ổn định hơn trong cuộc đối đầu với tàu sân bay của kẻ thù. Chỉ cần một tuần dương hạm chỉ huy các tàu, với hệ thống phòng không mạnh như vậy, có thể dễ dàng ngăn chặn máy bay trinh sát và gây nhiễu ở khoảng cách xa, thậm chí bắn hạ toàn bộ cánh máy bay tấn công trên tàu sân bay.

5 đổi 1

Dẫu vậy, những người chỉ trích việc Nga chi quá nhiều tiền để hiện đại hóa tàu tuần dương cũ vẫn đưa ra những lập luận có lý.

Đầu tiên, chi phí hiện đại hóa tuần dương hạm cũ là rất đắt. Theo ước tính sơ bộ, tàu “Đô đốc Nakhimov” đáng ra chỉ tiêu tốn ngân sách 50 tỷ rúp, nhưng do sự chậm trễ và tổng mức độ phức tạp của dự án, số tiền đã tăng lên 80-90 tỷ, thậm chí có thể lên tới 100 tỷ.

Số tiền này có thể được sử dụng để đóng mới 4-5 khinh hạm dự án 22350 “Đô đốc Gorshkov”. Vũ khí trang bị của những khinh hạm này chỉ kém hơn “Đô đốc Nakhimov” về mặt số lượng. Không những vậy, chúng cũng được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại như “Calibre”, “Onyx”, “Zircon”, “Redut” và “Packet-NK” tương tự. Một tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân khổng lồ là tốt, nhưng sở hữu 5 khinh hạm nhỏ phải chăng còn tốt hơn?

Lý do thứ hai là thời gian hiện đại hóa quá dài. Việc hiện đại hóa một tuần dương hạm trong thời gian dài sẽ lấy đi phần lớn nguồn lực của nhà sản xuất, vốn có thể được tập trung để chế tạo các tàu ngầm thuộc dòng Yasen.

Tờ Repoter của Nga cho rằng, hai lý do trên là chính xác, nhưng vẫn có những yếu tố khách quan khiến Nga phải chọn con đường hiện đại hóa thay vì đóng mới.

Các chương trình đóng tàu mặt nước lớn đã bị gián đoạn liên tục bởi sự đứt gãy trong quan hệ công nghiệp với Ukraine, quốc gia từ chối cung cấp các nguồn phát hạt nhân cho tàu. Một trong những dự án đầy hứa hẹn về tàu khu trục tên lửa Leader trang bị động cơ hạt nhân cũng đã bị gác lại.

Trong điều kiện đó, hiện đại hóa sâu các tàu chiến cũ là một bước đi khá hợp lý, trong lúc ngành đóng tàu trong nước dần dần thay thế các thành phần từ những nguồn cung khác.

Theo Soha