Đến khi nào Quốc hội Việt Nam mới thực sự ‘của dân, do dân và vì dân’?

Các nhà lãnh đạo Việt Nam và các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp Quốc hội tại Nhà Quốc hội ở Hà Nội vào ngày 21 tháng 10 năm 2019.

[fvplayer id=”38″]

“Tôi rất mong rằng một ngày không xa người dân được vào đây (nhà Quốc hội), không những để tham quan mà còn được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội.”

Đây là phát biểu của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV diễn ra sáng 26/3.

Tòa nhà Quốc hội được khởi công xây dựng vào năm 2009 và chính thức đưa vào sử dụng trực tiếp từ ngày 20/10/2014 tại Buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Việt Nam khóa XIII.

Tuy chi phí xây dựng được lấy từ ngân sách do người dân đóng thuế, nhưng đến nay, chưa người dân nào được bước chân vào.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng việc phải đảm bảo an ninh là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, không thể vì lý do này mà ngăn cản người dân đến quan sát hoạt động của Quốc hội.

Từ Sài Gòn, nhà hoạt động Trần Bang nhận định rằng tiền chi phí cho hoạt động của các đại biểu, phương tiện đi lại, nhà nghỉ, khách sạn, tất cả phương tiện làm việc, tiền lương… rất tốn kém chứ không phải chỉ tòa nhà Quốc hội, nhưng người dân có tỏ tường hay không thì ai cũng có thể biết. Ông nói:

“Người ta coi người dân là những lao động để kiếm ra tiền đóng thuế, hy sinh bảo vệ đất nước, làm ra tài sản cho nhà nước, đóng thuế cho nhà nước và đảng cộng sản tiêu. Đó là họ chăm sóc như chủ chăm sóc nô lệ chứ không phải người dân làm chủ.”

Tôi cho rằng đó là mô hình rất hay và rất nhiều người mong muốn sau này Việt Nam có cơ hội người dân được tham gia, giám sát hoạt động Quốc hội. – ông Nguyễn Lân Thắng

Nhà hoạt động Trần Bang nhận xét về mong muốn người dân được vào Tòa nhà Quốc hội để quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội như sau:

“Ông Trung Quốc nói ở đâu đó, không hiểu thời sự người dân nên không phải vì dân. Nếu vì người dân ông phải lên tiếng vụ Đồng Tâm, vụ Dương Nội, Lộc Hưng, Thủ Thiêm, ông lên tiếng việc tại sao không có báo chí tư nhân, tại sao người dân không được thành lập hội?

Ông không phải vì người dân, chẳng qua nói cho vui, ông nói theo hướng như thế tưởng là vì dân nhưng không phải và chỉ nói như kiểu vị trí đại biểu quốc hội được sắp đặt mà những người dân không hiểu biết tưởng là vì dân.”

Trao đổi với RFA tối 21/4, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội nêu lên cảm nghĩ:

“Tôi thấy phát biểu của ông Dương Trung Quốc được rất nhiều người dân hay những người quan tâm hoạt động Quốc hội rất hoan nghênh.

Bản thân tôi có dịp thăm một số nước dân chủ như Philippines, tôi đã chứng kiến sinh hoạt dân chủ, tức khi các hoạt động của đại biểu bên Phi đưa ra chính sách, bàn thảo các vấn đề thì người dân hoàn toàn có thể có vị trí quan sát bên trong Quốc hội, có thể đăng ký và có thể vào để xem, quan sát hoạt động trực tiếp của Quốc hội.

Tôi cho rằng đó là mô hình rất hay và rất nhiều người mong muốn sau này Việt Nam có cơ hội người dân được tham gia, giám sát hoạt động Quốc hội.”

Ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI, khóa XII, thuộc đoàn đại biểu Thanh Hóa cho hay ở Việt Nam từ trước đến nay chưa có quy định, chưa có tiền lệ tổ chức cho người dân vào dự Quốc hội. Tuy nhiên vẫn có những đoàn khách quốc tế được mời vào dự Quốc hội.

Cảnh sát cảnh báo người đi bộ đi gần khu vực cấm của chính phủ tại tòa nhà quốc hội ở Hà Nội vào ngày 3 tháng 3 năm 2021. AFP
Cảnh sát cảnh báo người đi bộ đi gần khu vực cấm của chính phủ tại tòa nhà quốc hội ở Hà Nội vào ngày 3 tháng 3 năm 2021. AFP

Dù vậy, theo ông Lê Văn Cuông, với quá trình phát triển của đất nước Việt Nam và cơ chế mở rộng dân chủ trong xã hội, ông tin tưởng rằng vấn đề đó cũng sẽ được thực hiện, không có gì phức tạp. Ông lập luận:

“Vì Quốc hội của dân, do dân, vì dân nên người dân theo dõi hoạt động của Quốc hội thì bây giờ Quốc hội có truyền hình trực tiếp nên người dân có quyền theo dõi giám sát đại biểu của mình và hoạt động của Quốc hội.

Trước đây rất ít, thậm chí không truyền hình trực tiếp đến người dân nhưng càng ngày qua mỗi kháo thì số lượng buổi Quốc hội truyền hình trực tiếp đến người dân càng nhiều. Điều đó thể hiện xu thế dân chủ và công khai minh bạch trước người dân.”

Trong buổi họp Quốc hội ngày 26/3, đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng người dân sẽ chịu trách nhiệm giám sát Quốc hội. Vì vậy cần để người dân tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, đảm bảo đưa chính sách pháp luật vào đời sống.

Tuy nhiên, ông Hùng nêu lên thực tế rằng thời lượng trực tiếp các hoạt động của Quốc hội là quá khiêm tốn trong khi Quốc hội có hẳn một kênh truyền hình Quốc hội.

Theo ông Lê Văn Cuông, các đại biểu và Quốc hội nói lên tiếng nói của dân, chất lượng hoạt động của các đại biểu cũng như của Quốc hội ngày càng được người dân ghi nhận và đánh giá cao.

Ông Cuông nhận xét rằng chưa bao giờ hoạt động của Quốc hội được người dân đồng tình và thấy rằng dân chủ, cởi mở như bây giờ.

“Dư luận cử tri đánh giá rất cao rằng càng ngày Quốc hội càng bàn nhiều vấn đề nóng bỏng của nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cái này nếu chúng ta theo dõi dư luận và ý kiến cử tri thì thấy vấn đề tôi nói không có gì mang tính chất không đúng sự thật mà đây là thực tế ở Việt Nam.”

Không đồng tình với quan điểm vừa nêu, nhà hoạt động Trần Bang cho rằng thực tế cả đại biểu hay Quốc hội đều không quan tâm đến quyền lợi người dân:

“Vì người dân thì đầu tiên phải vì quyền tự do của người dân được lựa chọn đại biểu quốc hội, được ứng cử, tranh cử và bầu cử thì không có. Tất cả họ làm theo đảng.

Không có quyền tự do thành lập đảng, không có tự do thành lập báo chí, không được tự do tư tưởng, tự do học thuật, không được cạnh tranh ứng cử, hầu hết những người tự ứng cử đều bị bắt.”

Trước đây rất ít, thậm chí không truyền hình trực tiếp đến người dân nhưng càng ngày qua mỗi kháo thì số lượng buổi Quốc hội truyền hình trực tiếp đến người dân càng nhiều. Điều đó thể hiện xu thế dân chủ và công khai minh bạch trước người dân. – ông Lê Văn Cuông

Trong kỳ bầu cử quốc hội khóa 15 sắp đến, có ít nhất hai người tự ứng cử bị bắt giữ sau khi tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc là ông Lê Trọng Hùng ở Hà Nội và Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình. Ông Nguyễn Quốc Huy, một nhà thơ người Chăm với bút hiệu Đồng Chuông Tử, bị công an mời làm việc vì công khai có ý kiến về việc tự ứng cử và đại biểu người Chăm lâu nay chỉ để ‘làm cảnh’.

Tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Dương Trung Quốc cho hay Quốc hội khoá I được triệu tập có một tập quán rất quan trọng là để cho dân tiếp cận các hoạt động của Quốc hội.

Ông Quốc cho hay lúc bấy giờ, Quốc hội họp ở Nhà Hát Lớn đã dành toàn bộ tầng trên cùng để cho không chỉ báo chí mà mọi người dân có quyền được xem. Sau nhiều chục năm, hiện nay Quốc hội đã có tòa nhà hoành tráng nhưng lại không có người dân được tham bước vào.

Cựu đại biểu Lê Văn Cuông tin chắc rằng tương lai, người dân sẽ được tham gia giám sát trực tiếp các phiên họp tại tòa nhà Quốc hội, nhưng vấn đề thay đổi cần thời gian.

Còn theo Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, thực tế cho thấy rất khó để thay đổi tình hình hiện nay trong các hoạt động Quốc hội.

“Việc này đòi hỏi hệ thống, thể chế chính trị hoàn toàn khác, trong bối cảnh hiện nay, khi các hoạt động của đảng bao trùm lên hết tất cả hoạt động của Quốc hội hay chính phủ, bất cứ chủ trương đường lối nào cũng phải theo sự chỉ huy của đảng.”

RFA