Dân Việt than trời vì bị ‘spam’ tin nhắn ‘sáng suốt’

Người dân than phiền vì phải nhận tin nhắn với nội dung giống nhau về cuộc bầu cử. Courtesy of VietnamNet
Nghe đọc bài

Báo đảng xác nhận các nhà mạng ở Việt Nam gửi đến 1,5 tỷ tin nhắn SMS kêu gọi người dân “sáng suốt” chọn ứng viên để bỏ phiếu hôm 23/5 trong lúc một luật sư ở Sài Gòn nói “chẳng thấy tin tưởng ai để bầu”.

Báo VietnamNet hôm 21/5/2021 cho hay, ba nhà mạng Viettel, VNPT (VinaPhone) và MobiFone đã gửi khoảng 1,5 tỷ bản tin cổ động bầu cử tới các thuê bao trên toàn mạng lưới.

Trước đó, cư dân mạng than phiền vì trong những ngày qua, họ nhận được hàng loạt tin nhắn SMS với cùng một nội dung: “Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!”.

Điều khiến người ta hoang mang là các ứng viên có tên trên lá phiếu đều đã phải vượt qua ba vòng hiệp thương theo đúng quy trình của nhà cầm quyền. Như vậy thì cử tri làm sao biết ai “tài, đức” hơn ai.

Theo tờ báo của Bộ Thông tin Truyền thông CSVN, người dân Việt Nam còn phải tiếp tục nhận tin SMS được gửi hàng loạt, ghi: “Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021!”.

Trước đó, báo Hà Nội Mới xác nhận các nhà mạng “gửi hơn 900 triệu bản tin tuyên truyền về bầu cử”.

Cờ cổ động bầu cử trên đường phố Sài Gòn. Courtesy of Zing

“Phần lớn là nghị gật” 

Tuy nhà cầm quyền tận dụng các nhà mạng để tuyên truyền về bầu cử, nhưng hiệu ứng có vẻ ép phê ngược.

Luật sư Trần Duy Cảnh ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Nói thật chỗ tôi ở, tôi chẳng thấy tin tưởng ai cả. Bình thường thì phải để ứng viên họ tiếp xúc với cử tri qua các phương tiện truyền thông để nói về cương lĩnh và kế hoạch của mình thì cử tri mới hiểu và bầu. Nhưng cái đó chưa đủ vì để “nói và hứa” thì các anh chị này giỏi nhất rồi. Mà quan trọng là đã làm gì rồi. Nghĩa là phải liệt kê những cái mình đã làm cho cử tri biết nhưng không có. Dễ hiểu, công lao luôn thuộc về tập thể. Cái “tôi” không có chỗ đứng khi nguyên tắc làm việc là “tập thể lãnh đạo”, “tập trung dân chủ”.

Để “tin tưởng”, tôi chỉ tin mỗi Luật sư Trương Trọng Nghĩa, là đồng nghiệp của mình. Anh ấy không chỉ nói giỏi mà còn làm giỏi ở nghị trường. Có đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. Hoàn toàn không phải nghị gật (gù) như phần lớn tôi đã chứng kiến.

Nhưng buồn thay, đơn vị bầu cử của anh Nghĩa lại ở chỗ khác. Thế nên, ai mà đi bầu bên quận 6 và huyện Bình Chánh thì giúp tôi bầu cho anh Nghĩa nhé.”

Pa nô cổ động bầu cử tại quận 1, Sài Gòn. Courtesy of Zing

“Thích đi bầu thì đi mà không đi thì thôi”

Cùng thời điểm, ông Quyết Hồ, một người dân ở Hà Nội, bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân: “Đằng nào mình không đi bỏ phiếu thì họ cũng đã dàn xếp nhau chức này chức kia hết rồi.” 

Ông Quyết Hồ cũng gửi thông điệp đến người dân quê mình: “Bà con xã ta nếu ai đi bỏ phiếu thì tuyệt đối không được bỏ thay, bỏ giùm vì như vậy vừa phạm luật bầu cử, báo đảng lại chửi là đồ vô trách nhiệm. Ai mà không đi bầu thì cũng không phạm luật gì cả, bọn nó dọa thì đừng có sợ. 

Bởi vì bầu cử là quyền, không phải nghĩa vụ. Nên thích đi bầu thì đi mà không đi thì thôi. Với lại, mình có được chọn đại biểu cho mình đâu mà đi mần chi? Đây chẳng qua là hình thức để hợp pháp hoá của cuộc chia chác chức tước của tụi tham quan ô lại, hoàn toàn không thể giúp ích gì cho dân khi không có một chương trình hành động nào được ban ra, không có một cuộc vận động công bằng cho các ứng cử viên khác. 

Vừa rồi ông Lê Trọng Hùng ở Hà Nội và ông Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình có đi ra ứng cử đại biểu Quốc hội với tư cách người không đảng phái đã bị bắt bỏ tù. Tuy họ không nhận cuộc bắt giữ này là để triệt hạ các đối thủ ngoài đảng vào Quốc hội nhưng dân thành thị người ta đọc tin ai cũng biết chuyện này.”

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn