Dân Việt ‘nghẹt thở’ vì lạm phát, báo đảng vẫn ‘tô hồng’

Nhiều người nghèo ở TP.HCM sống nhờ các quán cơm từ thiện của mạnh thường quân
Nghe đọc bài

Ý kiến nói thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng cho thấy sự không minh bạch, các đại gia liên tục vào tù, và giá trị nhiều cổ phiếu cũng như thị trường đang xuống dốc.

“Tôi vừa ăn ở đường Duy Tân, cái quán là phở Định thì 100.000 một tô phở bò. Trong khi đó, một công chức bình thường mà không có thu nhập nào khác, chỉ dựa vào lương thì tôi tính cao nhất chỉ được 15 triệu/tháng thôi.” Đó là lời than thở của anh Nguyễn Văn Dương, một công chức làm việc tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Anh Dương cho biết dù giá cả chưa tăng đột biến, nhưng mỗi thứ tăng một chút trong thời gian gần đây khiến cuộc sống gia đình anh vốn đã chật vật nay lại càng eo hẹp, và cả hai vợ chồng phải tìm mọi cách tằn tiện.

Cùng chung hoàn cảnh với anh Dương là anh Nguyễn Duy Anh, một phóng viên làm việc cho báo nhà nước. Anh cho biết thu nhập cả hai vợ chồng làm việc cho nhà nước giờ chỉ khoảng trên 20 triệu đồng/tháng, mà riêng tiền học và các chi phí cho cậu con trai đã ngốn của anh chị gần một nửa. Giá cả lương thực, thực phẩm tăng đều trong thời gian gần đây khiến anh cảm thấy nghẹt thở vì giờ đây một bó rau muống trong siêu thị đã gần 20.000 đồng/bó, còn thịt heo thì cũng trên dưới 25.000 đồng/lạng. Một bữa cơm với một bó rau và ba lạng thịt hàng ngày cũng đã khiến gia đình anh chi tiêu gần hết số tiền còn lại.

“Như vậy là mỗi bữa gần 100.000 đồng rồi, mới chỉ có rau và thịt thôi, chứ còn chưa tính đến gạo, mắm muối. Cho nên mình phải tính cụ thể như thế thì mới biết được cái áp lực đối với những người sống bằng lương.”

Duy Anh cho biết anh đang tính tới phương án nghỉ công việc nhà nước để chuyển sang khu vực doanh nghiệp nước ngoài vì với đồng lương và giá cả lạm phát hiện tại anh không thể nuôi gia đình với lòng yêu nghề.

Khá hơn một chút là giới đầu tư cổ phiếu và bất động sản. Tuy vậy, theo nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này, dù lo tiền mất giá do lạm phát nhưng họ chẳng thể mạo hiểm đầu tư khi mà thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng cho thấy sự không minh bạch, các đại gia liên tục vào tù, và giá trị nhiều cổ phiếu cũng như thị trường đang xuống dốc. Bên cạnh đó, giá bất động sản đã tăng ở mức quá cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chị Bùi Thu Hạnh, một nhà đầu tư, cho biết chị đang ‘ngồi trên đống lửa’, phải tìm mọi cách chuyển số tiền tiết kiệm và đầu tư bao năm sang đồng đô la hoặc vàng vì đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá, hiện ở mức trên 25.000 đồng/1 đô.

“Cổ phiếu chứng khoán thì chết nhé. Trong khi nhà đất thì lên vù vù ra, nhất là chung cư. Vì hai năm dịch thì người ta không xây chung cư được. Mà thật ra thì quỹ đất Hà Nội cũng hết rồi. Chúng nó xây hết rồi, chỉ còn lại mấy cái chung cư dang dở thôi, nên giá đội lên lắm, phải tăng tầm 30 – 40% chứ không ít. Nên mình cũng chẳng biết đầu tư vào cái gì nữa,” chị Hạnh nói về thế bí của mình và những nhà đầu tư nhỏ lẻ khác.

Theo nhà báo Duy Anh, không chỉ công chức và các nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp bế tắc, ngay cả các doanh nghiệp giờ cũng đang rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn khi lạm phát cao, lãi suất ngân hàng đang ở mức mà có làm bao nhiêu đi nữa thì lợi nhuận cũng chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Đó là nếu làm ăn thuận lợi thì mới trả được lãi ngân hàng, chứ ở tình cảnh đời sống khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu như lúc này thì không khéo là vỡ nợ.

“Sức tiêu thụ giảm lắm. Bạn bè tôi mấy ông doanh nhân kêu là lúc trước thì không nhập được hàng, bây giờ nhập được hàng về thì lại không bán được. Dân giờ không có tiền, thắt chặt chi tiêu rồi lại lạm phát nữa,” Duy Anh cho biết thêm.

Anh Nguyễn Hoàng Linh, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất than củi xuất khẩu, cho biết hiện khối lượng hàng được yêu cầu xuất khẩu là rất lớn, nhưng anh không thể vay vốn ngân hàng vì lãi suất quá cao. Anh đành phải đi mua lại than sản phẩm của các doanh nghiệp khác để bù đắp vào chỗ thiếu hụt cho các đơn hàng rồi dùng tiền đặt cọc của khách để chi trả, kiếm một chút lợi nhuận ở giữa cho an toàn.

“Theo chu kỳ thì năm sau mới là năm đặc biệt khó khăn. Vì vào thời điểm này, một số doanh nghiệp người ta vẫn còn lại chút vốn và đem ra để hoạt động nốt. Đến năm sau, khi khoản vốn này hết, trong khi lãi suất ngân hàng cao và các khoản vay bị siết lại, thì lúc đấy mới là chết,” anh Linh dự đoán.

Theo báo đảng, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 8%. Về triển vọng kinh tế năm sau, Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhận định vẫn là khó khăn, thậm chí còn khó hơn khi mà cuộc chiến Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Bộ dự báo kịch bản tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%.

Truyền thông trong nước dẫn dự báo của các tổ chức quốc tế rằng lạm phát tại Việt Nam vẫn sẽ trong tầm kiểm soát 4% như mục tiêu đặt ra.

(Theo VOA)