Đến 15/4 còn phát sinh ổ dịch thì chưa thể dừng cách ly xã hội!

Ngày 8/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi cụ thể về khả năng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng sau khi kết thúc thời hạn 15 ngày (15/4/2020) áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội.

Cụ thể, nói về chỉ đạo của Thủ tướng chuẩn bị ứng phó với “làn sóng Covid-19” thứ 2, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ dẫn lại kết luận của người đứng đầu Chính phủ tại cuộc họp ngày 6/3 là phải duy trì và thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 1-15/4 và coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng.

Đến 15/4 còn phát sinh ổ dịch thì chưa thể dừng cách ly xã hội! - 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích các nội dung trong Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ có thể sẽ xem xét nới lỏng, gỡ bỏ từ từ biện pháp này hoặc quyết định tiếp tục thực hiện từ sau ngày 15/4 tùy diễn biến dịch bệnh.

“Như vậy, đến ngày 15/4, nếu còn phát sinh ổ dịch nào đó thì không thể dừng thực hiện Chỉ thị 16, lúc đó phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay chưa thể nói trước gì cả việc kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không” – người phát ngôn Chính phủ nói.

Trước việc một số địa phương triển khai khác nhau về Chỉ thị 16, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, cách ly xã hội là việc chưa có thông lệ nên còn cách hiểu khác nhau. Sau khi có văn bản hướng dẫn thì đến nay địa phương đều đồng tình không để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” hay làm đình trệ sản xuất, kinh doanh.

Việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 là giải pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Đây là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chỉ thị 16 đưa ra “yêu cầu” chứ không chỉ là “khuyến cáo” người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2 m…

Nhắc lại nhận định, đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích, trong khi Việt Nam chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa thì làm tốt cách ly xã hội sẽ ngăn được dịch Covid-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn.

“Thổi còi” địa phương cách ly người đến từ Hà Nội, TPHCM, đòi thu phí

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét, biện pháp cách ly xã hội đã được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ và thực hiện tốt, có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ khác. Nhiều địa phương vào cuộc mạnh, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ như: Thiết kập chốt kiểm tra thân nhiệt, test nhanh để kiểm tra nhiễm Covid-19, rà soát các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam chưa khai báo…

Tuy nhiên, một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Thủ tướng đã yêu cầu địa phương thực thi nghiêm biện pháp này, đồng thời phê bình, nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tụ tập đông người.

Ngược lại, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng đề cập một số biểu hiện như các tỉnh có văn bản yêu cầu cách ly người đến từ Hà Nội, TPHCM, thậm chí cấm người dân từ Hà Nội, TPHCM đến địa phương mình hay việc TP Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ đạo nêu tên người đi chợ quá 2 lần/ngày… Ông đề cập thời điểm Thủ tướng công bố dịch trên toàn quốc, có địa phương cho rằng, Hà Nội và TPHCM hiện nay có số ca nhiễm lớn nên cho đây là vùng dịch. Từ đó, các địa phương yêu cầu người ở Hà Nội và TPHCM khi về địa phương thì phải cách ly 14 ngày và tự trả chi phí cách ly.

Bên cạnh đó, cũng có vấn đề các xe vận tải hàng hóa không được vào thì không có nguyên liệu sản xuất…

Sau khi có những chuyện “lệch pha” trong áp dụng chỉ đạo như vậy, Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng để giải thích, hướng dẫn rõ hơn Chỉ thị 16. Từ văn bản hướng dẫn này, các địa phương đã hiểu, thực hiện thống nhất hơn.

Cụ thể là không được ngăn sông cấm chợ, không được làm các rào cản giao thông trên đường vì như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ dừng vận tải công cộng còn xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phải hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ hàng hóa cho thị trường, người dân.

Theo Dân trí