Đề xuất cho tư nhân nhập khẩu vắc xin ngừa COVID-19 gây tranh cãi!

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long mới đây đã khẳng định cả nước sẽ không thiếu vaccine COVID-19 trong năm 2021 nếu huy động tất cả nguồn lực trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ cung ứng.

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn lời người đứng đầu Bộ Y tế cho hay việc huy động toàn bộ xã hội tham gia vào việc cung ứng cũng như sử dụng vaccine để vừa bảo đảm ngân sách của Nhà nước, vừa tăng độ bao phủ tiêm vaccine theo hình thức xã hội hóa.

Không chỉ riêng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đồng ý với việc huy động nguồn lực trong việc tiêm phòng vaccine.

Ông Phạm Bình Minh cho biết thêm Bộ Chính trị đã cho ý kiến sử dụng ngân sách Trung ương và các tỉnh đóng góp, cùng các nguồn lực khác để mua vaccine. Trong đó, nếu là vaccine dùng ngân sách Trung ương sẽ tiêm miễn phí cho người dân.

Một lãnh đạo khác trong bộ máy chính phủ Hà Nội là Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng được truyền thông trong nước cho hay với tình hình cấp bách phải đủ vaccine tiêm cho 100 triệu dân như hiện nay, ông tán thành việc không nên hạn chế nếu tư nhân có nguồn nhập vaccine.

Lãnh đạo vẫn giữ độc quyền, không cho dân tham gia nhưng khi động đến vaccine thì bắt dân phải cổ phần hóa, bỏ tiền ra mua cùng nhà nước. Thế tại sao lãnh đạo không cho dân ghé vai vào mà tranh hết. Đấy là mâu thuẫn không thể giải quyết được. – BS. Đinh Đức Long

Trao đổi với RFA tối 25/2, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đang sinh sống tại Hà Nội nhận định về việc sử dụng mọi nguồn lực cho vaccine COVID-19 như sau:

“Nhu cầu vaccine cho dân số đối với gần 100 triệu dân đối với Việt Nam là một khoản phí rất lớn, chưa được dự báo trước. Vì vậy nên sức ép chi tiêu của chính phủ là rất lớn, tôi nghĩ cách huy động là đóng góp từ các doanh nghiệp rồi từ cộng đồng, cũng có ý kiến tiêm vaccine đối với những người có thu nhập cao thì có thể phải đóng phí. Hiện nay những ý kiến đó đang được đề xuất thảo luận. Tôi nghĩ trong thời gian ngắn chính phủ sẽ có quyết định về vấn đề này.”

Từ Sài Gòn, Bác sĩ Đinh Đức Long, nguyên Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng những gì tư nhân làm được thì nhà nước không cần làm, nhà nước chỉ quản lý, giám sát chứ không làm trực tiếp.

Theo BS. Đinh Đức Long, việc cho tư nhân nhập khẩu vaccine COVID-19 cũng nên áp dụng biện pháp như ông vừa nêu, vì tư nhân nhanh nhạy hơn do có liên quan đến đồng tiền bát gạo nên họ biết cách làm hiệu quả hơn.

“Lãnh đạo vẫn giữ độc quyền, không cho dân tham gia nhưng khi động đến vaccine thì bắt dân phải cổ phần hóa, bỏ tiền ra mua cùng nhà nước. Thế tại sao lãnh đạo không cho dân ghé vai vào mà tranh hết. Đấy là mâu thuẫn không thể giải quyết được.

Sau này có câu thơ ‘Lãnh đạo thì giữ độc quyền, hễ động đến tiền thì lại hỏi dân’.

Anh độc quyền lãnh đạo thì anh độc quyền chi tiền đi, người dân có nghĩa vụ nộp thuế xong rồi, người nào trrosn thuế ông xử tội, mà bây giờ gọi là vận động, cả cháu trẻ con tích tiểu vài đồng bạc lì xì bỏ ống heo mà giờ bắt đập đi để đóng góp mua vaccine. Trong khi tượng đài hàng nghìn tỉ thì không vận động cái đấy? Đấy là mâu thuẫn mà không đắc nhân tâm.”

