Đặng Đình Bách tuyệt thực trong tù đòi công lý

Ông Đặng Đình Bách đang thụ án 5 năm tù
Nghe đọc bài

Đây là lần thứ nhì ông Bách tuyệt thực kể từ khi bị bắt. Trước phiên sơ thẩm vào cuối tháng 1/22, ông đã tuyệt thực nhiều ngày để kêu oan, yêu cầu được tại ngoại chờ xét xử và phải có một phiên xử công bằng.

Nhà hoạt động xã hội dân sự, tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách tuyệt thực trong thời gian năm ngày cuối tháng 11 ở Trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An, để đòi công lý cho mình.

Ông Bách, 44 tuổi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) hiện đang thụ án 5 năm tù sau khi bị kết tội “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự.

Sau khi bị tòa tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo trong phiên phúc thẩm ngày 11/8, ông bị chuyển đi thi hành án tù tại trại giam số 6 từ tháng 10.

Bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách, cho biết: “Anh ấy tuyệt thực từ ngày 24/11 và đến ngày 29/11… Cụ thể là anh Bách muốn tổ chức của Liên Hiệp Quốc ra kết luận về việc Chính phủ Việt Nam bắt giữ ông tùy tiện, yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và đền bù.”

Hồi tháng Hai, bốn Báo cáo viên đặc biệt về các quyền con người của Liên Hiệp quốc gửi thư chung yêu cầu nhà nước Việt Nam cung cấp thêm thông tin về việc bắt giữ ông Đặng Đình Bách và giải thích liệu các biện pháp đối với ông có tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam ký kết.

Các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp quốc cũng cho biết phía Việt Nam xin gia hạn thời gian trả lời.

Bà Thảo cho biết thêm, nhiều nhóm nhân quyền quốc tế tiếp tục gửi báo cáo cập nhật về trường hợp của ông Bách lên cơ quan về nhân quyền Liên Hiệp quốc.

Bà Thảo cũng cho rằng, việc tuyệt thực trong năm ngày của chồng mình có mục đích nhắc nhở cộng đồng quốc tế về trường hợp của ông, một lãnh đạo của tổ chức khoa học-công nghệ thực hiện nghiên cứu khoa học và triển khai các đề tài, đề án, dự án thuộc lĩnh vực pháp luật và chính sách phát triển bền vững nhưng bị kết án bởi một tội danh mơ hồ.

Đây là lần thứ nhì ông Bách tuyệt thực kể từ khi bị bắt. Trước phiên sơ thẩm vào cuối tháng 1/22, ông đã tuyệt thực nhiều ngày để kêu oan, yêu cầu được tại ngoại chờ xét xử và phải có một phiên xử công bằng.

Bà Thảo nói bà đã vào thăm chồng ở trại giam số 6 hai lần trong hai tháng 10 và 11. Cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng bị giám sát chặt chẽ bởi nhân viên an ninh và nội dung câu chuyện chỉ được xoay quanh vấn đề sức khoẻ và gia đình.

Bà cho biết trong khi hai vợ chồng nói chuyện với nhau qua điện thoại và ngăn cách bằng tấm kính, ông Bách bị kẹp giữa hai nhân viên an ninh.

Ông không được trả lời bất cứ câu hỏi nào của vợ về cuộc sống trong trại giam và do vậy, bà không có thông tin gì về việc này.

Ông Bách bị bắt giữa năm 2021. Cáo trạng nêu rằng từ năm 2016 đến năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững, một tổ chức phi chính phủ có đăng ký hợp pháp với Nhà nước, nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài. Tổng số tiền bị coi là trốn thuế là hơn 1,3 tỷ đồng.

Trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, ông Bách khẳng định mình vô tội.

Ông Bách là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11 năm ngoái. Mục đích của Mạng lưới VNGO-EVFTA được cho biết nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu- Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).

DAG được thiết lập theo quy định tại Chương Mậu dịch và Phát triển Bền vững của EVFTA. Ban Tư vấn Liên Âu (EV DAG) đã được thành lập vào tháng 12/2020 và đã tiến hành hai lần hội nghị. Riêng Ban Tư vấn Việt Nam (VN DAG) đến nay vẫn chưa được thiết lập.

(Theo RFA)