Đại dịch và câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt

Nhờ sớm chuyển đổi số (CĐS) nên các ông lớn như TH True Milk, Tập đoàn điện tử Asanzo hay các DN ngành ngân hàng … vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. CĐS đang được xem là một cứu cánh cho nền kinh tế nhưng câu hỏi đặt ra là: Với nguồn lực hạn chế, DN vừa & nhỏ – lực lượng chiếm tới gần 97% tổng số DN Việt Nam – có thể áp dụng giải pháp này và làm thế nào để CĐS thành công?

DN vừa & nhỏ: Chuyển đổi số được không?

Câu trả lời của TS Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH trực tuyến Funix đồng thời là cựu Tổng giám đốc Công ty FPT, cho câu hỏi này là có. Phát biểu tại Hội thảo Khởi động dự án Hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của Việt Nam chuyển đổi số do Ngân hàng Thế giới diễn ra vào giữa tuần này, ông cho biết các DN nhỏ và vừa (DNNVV) thường có quan điểm cho rằng mình yếu, mình không có nguồn lực nên CĐS là câu chuyện của DN lớn. Tuy nhiên ông lại có quan điểm ngược lại:

“Tôi thì có quan điểm ngược lại. Chính công ty nhỏ mới có lợi thế lớn trong chuyển đổi số. Bởi vì sao? Mình nhanh hơn, mình bé hơn, mình đưa ra quyết định nhanh hơn.Có bao nhiêu tiền cũng làm [CĐS] được, ít cũng làm được. Lợi thế của DNNVV là nếu sai thì hậu quả ít, sửa nhanh, nhờ đó chúng ta tận dụng được công nghệ mới nhất” – ông Nam nói.

Ông đơn cử Trường Funix của ông có gần 40 nhân viên. Khi COVID-19 bùng phát vào năm ngoái, ông đã quyết định cho toàn bộ nhân viên làm việc ở nhà. Lúc đầu nhiều người lo lắng, cho rằng không đến văn phòng thì không hoàn thành được công việc nhưng nhờ CĐS, mọi hoạt động của nhà trường vẫn diễn ra trôi chảy, thậm chí khi bước sang những giai đoạn không có dịch bệnh, văn phòng mở cửa trở lại thì nhiều nhân viên lại chọn làm việc ở nhà.

000_1Q97CC.jpg
Ảnh minh họa: Nhiều người lao động giờ đây thích làm việc tại nhà hơn. Ảnh: AFP

Chuyên gia này cho rằng có nhiều cấp độ chuyển đổi số. Khi chưa có tiền đầu tư thì ít nhất các DNNVV có thể số hóa các công việc hành chính giấy tờ, kể cả vấn đề ký hóa đơn giấy tờ. Ông nêu ví dụ gần đây, lãnh đạo của một vài DN mà ông quen biết bị đi cách ly vì bệnh dịch, không thể ký giấy tờ trực tiếp nhưng việc này đã được thay bằng các giải pháp như email, chữ ký điện tử… và vì thế hoạt động của DN vẫn diễn ra bình thường, không bị đình trệ.

“Tất cả các thủ tục hành chính chúng ta có thể bỏ qua được và công nghệ có thể giải quyết được. Hoá ra trước đây những thủ tục đó mình làm theo thói quen, chứ không phải nó thực sự cần thiết cho DN” – ông Nam nói.

TS Lê Đặng Trung, Tổng giám đốc Công ty Real-Time Analytics (RTA), đơn vị đối tác của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam trong dự án hỗ trợ 600 DNNVV của Việt Nam chuyển đổi số – một sáng kiến vừa được công bố tại hội thảo này cho biết: Là một công ty phát triển công nghệ, bản thân cty ông đã thực hiện CĐS một vài năm nay và đang thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Ông đơn cử tuy cty có tới 120 nhân viên nhưng thời gian và nguồn nhân lực cty phải bỏ ra cho công tác nhân sự rất ít:

Với tổng số nhân viên cả fulltime và partime [toàn thời gian và bán thời gian – PV] của công ty là 120 nhân viên, toàn bộ nghiệp vụ về nhân sự bao gồm việc chấm công, tính lương, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm, tuyển dụng chỉ do một nhân viên HR [nhân sự] chịu trách nhiệm và [người này] chỉ dành 15% thời gian làm việc cho toàn bộ những công đoạn này. Chúng tôi đạt được một mức năng suất khá hài lòng”– ông Trung nói và cho biết công ty ông đang sử dụng chính hệ thống RTWork – phần mềm mà Ngân hàng Thế giới sẽ dùng để hỗ trợ cho các DNNVV của Việt Nam có mong muốn CĐS. Nhờ sử dụng cơ chế “nhân viên tự thực hiện” của hệ thống RTWork (nhân viên tự điểm điểm danh trên ứng dụng khi bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, tự báo cáo đầu việc và kết quả công việc hàng ngày, tự kiểm tra mình đã làm việc được bao nhiêu ngày…) nên đến cuối tháng cán bộ nhân sự “chỉ cần dành khoảng 20 phút để chuẩn bị lương cho tất cả các thành viên”.

