Trung Cộng đối mặt với khủng hoảng sau khi thanh trừng quan chức

Chính quyền của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một cảnh báo hiếm hoi tới các đối thủ của mình tại một cuộc họp cảnh sát quốc gia gần đây, một hành động mà một chuyên gia cho rằng chế độ cộng sản này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nội bộ chưa từng có kể từ khi một thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc bị thanh trừng.

Chủ tịch Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình, dưới cùng chính giữa, đến dự phiên họp bế mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) vào ngày 15/03/2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Hôm 24/01, đồng minh thân cận của ông Tập và Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) đã thông báo tại một hội nghị về việc thành lập một ban lãnh đạo dành riêng để “xóa bỏ ảnh hưởng xấu của bè phái chính trị do Tôn Lập Quân lãnh đạo”. Ông Tôn là cựu thứ trưởng của bộ này.

Trước đó, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã phát hành một bộ phim tài liệu gồm 5 phần có nội dung tuyên truyền chống tham nhũng có nhan đề “Không Khoan Nhượng” chiếu vào khung giờ vàng từ ngày 15/01. Trong phần 1, ông Tôn và các thành viên chủ chốt trong nhóm của ông đã xuất hiện và thú tội trước công chúng.

Theo các nguồn tin chính thức, nhóm của ông Tôn bao gồm bốn đồng minh thân cận của ông này. Họ gồm ông Cung Đạo An (Gong Dao’an), cựu cảnh sát trưởng thành phố Thượng Hải đông dân nhất Trung Quốc; ông Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), cảnh sát trưởng thành phố Trùng Khánh lớn nhất Trung Quốc; ông Vương Lập Khoa (Wang Like), trưởng ủy ban các vấn đề chính trị và pháp luật ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc; và ông Lưu Tân Vân (Liu Xinyun), người đứng đầu sở công an tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc.

Quá trình điều tra các hoạt động bất hợp pháp của ông Tôn kéo dài 17 tháng. Bắc Kinh đã cách chức ông Tôn vào ngày 19/04/2020, nhưng phải đến ngày 30/09/2021, chính quyền Trung Quốc mới chính thức cáo buộc ông bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc và kỷ luật Đảng trong một thông báo có ngôn từ mạnh mẽ.

Các nhà phân tích nhận định, hành động này là một trong những hành động gây chú ý của lãnh đạo Trung Quốc Tập trong thời gian gần đây nhằm trừng phạt và răn đe các đối thủ của mình. Họ lưu ý rằng sự sụp đổ của [phe cánh] ông Tôn đã được công bố nổi bật một cách bất thường, hé lộ cuộc chiến phe phái đang diễn ra mạnh mẽ đằng sau hậu trường trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Chuyên gia về Trung Quốc Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) tại New York đã giải thích trường hợp của ông Tôn trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Ông Đường nói: “17 tháng hẳn là khoảng thời gian kỷ lục để Bắc Kinh điều tra một quan chức cấp thứ trưởng. Hơn nữa, thông báo chính thức thông báo về sự thất thế của ông ta gồm hơn 700 từ, thuộc vào loại dài nhất trong kiểu thông báo này.”

Theo chuyên gia này, trường hợp của ông Tôn hoàn toàn không phải là một sự cố cá biệt, mà tất yếu liên quan đến các cuộc tranh giành quyền lực cấp cao hơn, phức tạp hơn giữa các phe phái chính trị. Về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mô tả những người trung thành với ông Tôn là một “bè phái chính trị”, ông Đường nói, tên gọi này cũng nghiêm trọng như việc bị chỉ định là một “nhóm phản cách mạng”, thuật ngữ được sử dụng trong Cách mạng Văn hóa như lời buộc tội gay gắt nhất trong hệ thống ĐCSTQ trong những năm 1960 và 1970.

Hơn nữa, việc ông Tập phát sóng lời thú tội của các quan chức không trung thành với tư cách là các thành viên của một nhóm chính trị là một hành động vô cùng hiếm hoi, ông Đường nhận định, lưu ý rằng đây có lẽ là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ vụ “bè lũ bốn tên” năm 1976.

Bè lũ bốn tên bao gồm những nhân vật quyền lực nhất trong cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm, một cuộc chính biến được nhà lãnh đạo Trung Quốc đương thời Mao Trạch Đông dàn dựng. Sau cái chết của ông Mao vào năm 1976, họ đã bị bắt, bị xét xử công khai, và bị kết án tù chung thân.

Theo ông Đường, các cuộc đấu tranh nội bộ trong ĐCSTQ đã lên một tầm cao mới, cho thấy rằng xung đột sẽ chỉ gia tăng căng thẳng hơn trong giai đoạn nước rút của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay (2022), nơi ông Tập sẽ tung ra một nỗ lực chưa từng có nhằm đạt được nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị lãnh đạo.

Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.

Theo Epoch Times