Một tình nguyện viên được tiêm vaccine Nano Covax do công ty dược phẩm Nanogen của Việt Nam phát triển. Ảnh ngày 17/12/2020.
Một tình nguyện viên được tiêm vaccine Nano Covax do công ty dược phẩm Nanogen của Việt Nam phát triển. Ảnh ngày 17/12/2020.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng việc tạo cơ chế cho tư nhân nhập vaccine ngừa COVID-19 là vấn đề phải cân nhắc:

“Nếu xã hội hóa vaccine phải rất cẩn thận bởi vì liên quan đến sức khỏe nên xã hội hóa cái này phải có quy trình rất chặt chẽ, phải phối hợp với ngành y tế chặt chẽ thì người dân mới tin tưởng vaccine xã hội hóa.

Một số công ty xuất nhập khẩu vaccine phải phối hợp tốt với ngành y tế, có một danh sách cơ quan xuất nhập khẩu và phải được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này nhà nước đứng ra thì người dân sẽ tin tưởng hơn.

Nếu kinh doanh có đảm bảo an toàn hay không, nếu xảy ra thiệt hại phải có quy định để bồi thường.

Rất ít những thông tin về vaccine. Một số nước cũng sản xuất vaccine nhưng độ an toàn phải được thông báo công khai và minh bạch, có nhiều người băn khoăn về tác hại, tác dụng phụ của nó thế nào.”

Lô vaccine chống COVID-19 đầu tiên với 117.000 liều AstraZeneca đã đến Việt Nam vào ngày 24/2.

Chính phủ Hà Nội cho biết lô này là một phần trong số 30 triệu liều mà Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam, một công ty thành lập để xử lý việc nhập khẩu và phân phối vaccine, đã mua.

TS. Lê Đăng Doanh nhận định:

“Việc ngăn chặn được đại dịch này là điều rất quan trọng đối với không những nền kinh tế mà đối với toàn bộ đất nước Việt Nam nên tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp tư nhân sẽ tích cực tham gia và đóng góp với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm cao với dân tộc.”

Chính phủ Hà Nội cho biết sẽ nhận được 60 triệu liều vắc xin trong năm nay, bao gồm một nửa theo chương trình COVAX do WHO đứng đầu.

Được biết, COVAX đã gửi một lá thư xác nhận rằng 4,8 triệu liều vaccine này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong quý 1 và quý 2 năm 2021, trong khi số còn lại dự kiến sẽ đến trong quý 3 và 4.

Việc ngăn chặn được đại dịch này là điều rất quan trọng đối với không những nền kinh tế mà đối với toàn bộ đất nước Việt Nam nên tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp tư nhân sẽ tích cực tham gia và đóng góp với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm cao với dân tộc. – TS. Lê Đăng Doanh

Cũng trong ngày 24/2, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã báo cáo Chính phủ về tiến độ 7 đợt cung ứng 150 triệu liều vaccine và dự kiến đối tượng được tiêm từng đợt.

Theo đó, đợt 1 là 117.000 liều vaccine vừa đến, sẽ được tiêm cho những người phòng chống dịch gồm: nhân viên y tế, thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch, nhân viên khu cách ly, điều tra dịch tễ, tình nguyện viên, phóng viên…

Từ đợt 2 đến đợt 5 sẽ có 34,7 triệu liều vaccine thuộc chương trình COVAX của WHO và mua của AstraZeneca, đến Việt Nam từ quý 2 đến quý 4 năm 2021.

Đối tượng tiêm trong những đợt này sẽ mở rộng theo thứ tự đầu tiên là nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ xuất nhập cảnh, quân đội, công an… sau đó đến giáo viên, người có bệnh nền và những trường hợp còn lại.

Đợt 6 và 7 sẽ có 115,3 triệu liều vaccine từ COVAX của WHO, nguồn mua nước ngoài và sản xuất trong nước.

Báo Nhà nước Việt Nam vào ngày 25/2 dẫn lời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và Tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết sẽ có 50/200 người đăng ký thử nghiệm vaccine Nanocovax giai đoạn 2 được chọn tham gia thử nghiệm vaccine vào sáng 26/2.

Theo RFA