Đà phục hồi của Trung Quốc tiếp tục chậm lại

Tăng trưởng sản lượng nhà máy chậm lại trong tháng thứ ba liên tiếp, trong khi doanh số bán lẻ và tăng trưởng đầu tư thấp hơn kỳ vọng.

Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 16/6 cho biết, sản lượng công nghiệp tháng 5 của nước này tăng 8,8% so với cùng kỳ 2020, thấp hơn mức 9,8% vào tháng 4, và không đạt dự báo 9,0% theo cuộc thăm dò của Reuters. Đặc biệt, sản lượng ôtô đã giảm 4% so với một năm trước đó, so với mức tăng 6,8% của tháng 4, do tình trạng thiếu chip toàn cầu.

“Đây là sự suy giảm theo chu kỳ bình thường sau khi kinh tế phục hồi. Tóm lại, chúng ta có thể thấy sự phục hồi kinh tế đang đạt đến đỉnh điểm”, Hao Zhou, nhà kinh tế cấp cao về châu Á của Commerzbank, nhận định.

Trước đó, hầu hết các nhà phân tích cũng dự báo sản lượng công nghiệp tháng 5 sẽ bị tác động do đơn đặt hàng xuất khẩu giảm, chi phí đầu vào cao hơn và các hạn chế chặt chẽ hơn về môi trường với ngành công nghiệp nặng. Bên cạnh đó, theo Nomura, đợt bùng phát Covid-19 ở Đồng bằng sông Châu Giang kể từ cuối tháng 5 cũng đã khiến một số cảng chính bị tắc nghẽn.

Ông Phó Lăng Huy, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia đánh giá, các rủi ro bên ngoài vẫn còn, chẳng hạn như số ca nhiễm trên toàn cầu tiếp tục gia tăng, sự phục hồi không đồng đều của kinh tế thế giới và tác động từ các chương trình kích thích lớn của một số quốc gia.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 5 tăng 12,4% so với cùng kỳ 2020, thấp hơn mức 13,6% được dự báo và giảm so với mức tăng 17,7% của tháng 4. Dù vậy, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên nhờ nhu cầu bị dồn nén và việc triển khai vaccine nhanh chóng đang hồi sinh ngành du lịch nội địa.

Ông Phó Lăng Huy cho biết, tăng trưởng trung bình hai năm với doanh số bán lẻ ở mức 4,5% trong tháng 5, nhanh hơn mức 4,3% trong tháng 4, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi. Cũng trong tháng qua, đầu tư tài sản cố định tăng 15,4%, thấp hơn mức dự báo là 16,9%, chậm lại so với mức 19,9% của 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tăng trưởng trung bình hai năm của đầu tư vào lĩnh vực sản xuất đã chuyển biến tích cực.

“Điều đáng mừng là một số chỉ số yếu kém như tiêu dùng và đầu tư sản xuất đang cải thiện”, Li Huiyong, Phó tổng giám đốc Hwabao WP Fund Management, dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục. Một điểm tích cực khác là tỷ lệ thất nghiệp cũng tiếp tục giảm. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trên toàn quốc đã giảm xuống 5,0% trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019.

Các dữ liệu trước đó về kinh Trung Quốc tháng 5 cũng cho thấy một bức tranh sáng tối đan xen. Giá hàng hóa tăng cao đã đẩy lạm phát của nhà sản xuất Trung Quốc lên mức cao nhất trong hơn 12 năm, làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty trung và hạ nguồn.

Cho vay ngân hàng bất ngờ tăng, nhưng tăng trưởng tín dụng trên diện rộng tiếp tục chậm lại, một xu hướng mà các nhà phân tích cho rằng có thể bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động trong nửa cuối năm nay.

Phiên An (theo Reuters)