hệ thống RTWork dự kiến sẽ được WB.png
600 DN vừa và nhỏ được Ngân hàng Thế giới lựa chọn dự kiến sẽ được dùng phần mềm RTWork trong chuyển đổi số. Ảnh: RFA/printscreen

Trong bối cảnh nguồn hỗ trợ thực hiện CĐS như Ngân hàng Thế giới không nhiều, khả năng tài chính tự thân hạn chế, Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT Hoàng Việt Anh cho rằng DNNVV của Việt Nam vẫn có thể tiến hành CĐS vì hiện tại có khá nhiều mô hình giúp DN tối giảm chi phí. Phát biểu tại toạ đàm Chuyển đổi số trong sản xuất diễn ra ngày 22/7, ông Hoàng Việt Anh cho biết DNNVV có thể sử dụng mô hình giải pháp “trả tiền theo mức độ sử dụng của mình”, nghĩa là thay vì việc mua 1 phần mềm phức tạp và đắt đỏ về cài đặt, một DN nhỏ có thể sử dụng dịch vụ doanh nghiệp điện toán đám mây và chỉ trả chi phí cho đúng số lượng mình cần sử dụng (ví dụ nếu có 5 người sử dụng thì mua dịch vụ cho 5 người, 10 người sử dung thì mua cho 10 người). Hoặc DN có thể sử dụng mô hình “đồng tài trợ”, theo đó nhà cung cấp giải pháp cho phép DN được sử dụng giải pháp CĐS trước và chỉ nhận một phần lợi nhuận của DN khi giải pháp mang lại lợi ích trong thực tế triển khai.

Tôi nghĩ rằng trong thời đại ngày nay, khi công nghệ số phát triển và các mô hình kinh doanh của các nhà cung cấp giải pháp cũng thay đổi rất nhiều thì DN dù quy mô kinh doanh thế nào thì cũng có thể lựa chọn được mô hình phù hợp nhất cho đặc thù DN của mình” – ông Hoàng Việt Anh nói. Ông gợi ý thêm rằng với nguồn lực hạn chế, khi chuyển đổi số, DNNVV không nhất thiết phải số hóa trên quy mô toàn DN mà có thể bắt đầu bằng việc giải quyết ở những khâu “nhức nhối nhất”, đang gây tắc nghẽn hay cản trở sự phát triển của DN từ đó, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.

Thực tế cho thấy, DN lớn cũng có những khó khăn riêng trong triển khai CĐS. DN lớn thường có nguồn vốn đầu tư cho CĐS dồi dào hơn so với DN nhỏ nhưng việc thay đổi văn hóa DN, đào tạo, trang bị kiến thức cần thiết cho đội ngũ nhân viên cho một tổ chức lớn thường rất mất thời gian và vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ của DN lớn cũng được đầu tư từ lâu trong khi làm CĐS thông thường chúng ta sẽ triển khai các công cụ của công nghệ số mới nên tương tác với hạ tầng đầu tư cách đây 10-15 năm là khó khăn – Trích phát biểu của ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn FPT tại tọa đàm Chuyển đổi số trong sản xuất

 Đối phó với đại dịch

Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, ông Hoàng Việt Anh gợi ý các DN tham khảo 4 kinh nghiệm mà FPT đã đúc rút từ quá trình CĐS của mình cũng như trong quá trình đồng hành với các DN khác. Thứ nhất là số hóa hoạt động khối hành chính, văn phòng, tạo một môi trường làm việc không sử dụng giấy (paper-less) để tránh việc phải ký tá, tiếp xúc. Thứ hai, đối với các DN có hoạt động sản xuất thì nên“tự động hóa dây chuyền sản xuất và có hình thức kết nối thông tin giữa dây chuyền sản xuất và quản trị DN”, nhờ đó có thể giúp DN kiểm soát chính xác vận hành của nhà máy, kết nối với những thông tin về nhu cầu của thị trường để lên được kế hoạch sản xuất phù hợp mà không cần đưa người trực tiếp xuống triển khai. Thứ ba, “triển khai việc sử dụng các nền tảng online” để có được các giải pháp kết nối khách hàng và nhà cung cấp. Và cuối cùng là sử dụng công nghệ số để đảm bảo an toàn cho nhân viên như các hình thức khai báo hoạt động thông qua các QR code, các ứng dụng, sử dụng các cảm biến về nhiệt độ hay các camera đảm bảo an toàn cho nhân viên tham gia quá trình vận hành sản xuất.

“Đây là bốn bài học chúng tôi tổng hợp được từ kinh nghiệm của bản thân mình cũng như khi đồng hành cùng các DN” – ông Hoàng Việt Anh nói.

000_9FV88R.jpg
Ảnh minh họa: Nhiều cơ quan, công sở của Việt Nam chuyển sang làm việc trực tuyến khi thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: AFP

Cùng thảo luận về vấn đề này, ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk cho rằng kể từ khi đại dịch COVID-19, rất nhiều DN Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi sang mô hình làm việc trực tuyến. Tuy nhiên, để có thể tăng cường khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh, các DN cần có sự chuẩn bị cho CĐS từ trước đại dịch.

Lãnh đạo phải có tầm nhìn dài hạn và phải có chuẩn bị từ trước đại dịch. Không thể nói khi có đại dịch thì ta mới chuyển đổi số mà cần có quá trình chuẩn bị lâu dài như: chuẩn bị các dữ liệu số; các quy trình số thậm chí thay đổi cả tư duy làm việc và cấu trúc DN trước khi chúng ta đối phó với đại dịch” – ông Hải nói và nhấn mạnh rằng DN cần có sự thay đổi về tư duy, tiến tới cần chuẩn bị để có thể thích ứng với mọi khủng hoảng trên thế giới chứ không chỉ đại dịch COVID hiện nay.

Chuẩn bị quan trọng nhất: Con người

Ba cấu phần cơ bản của CĐS là: Chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi về hạ tầng công nghệ và chuyển đổi về con người. Từ thực tế CĐS của doanh nghiệp mình, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo nhận định rằng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của quá trình CĐS. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị trong nhận thức và khả năng thích ứng của lãnh đạo và người lao động. Đối với lãnh đạo, ông cho rằng những người đứng đầu DN phải hiểu rằng CĐS là vấn đề sống còn, xu thế không thể đảo ngược, DN đứng ngoài cuộc thì sớm hay muộn sẽ bị đào thải. Đồng thời, CĐS là một quá trình kéo dài, liên tục nên cần có cam kết cao độ của lãnh đạo DN.

“Phải coi chuyển đổi số với DN giống như cần như phải ăn cơm để sống” – ông đúc kết.

“Thách thức đầu tiên trong quá trình CĐS là tư duy của người lãnh đạo, làm thế nào có được hiểu biết và cam kết của người lãnh đạo rằng CĐS không phải chỉ là mua 1-2  phần mềm, vận hành xong là xong mà là 1 hành trình dài, liên tục đổi mới để DN ngày càng hiệu quả hơn, gắn kết hơn với khách hàng, tạo được những nguồn doanh thu mới” – Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn FPT

Ông Tam cũng lưu ý rằng để người lao động hiểu về CĐS, thay đổi cách thức làm việc theo công nghệ mới thường là một thách thức rất lớn với DN, đặc biệt là những DN lớn có hàng ngàn lao động, làm việc ở cả môi trường nhà máy như tại Asanzo.

“Khi chúng tôi áp dụng [CĐS] anh em cán bộ lâu năm đã rất ngại khi họ phải học thêm, học gần như mới toàn bộ các quy trình như chữ ký số, giấy tờ thủ tục, hóa đơn điện tử…. Đào tạo nhân viên văn phòng đã là vấn đề, đào tạo nhân viên ở dưới xưởng còn khó gấp nhiều lần” – ông Tam nói.

2020-12-30T100817Z_1219665159_RC2MXK9AXCQV_RTRMADP_3_VIETNAM-ECONOMY.JPG
Ảnh minh họa: Chuyển đổi số là một thách thức lớn đối với các DN có nhiều lao động. Ảnh: Reuters

Ông cho biết để giúp các lao động không giỏi về công nghệ thích nghi với những công nghệ mới, Asanzo đã phải rất nỗ lực trong công tác đào tạo. Quá trình đào tạo thường bắt đầu từ các hạt nhân ưu tú như các tổ trưởng, quản đốc sau đó dần dần nhân rộng. Trong nhiều trường hợp, khi người lao động vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ, Asanzo lại phải tiếp tục kèm cặp họ trong quá trình sản xuất.

Từ thực tế này, ông Hoàng Việt Anh gợi ý rằng các DN nên chuẩn bị kế hoạch chuyển đổi lực lượng lao động phù hợp với thực tế CĐS của mình. Để không phải thay thế những người lao động lâu năm gắn bó bằng một lực lượng lao động mới, giỏi công nghệ hơn thì DN phải có giải pháp tái đào tạo, giúp dịch chuyển lao động từ nhóm năng suất thấp lên nhóm đóng góp giá trị cao hơn cho DN, qua đó cũng giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động.

“Chuyển đổi số xuất phát từ con người, vì con người, do con người vận hành. Vì thế, nếu chúng ta bỏ qua hoặc không ưu tiên đầu tư cho con người thì sẽ thất bại” – ông Hoàng Việt Anh phát biểu.