Đài Loan và Hồng Kông: Hậu thuẫn của Trump thách thức chính sách TQ của Biden

Những hành động được đánh giá là quyết liệt đối với Trung Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump trên vấn đề Đài Loan và Hồng Kông đã được dư luận tại hai vùng lãnh thổ này rất tán thưởng, đặc biệt là Đài Loan.

Theo giới quan sát, những gì mà chính quyền Trump đã làm cho Đài Loan và Hồng Kông sẽ “sớm đặt ra những thách thức cho ông Joe Biden”, như nhận định của hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 13/11/2020, trong việc triển khai chính sách Trung Quốc. Lý do là vì ông không thể tỏ ra yếu đuối hơn người tiền nhiệm.

Trong cuộc điều tra dư luận của hãng thăm do Anh Quốc YouGov, công bố ngày 15/10 vừa qua trước cuộc bầu cử tại Mỹ, có đến 42% người Đài Loan được hỏi hy vọng ông Trump đắc cử, trong lúc người chọn ông Biden chỉ là 30%.

Tại Hồng Kông, tỷ lệ ủng hộ ông Trump – dù không bằng ông Biden – cũng lên đến 36%, cao hơn hẳn so với phần còn lại ở Châu Á, chỉ từ 24% ở Philippines, cho đến 9% ở Malaysia.

Một số người thuộc phe dân chủ Hồng Kông cuồng nhiệt ủng hộ Trump

Một chi tiết lý thú được nhật báo Anh Quốc The Guardian ngày 12/11 ghi nhận, là sau ngày bầu cử 03/11, một số người thuộc các nhóm đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông đã tỏ thái độ hoàn toàn ủng hộ ông Trump trong cố gắng phủ nhận thắng lợi của ông Biden và ồ ạt tấn công những ai dám nghi ngờ “chiến thắng” của đương kim chủ nhân Nhà Trắng.

Nhật báo Anh Ngữ The Hong Kong Free Press của phe dân chủ Hồng Kông chẳng hạn, đã bị “ném đá” dữ dội vì đã đăng một bài xã luận ngày 10/11 khen ông Biden: “Tổng thống Biden sẽ sát cánh cùng Hồng Kông hiệu quả hơn Trump từng làm”.

Ngược lại, tờ báo Apple Daily của tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai), một gương mặt của phong trào dân chủ Hồng Kông thì công khai ủng hộ ông Trump, và từng dự doán ông đắc cử. Tuy nhiên, khi đưa tin về bầu cử Mỹ sau đó một cách khách quan thì nhiều nhà báo của tờ này lại bị đả kích là “lộ mặt thật”, bám theo Biden.

Trả lời Bloomberg, một nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông 27 tuổi cho biết: “Ông Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp đặt thuế quan trên các sản phẩm Trung Quốc và chúng tôi, người Hồng Kông, coi kẻ thù của kẻ thù là đồng minh của mình.”

Về ông Biden, nhà hoạt động này khẳng đinh: “Rất nhiều người trong chúng tôi đang mất hy vọng, vì chúng tôi thấy Biden tỏ ra mềm mỏng với Trung Quốc”.

Hành động dứt khoát đối với Đài Loan

Về Đài Loan, phải công nhận rằng ông Donald Trump đã có những hành động rất dứt khoát, mở đầu bằng động thái chưa từng thấy ngay vào năm 2016, khi trong tư cách tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã nhận cú điện thoại từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, khiến Trung Quốc nổi giận.

Theo Bloomberg sau khi lên làm tổng thống, ông Trump đã bớt nhiệt tình với Đài Loan để tìm kiếm sự giúp đỡ của Tập Cận Bình trên vấn đề Bắc Triều Tiên, và đã nói rằng ông sẽ hỏi chủ tịch Trung Quốc trước khi nhận một cuộc gọi khác từ bà Thái Anh Văn.

Cho dù vậy chính quyền Mỹ vẫn được đông đảo người ủng hộ trong giới dân chủ ở Hồng Kông và Đài Bắc, nhờ các biện pháp gây sức ép lên Bắc Kinh.

Đối với Bloomberg, giờ đây, những người chống Bắc Kinh đang chờ xem tổng thống tân cử Joe Biden, từng hứa là sẽ có đường lối cứng rắn với Trung Quốc, liệu sẽ có thể hiên thái độ ủng hộ Đài Loan như ông Trump từng làm và nhận nói chuyện qua điện thoại với bà Thái Anh Văn hay không.

Biden lâm vào tình thế tế nhị trong đối sách chống Trung Quốc

Theo Bloomberg, thách thức đối với ông Biden là làm sao xây dựng được một chính sách Trung Quốc của riêng mình sau 4 năm dưới thời Trump: Nếu khôi phục nguyên trạng trước đó, ông Biden sẽ phải đối mặt với những cáo buộc là mềm yếu, nhưng nếu tiếp tục các hành động cứng rắn như ông Trump thì lại có nguy cơ không lôi kéo được Bắc Kinh vào việc giải quyết các vấn đề trọng đại hơn như thương mại và biến đổi khí hậu.

Sau nhiều thập kỷ là người trong một guồng máy đối ngoại chủ trương thay đổi Trung Quốc bằng chính sách lôi kéo mềm mỏng, ông Biden sẽ nhậm chức vào thời điểm phương Tây ngày càng ủng hộ phương pháp tiếp cận cứng rắn hơn.

Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục tấn công Trung Quốc, tạo thêm sức ép trên ông Biden. Tuần này, ngoại trưởng Pompeo khẳng định chính quyền hiện tại vẫn “chưa kết thúc” với Bắc Kinh. Chính quyền Mỹ còn loan báo các cuộc đàm phán về “quan hệ đối tác kinh tế” với Đài Loan và ban hành lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc khác vì vai trò của họ ở Hồng Kông.

Riêng tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc do quân đội nước này sở hữu hoặc kiểm soát.

Biden đã tỏ rõ dấu hiệu cứng rắn với Trung Quốc

Mặc dù cho đến nay những lời hứa của Biden với các nước đồng minh châu Á chỉ mang tính chất chung chung  hơn là cụ thể, nhưng ông cũng đã để lộ một đường lối cứng rắn.

Ông đã gọi ông Tập là một “kẻ côn đồ”. Ông cũng đã cam kết “thực thi đầy đủ” Đạo Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông do tổng thống Trump ký vào năm ngoái, và coi chương trình cải tạo và giam giữ người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng”.

Một danh sách các cố vấn được ông Biden công bố trong tuần bao gồm một số chuyên gia về Trung Quốc, trong đó có những người đã có lời lẽ cứng rắn. Ely Ratner, người từng là phó cố vấn an ninh quốc gia cho ông Biden và hiện là thành viên trong nhóm đánh giá Bộ Quốc Phòng, đã cảnh báo là không nên “ảo tưởng” về Trung Quốc và hứa rằng Đài Loan sẽ ở “đỉnh cao nhất” trong chương trình nghị sự của tổng thống tân cử.

Tuy nhiên, các cố vấn đó cũng nói rõ rằng họ muốn tránh một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Cựu thứ trưởng Ngoại Giao Antony Blinken, thường được cho là ứng viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng trong chính quyền Biden, đã nói rằng Washington cần khôi phục “sự cân bằng” trong mối quan hệ với Bắc Kinh và Đài Bắc. Thậm chí một cố vấn khác, Brad Setser, còn cáo buộc Đài Loan thao túng tiền tệ hơn cả Trung Quốc.

Đài Loan và Hồng Kông chờ đợi Mỹ tiếp tục cứng với Bắc Kinh

Tất nhiên, những người chống Bắc Kinh ở Đài Loan và Hồng Kông có không có lựa chọn nào khác ngoài việc phối hợp với tân chính quyền ở Nhà Trắng.

Các nhà hoạt động ở Hồng Kông hy vọng Biden sẽ theo đuổi các chương trình tị nạn chính trị cho những người tìm cách chạy trốn khỏi đặc khu và nghiêm khắc đối với các công ty đồng lõa trong việc phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông.

Bà Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo), một trong những nghị sĩ Hồng Kông đã từ chức hôm 11/11 để phản đối Bắc Kinh, hy vọng rằng ông Biden sẽ có cách tiếp cận tương tự như ông Trump: “Trong giới ngoại giao ở đây, một thông điệp đã rõ ràng – đó là lập trường “ngăn chặn Trung Quốc” của Mỹ mang tính đồng thuận lưỡng đảng”.

Đài Loan thì muốn ông Biden tiếp tục bán các hệ thống vũ khí mà họ cho rằng cần thiết để ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc, đồng thời tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác giữa các nước trong Bộ Tứ “Quad” bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.

Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, cũng hy vọng là mối quan ngại chung về sự thống trị của Trung Quốc có thể giúp bà đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Giáo sư chính trị học Trương Thiện Chính (Simon Chang) tại Đại Học Quốc Gia Đài Loan cho biết: “Nhiều người ở Đài Loan đang lo lắng về chiến thắng của Biden vì Trump đã sẵn lòng chấp thuận nhiều thương vụ bán vũ khí cũng như thông qua nhiều đạo luật có lợi cho Đài Loan… Vấn đề là liệu chính phủ tiếp theo tại Mỹ có tiếp tục chính sách tương tự hay không”.

Theo RFI