“Đại sư” Indonesia qua đời sau khi tự hít virus SARS-CoV-2 để chứng minh COVID-19 không tồn tại

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Muhammad Mashudin, 47 tuổi, đến từ tỉnh Đông Java, Indonesia, là một bác sĩ chuyên khoa trị liệu thần kinh thính giác nổi tiếng ở địa phương với tuyên bố có thể chữa các bệnh câm điếc bằng “phương pháp thần kỳ”.

Tuy nhiên, vị “đại sư” này không tin vào sự tồn tại của đại dịch COVID-19 nên không bao giờ đeo khẩu trang hay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thậm chí, ông còn cùng một người bạn đã đến bệnh viện hít khí thở ra từ bệnh nhân COVID-19 để chứng minh quan điểm của mình.

Trong đoạn video được ghi lại, Mashudin không chỉ dùng tay quạt không khí thở ra từ bệnh nhân vào mũi mình, mà còn há miệng cố gắng hít lấy hít để nhằm chứng minh luồng không khí này hay ở ngoài không có sự tồn tại của virus SARS-CoV-2.

Theo truyền thông địa phương, hôm 13/7 vừa qua, Mashudin đã qua đời vì nghi nhiễm COVID-19. Được biết, Mashudin trước đó đã bị sốt và từ chối đến bệnh viện bởi ông tin chắc rằng mình không bị nhiễm COVID-19.

Hiện người bạn của Mashudin đã được chuyển đến điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nhiễm COVID-19 nặng.

Video: Mashudin hít không khí thở ra từ bệnh nhân COVID-19. Nguồn: Thời báo Hoàn Cầu

Indonesia ghi nhận thêm 44.721 ca nhiễm mới và 1.093 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 18/7, nâng tổng số cả nhiễm lên lần lượt là hơn 2,87 triệu và hơn 73.000 ca.

Trước đó, nước này đã trải qua 4 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức trên 50.000. Các chuyên gia y tế gọi Indonesia là ‘tâm chấn” mới của đại dịch.

Bất chấp thực tế nghiêm trọng đó, không ít người vẫn cho rằng đại dịch COVID-19 “không tồn tại”.

Hôm 12/7, một nữ bác sĩ Indonesia đã bị bắt vì tuyên bố trong một chương trình truyền hình rằng “đại dịch COVID-19 chỉ là sự lừa dối và những người đã chết là do dùng quá nhiều thuốc điều trị bệnh này”.

Trên mạng xã hội, nữ bác sĩ này còn bày tỏ nghi ngờ về sự tồn tại của đại dịch COVID-19 và liên tục đưa ra những ý kiến ​​ngớ ngẩn. Cô tin rằng “không tồn tại đại dịch COVID-19” và phản đối đề xuất đeo khẩu trang. Cô cũng khẳng định rằng “SARS-CoV-2 không phải virus và không có khả năng lây nhiễm”.

Phát ngôn viên của cục Cảnh sát Quốc gia Indonesia cho biết, nữ bác sĩ đã bị bắt vì “truyền bá thông tin sai sự thật và vi phạm luật về bệnh truyền nhiễm, có thể gây hỗn loạn trật tự công cộng và cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19”.

Theo 24h