“Cựu quan chức tham gia ngân hàng” cần phải kê khai tài sản để phòng tham nhũng

Nghe đọc bài

Cựu quan chức tham gia hoạt động kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng cần phải kê khai tài sản để chống tham nhũng, bởi vì lâu nay đối tượng này đã trở thành hiện tượng với số lượng lớn, ảnh hưởng quyền lực trong hệ thống chính trị, chứa đựng nguy cơ tham nhũng cao… đang thách thức quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Hiện tượng”

Một loạt báo chính thống đưa tin rằng nhiều cựu quan chức cấp cao ở các bộ ngành chuyển sang làm sếp ngân hàng. Mới đây, ông Bùi Xuân Khu – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm ‘được bầu’ làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) kể từ ngày 23/02/2021. Ông này năm nay 71 tuổi, là Cử nhân kinh tế Trường Đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và đã gắn bó với Vietbank từ năm 2011 với vị trí Thành viên Thường trực HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng. Trước đó, vị cựu quan chức này được biết đến là Thứ trưởng thường trực Bộ Công nghiệp từ năm 2000 – 2007, sau đó là Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương từ 2007-2010.

2015-10-25T120000Z_1570636391_GF20000028020_RTRMADP_3_VIETNAM-BANKS.JPG
Hình minh hoạ. Người dân đi qua một chi nhánh của Vietbank ở Hà Nội năm 2015. Reuters

Tin tức trên có thể là ‘bình thường’ vì nó phản ánh hiện tượng không mới. Tuy nhiên, nó đã thu hút sự chú ý của dư luận, vì có tiêu đề và nội dung trong các bài viết nêu vấn đề từ góc nhìn ‘hiện tượng bình thường trong cơ chế không bình thường’. Hiện tượng như vậy không chỉ diễn ra trong ngành ngân hàng mà còn trong hầu hết trong các ngành nghề khác của lĩnh vực kinh tế, nhưng đã không được nghiên cứu với mục đích cải cách thể chế, trong đó, sau hiện tượng này là nguy cơ tham nhũng cao nhưng việc phát hiện và xử lý phức tạp và đụng chạm.

Hiện tượng này bao gồm nhiều hình thức khác nhau có sự tham gia của các cựu quan chức với cương vị lãnh đạo, như chủ tịch các hiệp hội, chi hội nghề nghiệp và hội đồng quản trị với tư cách đại diện vốn nhà nước trong các liên doanh, ngân hàng cổ phần…. Trong cơ chế đảng toàn trị, quản lý kinh tế, việc tham gia của các cựu quan chức trở nên ‘bình thường’, thậm chí được ‘ủng hộ’. Trước hết, nhu cầu chuyển đổi sang thị trường cần có sự quản lý, sau nữa là năng lực và kinh nghiệm chuyên môn của họ được khuyến khích tiếp tục sử dụng để tránh lãnh phí. Trong thời kỳ đầu, nhất là khi mới thành lập các hiệp hội, liên doanh hay ngân hàng cũng cần đến các cựu quan chức để có ‘quan hệ’ thuận lợi hơn trong ‘rừng’ các thủ tục hành chính rườm rà và quy định luật pháp phức tạp.

“Nguy cơ”

Có vô vàn con đường dẫn đến tham nhũng. Sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế sang thị trường đang tạo ra trạng thái ‘tranh tối, tranh sáng’ và, khi tham gia vào các hình thức kinh tế ‘quá độ nêu trên các cựu quan chức chịu sự chi phối bởi nguyên tắc ‘đôi bên cùng có lợi’, họ nhận lương, bổng lộc và có ‘giải pháp’ để bù đắp chi phí. Họ hiểu cơ chế giải trình trách nhiệm ‘hướng thượng’, quyền lực thủ trưởng thay vì công khai minh bạch và đối trọng giám sát quyền lực, họ biết các ‘đường dây’ đến quyền lực để được việc bởi bảo trợ chính trị luôn có chỗ đứng trong hệ thống quyền lực và tạo ra chất kết dính, họ biết cách chia sẻ ‘tình đồng chí, đồng đội’ để vượt qua các quy tắc cứng nhắc, họ rành ai thuộc diện ‘đàn em’ trong số đương quyền mang ơn và phải trả ơn…, bởi vậy quan hệ thân quen và lợi ích cá nhân sẽ tạo nên hiệu ứng ‘bất ngờ’.

