Đại sứ Myanmar tại LHQ thề ‘đấu tranh’

Nghe đọc bài

Đại sứ Kyaw Moe Tun tuyên bố sẽ tiếp tục “đấu tranh” sau khi bị chính quyền quân sự Myanmar sa thải vì bài phát biểu “phản bội đất nước”.

“Tôi đã quyết định sẽ đấu tranh tới khi còn có thể”, đại sứ Kyaw Moe Tun ngày 27/2 trả lời phỏng vấn, sau khi truyền thông nhà nước Myanmar thông báo ông đã bị sa thải vì “phản bội tổ quốc”.

Chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc Kyaw Moe Tun đã “phát biểu cho một tổ chức không chính thức và không đại diện cho đất nước, đồng thời lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một đại sứ” trong thông báo cách chức ông.

Trong phát biểu gây chấn động tại Liên Hợp Quốc trước đó, đại sứ Kyaw Moe Tun nghẹn ngào kêu gọi các nước sử dụng “bất cứ phương tiện cần thiết” để đảo ngược “cuộc đảo chính” hôm 1/2, khi quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực.

Liên Hợp Quốc chưa công nhận chính quyền quân sự là chính phủ mới của Myanmar vì “không nhận được thông báo về bất cứ thay đổi nào”, một quan chức cơ quan này cho biết. Bởi vậy, Kyaw Moe Tun vẫn được coi là đại sứ của Myanmar tại Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến việc thay đổi đại diện của Myanmar tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York”, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết. Đặc phái viên LHQ phụ trách vấn đề Myanmar Christine Schraner Burgener ngày 26/2 kêu gọi các quốc gia không công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar.

Kyaw Moe Tun phát biểu trong phiên họp của Đại hộ đồng Liên Hợp Quốc, ngày 26/2. Ảnh: Reuters.

Nếu chính quyền quân sự Myanmar, do Thống tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo, cố gắng tìm sự công nhận quốc tế bằng việc đưa một đại diện mới tới LHQ, điều này có thể gây ra tranh cãi và dẫn tới một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng.

LHQ từng phải giải quyết tranh cãi về quyền đại diện tại cơ quan này. Hồi tháng 9/2011, Đại hội đồng LHQ chấp thuận yêu cầu công nhận đại diện của chính phủ lâm thời Libya, sau khi Mỹ, Nga, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu công nhận chính quyền mới.

Kyaw Moe Tun ngày 26/2 cho biết ông đại diện cho chính phủ của Cố vấn Suu Kyi, kêu gọi giúp đỡ nhằm đảo ngược “cuộc đảo chính quân sự bất hợp pháp và vi hiến”. Lời kêu gọi như của Kyaw Moe Tun rất hiếm khi xảy ra do nó trái ngược với quan điểm của giới lãnh đạo trong nước.

Các nghị sĩ dân cử Myanmar đã thành lập một ủy ban sau cuộc đảo chính và Kyaw Moe Tun nói rằng đây là “chính phủ được bầu hợp pháp, hợp lệ của Myanmar và cần được cộng đồng quốc tế công nhận”.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cam kết sẽ tăng ép từ cộng đồng quốc tế để “đảm bảo cuộc đảo chính này sẽ thất bại”. Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp do quân đội Myanmar ban bố, song không ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính, do vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc, những nước kêu gọi không can thiệp “tình hình nội bộ” Myanmar.

Theo vnexpress