Đảng Cộng hòa ‘tự mâu thuẫn’ trong bổ nhiệm thẩm phán

Phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ tuyên bố sẽ phê chuẩn đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao của Trump, trái ngược những gì họ từng nói năm 2016.

Ruth Bader Ginsburg, người theo chủ nghĩa tự do giữ chức thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ từ năm 1993, qua đời hôm 18/9 ở tuổi 87 do biến chứng của ung thư tuyến tụy di căn, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn chưa đầy hai tháng. Sự ra đi của bà để lại một ghế trống tại Tòa án Tối cao, hiện bao gồm 5 thẩm phán do tổng thống đảng Cộng hòa đề cử và ba người được tổng thống đảng Dân chủ đề cử.

Đây được cho là cơ hội để Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa gia tăng lợi thế đa số của phe bảo thủ lên 6 người tại một tòa án nắm quyền quyết định nhiều vấn đề ở Mỹ, như phá thai, y tế, luật súng đạn, quy tắc bầu cử, thẩm quyền của tổng thống, hay án tử hình.

Thẩm phán Ginsburg tại thủ đô Washington của Mỹ hồi tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.
Thẩm phán Ginsburg tại thủ đô Washington của Mỹ hồi tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

Tòa án Tối cao Mỹ có 9 thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời, nghĩa là họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Ba ngày sau khi Ginsburg qua đời, Trump cho biết ông dự định đề cử thẩm phán mới thay thế bà vào ngày 26/9, đồng thời bày tỏ mong muốn Thượng viện sẽ bỏ phiếu phê chuẩn trước khi bầu cử tổng thống diễn ra, bất chấp tâm nguyện của Ginsburg là trì hoãn việc thay thế vị trí của bà tới sau bầu cử.

Theo luật, tổng thống Mỹ có quyền đề cử ứng viên mới thay thế ghế thẩm phán trống tại Tòa án Tối cao để Ủy ban Tư pháp Thượng viện xem xét trong 60 ngày, sau đó Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu phê chuẩn theo nguyên tắc đa số. Người được Trump đề cử nhiều khả năng sẽ được chọn, do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell lập tức lên tiếng khẳng định Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với đề cử của Trump.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn trái ngược với những gì được chính McConnell đưa ra hồi tháng 2/2016, khi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối tổ chức điều trần hoặc bỏ phiếu đối với ứng viên Merrick Garland, người được cựu tổng thống Barack Obama đề cử làm thẩm phán Tòa án Tối cao mới thay thế cố thẩm phán Antonin Scalia vừa qua đời.

Thẩm phán Scalia, người kiên định với quan điểm bảo thủ phục vụ trong Tòa án Tối cao từ năm 1986 nhờ đề cử của tổng thống Ronald Reagan, qua đời ngày 13/2/2016. Chỉ vài giờ sau cái chết của Scalia, McConnell tuyên bố một cách kiên quyết và rõ ràng rằng sẽ từ chối xem xét đề cử thẩm phán mới của Obama, khi bầu cử tổng thống Mỹ còn cách hơn 11 tháng.

“Người dân Mỹ nên có tiếng nói trong việc lựa chọn thẩm phán Tòa án Tối cao tiếp theo của họ. Do đó, ghế trống không nên được lấp đầy cho tới khi chúng ta có tổng thống mới”, McConnell cho biết. Những thành viên cốt cán khác trong đảng Cộng hòa cũng đồng tình với ông.

Một lý do mà họ thường xuyên viện dẫn cho nỗ lực chặn đề cử của Obama là “quy tắc Biden”. Quy tắc này được thượng nghị sĩ Joe Biden, người hiện là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, đưa ra trong bài phát biểu tại Thượng viện hồi năm 1992, cho rằng “một khi mùa bầu cử đang diễn ra, việc đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao phải được hoãn lại tới sau chiến dịch tranh cử”.

McConnell quyết không lùi bước, dù phe Dân chủ hy vọng ông sẽ thỏa hiệp dưới áp lực chính trị. Ngày 23/2/2016, một tuần sau khi Scalia qua đời và trước khi Obama công bố đề cử thẩm phán mới, McConnell tuyên bố trước Thượng viện Mỹ rằng ứng viên của tổng thống sẽ không được bỏ phiếu phê chuẩn.

“Các tổng thống đều có quyền đề cử, còn thượng viện có quyền tán thành hoặc từ chối bỏ phiếu theo hiến pháp. Trong trường hợp này, thượng viện sẽ từ chối điều đó”, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cho hay.