Hành vi của ‘các cựu quan chức’ cũng thay đổi và lợi ích mà họ có thể mang lợi cho các đơn vị họ tham gia tuỳ thuộc vào tiến độ và chất lượng cải cách thể chế. Loạt bài báo ‘chính thống’ của nhà nước phần nào mô tả hiện tượng trên đang thay đổi ‘ít nhiều’. Tên các bài được ‘giật tít’ như “Thứ trưởng về hưu ‘bất ngờ’ làm chủ tịch ngân hàng” và nội dung phản án “nhiều cựu quan chức sang làm sếp lớn ngân hàng,  nhưng không phải ai cũng thành công”. Mặt khác, thái độ của ‘cổ đông’ và dư luận cũng dần không thuận lợi với sự tham gia mang ‘tính hình thức’ và không thực sự ‘chuyên nghiệp’ của không ít cựu quan chức. Họ hiểu rằng phần vốn nhà nước tại các đơn vị trên, suy cho cùng đó là tiền thuế của dân và cần thiết có hình thức đại diện khác phù hợp hơn hoặc cải cách ‘đột phá’ như thúc đẩy nhanh quá trình tư nhân hoá. Sở hữu nhà nước, tài sản công trong điều kiện thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực đối trọng hiệu quả đang là ‘miếng mồi béo bở’ cho trục lợi, ‘sân sau’ của các nhóm lợi ích. Không loại trừ sự tham gia của các cựu quan chức vào các hình thức hoạt động kinh tế ‘quá độ’ nêu trên, vô tình hoặc cố tình, là ‘cầu nối’ làm tăng nguy cơ tham nhũng.

Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã từng nhấn mạnh phải ban hành cho được Luật Đăng ký tài sản. Bởi thực tế việc kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị và nếu đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên mà để những người ngoài xã hội đứng tên. Vị quan chức này ‘bộc bạch’: “Bây giờ, có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, nghìn tỉ.  Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân không ai đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng này”.

“Quyết tâm”

Nguy cơ tham nhũng cao đang thách thức quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: ‘không vùng cấm’ và ‘không ai hạ cánh an toàn’. Trong nhiệm kỳ khoá 12 hàng trăm lãnh đạo cao cấp ở trung ương và tỉnh thành, tướng lĩnh quân đội, đảng viên bị kỷ luật, truy tố trong chiến dịch ‘đốt lò’, phần lớn trong số họ ‘vi phạm’ từ nhiệm kỳ trước, nghĩa là họ đã là cựu quan chức!

Công việc xây dựng “lồng thể chế” còn nhiều khó khăn, được ví như ‘tự lấy đá đập chân mình’. Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành, sửa đổi năm 2018, tuy nhiên mãi tới ngày 30/10/2020 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mới được ban hành để thực thi. Mới đây, Thanh tra Chính phủ phải ‘nhắc nhở’ cán bộ, công chức rằng “đến ngày 31/3/2021 là hạn chót hoàn thành kê khai tài sản theo quy định mới”.

Trước đây cán bộ, công chức trong diện đã từng kê khai tài sản, nhưng chưa đạt được mục đính mong muốn và, lần này hiệu quả thực thi Nghị định 130 đến đâu còn phải chờ kiểm nghiệm thực tế. Một kiến nghị thay cho lời kết, ‘các cựu quan chức’ khi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế sau khi về hưu, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhà nước, liên doanh hay ngân hàng, với tư cách đại diện vốn nhà nước, cũng cần phải kê khai tài sản để phòng, chống tham nhũng.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Theo RFA