Đảng Dân Chủ chuẩn bị dự luật hạn chế nhiệm kỳ thẩm phán Tòa Tối cao

Các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ sẽ giới thiệu một dự luật vào tuần tới để giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán Tòa án Tối cao xuống còn 18 năm so với nhiệm kỳ suốt đời hiện hành, trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu những sự xung đột phe phái về những ghế bỏ trống tại tòa án cao nhất nước, đồng thời duy trì tính chính đáng của tòa án.

Dự luật mới mà Reuters đã được xem qua, sẽ cho phép mỗi tổng thống đề cử hai thẩm phán trong mỗi nhiệm kỳ bốn năm. Dự luật này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị đang tăng cao giữa lúc Tổng thống Trump sắp sửa công bố tên của nhân vật thứ ba được ông đề cử vào Tòa án Tối cao sau khi thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, qua đời ngày 18/9 vừa rồi, vào lúc chỉ còn có 40 ngày nữa là tới ngày bầu cử 3/11/2020.

“Dự luật mới sẽ giúp đất nước tránh được những sự giằng co và làm hạ nhiệt các cuộc xung đột để giành tòa án tối cao, vốn là một vấn đề cốt lõi nằm tại đường phây chia rẽ của các vấn đề văn hóa, và là một trong những điều cơ bản phá hoại cấu trúc xã hội của chúng ta,” theo Dân biểu Ro Khanna đại diện cho bang California, người sẽ giới thiệu dự luật vào thứ Ba tuần tới, cùng với các Dân biểu Joe Kennedy III của Massachusetts và Don Beyer của Virginia.

Giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán tòa án tối cao đã được các học giả về ngành luật thuộc cả cánh hữu và cánh tả ủng hộ từ nhiều năm nay. Một số cuộc thăm dò trong những năm gần đây cũng cho thấy biện pháp này cũng được sự ủng hộ rộng rãi của phần lớn công chúng Mỹ.

Dự luật về ‘Đạo luật về Giới hạn nhiệm kỳ Tòa án Tối cao và Đạo luật Bổ nhiệm Thường kỳ – là dự luật đầu tiên cố gắng giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán Tòa án Tối cao bằng luật, theo Gabe Roth, giám đốc điều hành của Fix the Court, một nhóm cổ vũ cho sự minh bạch trong ngành tư pháp.

Một số nhà quan sát pháp lý, gồm cả những người ủng hộ giới hạn nhiệm kỳ, nói các giới hạn này phải được thực hiện thông qua sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ.

Dự luật tìm cách tránh các quan tâm về hiến pháp bằng cách miễn trừ các thẩm phán đang phục vụ, không bị chi phối bởi quy định giới hạn 18 năm. Những thẩm phán được bổ nhiệm theo quy định này sẽ trở thành [thẩm phán] “kỳ cựu” (senior) khi về hưu và được luân chuyển đến các tòa án cấp thấp hơn.

Dân biểu Khanna giải thích: “Điều đó hoàn toàn phù hợp với quyền của các thẩm phán được hoàn toàn độc lập trong pháp lý, và cũng đi kèm với lương bổng của vị trí được bổ nhiệm trọn đời”.

Theo VOA