Doanh nghiệp bị ‘bóp nghẹt’ vì thương chiến Trung Quốc-Australia: Hứng gạch đá dữ dội từ cả 2 phía, hoạt động kinh doanh rơi vào bế tắc

Thái độ gay gắt của người tiêu dùng 2 phía 

3 năm trước, nhà máy rượu Kilikanoon ở Thung lũng Clare tại Australia dường như đã giành được lợi thế xuất khẩu khi hãng sản xuất rượu Trung Quốc Yantai Changyu Pioneer Wine Co. mua lại. Còn trong năm nay, hãng không bán được bất kỳ một chai rượu nào cho Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc đã phản đối lời kêu gọi nguồn gốc của Australia về đại dịch Covid-19. Do đó, quốc gia tỷ dân đã nhanh chóng áp đặt thuế quan và hạn chế nhập khẩu rượu vang, cùng một số hàng hóa khác như lúa mạch, than đá và thậm chí cả tôm hùm.

Tranh chấp ngoại giao và thương mại ngày càng leo thang, khiến hoạt động xuất khẩu rượu vang từ Australia sang Trung Quốc rơi vào trạng thái đình trệ. Trước đây, 350.000 lít loại rượu vang Shiraz cao cấp cùng những loại khác mà Kilikanoon Wines Pty. sản xuất đã được xuất khẩu sang đại lục mỗi năm.

Căng thẳng thương mại đã khiến hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Australia sụt giảm và gây áp lực lớn cho những doanh nghiệp do đại lục sở hữu tại quốc gia này ở cả 2 phía. Một mặt, họ phải chật vật với việc mất thị phần ở một trong những thị trường sinh lời lớn nhất. Trong khi đó, họ còn đối mặt với sự phản đối dữ dội từ người tiêu dùng Australia.

Khi Kilikanoon chật vật để mang về một lô hàng rượu vang Australia 50.000 lít xuất khẩu sang Trung Quốc, sau khi bị áp thuế vào cuối năm ngoái, một làn sóng kêu gọi tẩy chay nhà máy này và 40 vườn nho của Australia do Trung Quốc sở hữu bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội.

Doanh nghiệp bị bóp nghẹt vì thương chiến Trung Quốc-Australia: Hứng gạch đá dữ dội từ cả 2 phía, hoạt động kinh doanh rơi vào bế tắc  - Ảnh 1.

Travis Fuller – tổng giám đốc của Kilikanoon, cho biết hơn 10% thành viên câu lạc bộ sản xuất rượu của họ đã rời đi vì những lời chỉ trích. Việc này đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng tại địa phương.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, phần lớn nhà nhờ hoạt động xuất-nhập khẩu quặng sắt. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của Lowy Institute, thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn. Hơn nữa, Australia đang bị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới coi là một trong những thị trường bị “ghét” nhất, trong đó bao gồm Nga và Iran.

Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Australia coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh nhiều hơn là đối tác kinh tế. Khoảng 79% người tham gia khảo sát của Lowy cho biết đầu tư của Trung Quốc vào Australia có ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm của họ về quốc gia tỷ dân này, tăng 20 điểm phần trăm so với 5 năm trước đó. Hơn 1 nửa người Australia tin rằng Trung Quốc chủ yếu là nguyên nhân khiến mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn.

Natasha Kassam – giám đốc chương trình chính sách nước ngoài và dư luận của Lowy Institute, cho biết: “Điều này thực sự có ý nghĩa lâu dài đối với nền kinh tế Australia – vốn rất cởi mở, và cả xã hội – vốn được cho là đa dạng về văn hóa.” Theo bà, tâm lý nghi ngờ ngày càng sâu sắc không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Trung Quốc, mà cả các tổ chức cộng động và người Australia có liên quan đến nguồn gốc Trung Quốc.

Nỗi khổ của những doanh nghiệp được Trung Quốc đầu tư 

Theo dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về đầu tư Trung Quốc tại Australia tại Đại học Quốc gia Australia, tình trạng căng thẳng trong quan hệ hai nước đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Năm ngoái, đầu tư từ đại lục vào quốc gia này giảm 61% xuống còn 1 tỷ AUD (751 triệu USD), giảm 47% vào năm 2019. Hoạt động đầu tư từ Trung Quốc vào Australia đạt đỉnh vào năm 2016 với 16 tỷ AUD.

Trung Quốc đã phàn nàn rằng các công ty của họ phải hứng chịu tình trạng phân biệt đối xử ngày càng tăng ở Australia. Cheng Jingye – đại sứ Trung Quốc tại Australia, cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng 4: “Australia đã thực hiện 106 cuộc thăm dò chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.”

David Moult – CEO của công ty khai thác than được sở hữu đa số bởi Trung Quốc Yancoal Australia, chia sẻ: “Với chính phủ Australia, chúng tôi là một công ty Trung Quốc. Còn với chính phủ Trung Quốc, chúng tôi là một công ty Australia. Vì vậy, chúng tôi đứng ở giữa và nỗ lực tìm cách giải quyết.”

Hồi tháng 9, Bắc Kinh đã cấm các lô hàng than của Australia nhưng chưa chính thức, khiến các tàu chở hàng buộc phải lênh đênh trên biển trong nhiều tháng. Tháng 12, Bắc Kinh chính thức đưa ra lệnh cấm vận, khi các nhà sản xuất điện lớn, khi họ thúc giục việc nhập khẩu than nhiều hơn từ các nước khác.

Doanh nghiệp bị bóp nghẹt vì thương chiến Trung Quốc-Australia: Hứng gạch đá dữ dội từ cả 2 phía, hoạt động kinh doanh rơi vào bế tắc  - Ảnh 2.

Do đó, Yancoal đã phải bán than cho các công ty ở Singapore, sau khi không thể giao hàng cho Trung Quốc vào tháng 9. Gần đây nhất, năm 2017, hoạt động bán than cho Trung Quốc dã chiếm gần ¼ doanh thu của công ty.

Các giám đốc điều hành và hiệp hội trong ngành đã nhận ra những thách thức trong việc thay đổi nhận thức. Tony Battaglene – CEO của Australian Grape & Wine, hiệp hội các nhà sản xuất rượu vang và nho, chỉ trích những người kêu gọi tẩy chay những nhà máy được Trung Quốc hậu thuẫn. Họ cho rằng, hành động này ảnh hưởng đến những khoản đầu tư vốn có lợi cho cộng đồng, việc làm và tăng trưởng kinh tế của các địa phương.

Yancoal sử dụng khoảng 4.400 nhân sự, hầu hết là ở các bang phía đông Australia, New South Wales và Queensland. Họ trả hàng trăm triệu AUD tiền thuế và bản quyền hàng năm. Baocai Zhang – chủ tịch của Yancoal, cho biết: “Yancoal là một ví dụ tích cực về sự hợp tác giữa Trung Quốc và Australia.”

Trong khi đó, Kassam nhận định, tranh chấp giữa Bắc Kinh và Canberra càng kéo dài và thái độ của người tiêu dùng ngày càng gay gắt, thì những công ty Trung Quốc và thậm chí doanh nghiệp lớn của Australia có chuỗi cung ứng đi qua đại lục càng gặp nhiều khó khăn. Bà cho hay: “Về cơ bản, họ đang bị buộc phải lựa chọn 1 bên.”

Tham khảo Wall Street Journal