Các thành viên đảng Cộng hòa tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm đó cũng ký vào một lá thư gửi tới McConnell, cho biết họ sẽ từ chối tổ chức những phiên điều trần đối với bất cứ người nào được đề cử thay thế Scalia, tới khi tổng thống mới nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

Bất chấp sự cứng rắn của đảng Cộng hòa, Obama vẫn đề cử Merrick Garland, khi đó giữ chức chánh án Tòa Phúc thẩm Liên bang quận Columbia, làm thẩm phán mới tại Tòa án Tối cao vào ngày 16/3/2016. Theo tính toán của Obama, Thượng viện khó có thể quay lưng với Garland, một thẩm phán kỳ cựu được lưỡng đảng tôn trọng.

“Tôi hy vọng họ sẽ công bằng. Vậy thôi”, Obama đề cập tới phe Cộng hòa tại Thượng viện khi công bố đề cử Garland tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của Obama, đảng Cộng hòa không chịu nhượng bộ, khẳng định rằng quan điểm của họ không thay đổi và Garland sẽ không được phê chuẩn.

“Tôi nghĩ Garland là một người tốt, nhưng việc đề cử ông ấy không làm thay đổi tình huống hiện tại theo bất cứ cách nào”, Orrin Hatch, thượng nghị sĩ bang Utah khi đó, nêu ý kiến.

Suốt nhiều tháng từ hè sang thu, phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ vẫn tỏ thái độ như thể không có ghế trống nào tại Tòa án Tối cao và không có ai được đề cử làm thẩm phán mới. Ngày 20/7/2016, Garland phá kỷ lục tồn tại suốt 100 năm về số ngày chờ đợi từ lúc được đề cử đến khi xác nhận, với 125 ngày. Hoạt động của Tòa án Tối cao cũng bị đình trệ đáng kể, khi họ hạn chế tiếp nhận các vụ mới do chỉ có 8 thẩm phán nên khả năng kết quả biểu quyết sẽ là 4-4.

Việc Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối phê chuẩn đề cử thẩm phán của Obama đã biến Tòa án Tối cao thành vấn đề chính trị quan trọng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Donald Trump và cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Ngày 19/5/2016, Trump đưa ra danh sách những ứng viên tiềm năng tại Tòa án Tối cao, dựa trên tính toán của các đồng minh bảo thủ, nhằm xoa dịu lo ngại của các cử tri Cộng hòa đang nghi ngờ về quan điểm “thiên hữu” của ông. Cam kết đề cử những thẩm phán ủng hộ chống phá thai hay bảo vệ quyền sử dụng súng đã giúp Trump lấy lòng các cử tri bảo thủ.

Ngày 31/1/2017, chưa đầy hai tuần sau khi nhậm chức, Trump đề cử Neil Gorsuch, khi đó giữ chức thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang ở Colorado, vào vị trí còn trống trong Tòa án Tối cao. Garland đánh mất chiếc ghế này sau gần một năm chờ đợi ròng rã.

Thượng viện Mỹ, nơi phe Cộng hòa vẫn duy trì được lợi thế đa số sau cuộc bầu cử năm 2016, phê chuẩn đề cử của ông chủ Nhà Trắng sau chưa đầy ba tháng, vào ngày 7/4/2017.

Nhiều nhà quan sát, chỉ trích quan điểm bất nhất của McConnell trong vấn đề này, cho rằng việc Thượng viện tuyên bố nhanh chóng chấp nhận đề cử của Trump là động thái mang tính chính trị, không phục vụ lợi ích của nền tư pháp Mỹ. Theo bình luận viên Tedd Barret của CNN, các lãnh đạo đảng Cộng hòa dường như đang tính toán rằng việc ủng hộ hết mức cho đề cử của Trump tại Tòa án Tối cao sẽ tăng đáng kể cơ hội giữ thế đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Ngay cả một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng lên tiếng phản đối động thái “tự vả vào miệng” này. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, đại diện của đảng Cộng hòa bang Alaska, hôm 20/9 ra tuyên bố phản đối việc tổ chức bỏ phiếu phê chuẩn ứng viên thay thế cố thẩm phán Ginsburg.

“Nhiều tuần qua, tôi đã khẳng định sẽ không ủng hộ việc thay thế thẩm phán khi cuộc bầu cử sắp tới gần như vậy. Năm 2016, tôi đã không ủng hộ việc phê chuẩn người thay thế cố thẩm phán Scalia 8 tháng trước bầu cử. Giờ đây, chúng ta còn sát cuộc bầu cử hơn, chỉ còn chưa đầy hai tháng, và tôi tin vẫn phải áp dụng cùng một tiêu chuẩn như vậy”, bà Murkowski nhấn mạnh.

Bên cạnh Murkowski, một thượng nghị sĩ khác thuộc đảng Cộng hòa là Susan Collins cũng đã phản đối việc vội vã phê chuẩn thẩm phán Tòa án Tối cao mới ngay trước thềm bầu cử tổng thống. Chỉ cần hai thượng nghị sĩ nữa ủng hộ lập trường này, phe Cộng hòa sẽ khó có thể tổ chức phiên bỏ phiếu để thông qua đề cử thẩm phán mới.

Theo vnexpress