Dân Việt muốn thăm cầu Hiền Lương thì phải mua vé

Người dân Việt Nam muốn tham quan cầu Hiền Lương thì phải mua vé

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại tỉnh Quảng Trị là một di tích lịch sử, nhưng oái oăm là muốn thăm nơi này, người Việt phải mua vé vào cửa. Sự việc khiến một nhà thơ cảm thán: “Hình như ở xứ này, không có gì đáng tôn thờ, giữ gìn và bảo vệ nữa, ngoài tiền.”

Nhà thơ Thái Hạo cho biết: “Vì ngưỡng mộ đất nước Campuchia nhưng chưa có dịp tới chiêm bái Angkor, tôi đã phải tìm hiểu nó bằng những nguồn khác nhau. Điều khiến tôi bất ngờ nhất là người bản địa không cần phải mua vé vào cổng.

Giá vé tham quan một ngày ở Angkor hiện nay là 40 đô la, một số tiền không nhỏ, nhưng nó chỉ áp dụng đối với người nước ngoài mà thôi.

Có lẽ người Campuchia hiểu rằng di sản của dân tộc mình, cái di sản vĩ đại nhưng bi tráng ấy là của chính cha ông họ đã dựng xây, nên giờ đây họ là những người thừa kế, thụ hưởng và gìn giữ, đó phải là lẽ đương nhiên.

Còn chúng ta, chúng ta kinh doanh lịch sử của mình với chính con cháu mình trên khắp đất nước. Thật hài hước và mỉa mai khi Quốc hội la ó đòi đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc cho bằng được, bất chấp tiếng nói của các nhà khoa học, giáo giới và dư luận khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành cách đây bốn năm.

Tình yêu lịch sử và giá trị lịch sử chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi. Khi ngay cả đến cầu Hiền Lương – nỗi đau chia cắt và là chứng tích đau thương tột cùng của dân tộc, mà các vị cũng biến được thành một thứ con tin và là một món hời để làm tiền trên trên đầu hậu thế thì sự giả dối và ti tiện đã đạt đến mức khốn nạn, trơ tráo.

Hình như ở xứ này, không có gì đáng tôn thờ, giữ gìn và bảo vệ nữa, ngoài tiền.”

Cầu Hiền Lương

Bên dưới bài đăng của ông Thái Hạo, Luật sư Hồ Minh Kính bình luận: “Quá đáng, di tích lịch sử rất thiêng liêng chia cắt rồi thống nhất mà bán vé, có bỏ tiền ra xây dựng tốn kém gì đâu. Tôi đã bước chân trên cây cầu này nhưng không rõ có cái cổng chào này hay không?”

Facebooker Trúc An cho hay: “Đúng là làm tiền lịch sử. Cái cầu này là cầu dân sinh, người đân vẫn sử dụng, nay nó xuống cấp rồi, thì chỉ cấm xe cộ đi thôi, còn người dân đi bộ thì vẫn cho đi bình thường, vừa lưu thông giao thông, vừa được biết thêm một di tích lịch sử. Dân ta học lịch sử ở đâu? Chính là học ỏ những chỗ như thế này. Thế mà còn đòi thu tiền. Sao đầu óc các quan tham chỉ nghĩ được mỗi chữ tiền thế nhỉ?”

Facebooker Tây Hồ: “Tôi đi khắp mọi miền tổ quốc. Thấy chỗ nào là danh thắng, di tích lịch sử, thì tất cả đều phải mua vé vào thăm. Chúng tôi nói với nhau: đây đích thị là thời đại kim tiền. Chính quyền sở tại địa phương tìm mọi cách để tận thu. OK, sống ở Việt Nam thì mình đành phải chấp nhận xòe tiền ra thôi!”