Đồ điện tử ‘Made in Vietnam’ nhưng… đặt hàng ở Trung Quốc

Một tiệm bán hàng điện tử ở Hà Nội

Đa số những máy móc điện, điện tử “thương hiệu Việt” nhưng chỉ có cái tên thôi, không phải sản phẩm do các công ty nội địa Việt Nam chế tạo.

Tờ Người Lao Động hôm 10/4 nêu ra sự thật phũ phàng về sản phẩm Việt Nam khi viết: “Nhiều sản phẩm điện máy thương hiệu Việt được sản xuất ở nước ngoài, một số khác được sản xuất, lắp ráp trong nước, song tỉ lệ linh kiện nội địa rất nhỏ”.

Báo vừa kể nói nhiều mặt hàng như “ tủ đông, tủ mát, nồi cơm điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, máy hút mùi… ghi xuất xứ khá mù mờ: “Nơi sản xuất: Chính hãng,” “Sản xuất từ thương hiệu”… không ngoài mục đích đánh lừa người tiêu thụ. Bên cạnh đó, tuy công ty “sản xuất” ra các loại sản phẩm đó mang “thương hiệu Việt Nam” nhưng lại ghi “nơi sản xuất tại Trung Quốc hay nước khác. Có khi để trống nơi sản xuất trên nhãn”.

Phóng viên của tờ Người Lao Động di tìm hiểu thì đươc biết nhiều công ty điện máy của Việt Nam “đặt hàng” ở Trung Quốc với giá rất rẻ, nhập cảng rồi láp ráp thành phẩm và gắn lên hàng chữ “Made In Vietnam”. Người tiêu thụ tại Việt Nam không hề biết món hàng mình mua không phải là sản phẩm trí tuệ của người mình.

Tờ Người Lao Động dẫn dữ liệu của tổ chức Hiệp Hội Công Nghiệp Hỗ Trợ Việt Nam – VASI, nói các công ty sản xuất mày móc điện và điện tử tại Việt Nam nhập cảng “đến gần 90% linh kiện từ nước ngoài”. Trong đó “linh kiện cơ bản nhập khẩu tới 97%, linh kiện chuyên dụng 92%, linh kiện cơ khí 82%, linh kiện cao su 87%.”

Một trong những lý do không mấy ai tính thành lập xí nghiệp sản xuất linh kiện tại Việt Nam vì thị trường còn nhỏ, giá thành sản phẩm cao, không thể cạnh tranh được. Mua từ Trung Quốc nơi có những xí nghiệp sản xuất công suất rất lớn nên giá rẻ.

Mấy năm trước, người ta quảng cáo TV thương hiệu “Asanzo” hay “Akino” là các sản phẩm điện tử “chất lượng cao” của Việt Nam nhưng thật sự hoàn toàn lắp ráp, sản xuất tại Thái Lan. Còn TV Asanzo cũng chỉ là nhập cảng linh kiên của “nước lạ” lắp ráo giản dị, gắn “Made In Vietnam” rồi tung ra bán trên thị trường nội địa.

Luật pháp CSVN cũng không quy định rõ ràng về tỷ lệ nội địa hóa để có thể được coi là sản phẩm thực sự của Việt Nam. Các công ty kinh doanh hàng điện và điện tử trong nước vừa vốn liếng cò con, vừa thiếu kỹ thuật chuyên môn nên chỉ áp dụng phương cách sản xuất “mượn đầu heo nấu cháo”, kiếm tiền vừa dễ lại vừa nhanh.

Theo Tổng Cục Hải Quan CSVN, trong năm 2021, Việt Nam đã nhập cảng máy tính và linh kiện điện tử từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ và các nước ASEAN.