Cứu Đà Lạt trước làn sóng bê tông hóa!

Nghe đọc bài

Một buổi tọa đàm với chủ đề “Từ Tranh Luận Đồi Dinh Nghĩ Đến Tương Lai Đà Lạt”, được báo mạng Người Đô Thị và Save Heritage Vietnam tổ chức hôm 12/9 trong bối cảnh có sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt giới chuyên môn hữu quan, hướng về phố núi Đà Lạt vào khi chính quyền địa phương tổ chức trưng bày, lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc qui hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình.

Hôm 29/6,  lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt còn cho hay thành phố đang trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển để Đà Lạt xứng tầm một đô thị di sản về cảnh quan, kiến trúc và văn hóa.

Trước đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng loan báo đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án quy chế bảo tồn kiến trúc cảnh quan Đà Lạt, rằng Sở Xây Dựng Lâm Đồng, được ủy thác làm chủ đầu tư dự án, phải khẩn trương xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí, lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Thế nhưng không lâu sau đó thì chính quyền địa phương lại trưng ra 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh, nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa Khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt. Điều này có nghĩa là phớt lờ đề nghị bảo tồn Khu Hòa Bình của cộng đồng, của các cơ quan chức năng như Bộ Xây Dựng, Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam, Hội Quy Hoạch Phát Triển Đô Thị cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên, cho biết buổi tọa đàm thu hút một số đông chuyên gia gồm các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hoá, kiến trúc, di sản đô thị. Những người tham gia hy vọng ý kiến của giới trí thức được lắng nghe khi đề án được thực hiện.

Đối với Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người đầu tiên lên tiếng từ khi  đề án qui hoạch Đà Lạt manh nha hồi 2014, buổi tọa đàm một lần nữa khơi lại giá trị và lịch sử của một thành phố từng được mệnh danh là Thủ Đô Đông Dương ngày trước:

Ở đây tất cả những người góp ý cho Đà Lạt đều rất yêu Đà Lạt. Đà Lạt có lịch sử phát triển từ cuối thế kỷ XIX. Ban đầu chỉ là khu nghỉ dưỡng của người Pháp ở Đông Dương, nhưng dần  một số lượng khá lớn người Việt đến định cư. Đến năm 1943 Đà Lạt đã hình thành ra khu di sản Phố Pháp dọc theo hai bên đường Trần Phú ( tức đường Yersin cũ), và khu di sản Phố Việt nối liền khu Hòa Bình với Ấp Ánh Sáng”

“Năm 1943 thì kiến trúc sư người Pháp là Jacques Lavisquet đã rất quan tâm đến việc chỉnh trang 2 khu vực trung tâm này. Lúc đó họ đã thấy rõ 2 bản sắc riêng của Đà Lạt là di sản Phố Pháp và di sản Phố Việt mà trung tâm của nó là khu Hòa Bình”

Hình minh hoạ. Người K'ho ở Đà Lạt hôm 7/9/2009

Hình minh hoạ. Người K’ho ở Đà Lạt hôm 7/9/2009 Reuters

Năm 2014, sự kiện quan quan trọng mang tính pháp lý khi một kiến trúc sư  người Pháp tên Thierry Huau hợp tác với Viện Qui Hoạch Miền Nam để làm qui hoạch điều chỉnh Đà Lạt:

Tôi cũng được mời vào nhóm cố vấn dự án này và lúc đó tôi đã nhấn mạnh rằng phát triển ở mật độ cao sẽ phá hỏng cảnh quan Đà Lạt. Ông kiến trúc sư người Pháp này cũng rất đồng ý và trong qui hoạch trình thủ tướng phê duyệt cũng đã nói rõ rằng phát triển đô thị Đà Lạt hàm ý là phải bảo tồn chứ không thể xóa bỏ được. Ông kiến trúc sư đó là người Pháp thì ông nhấn mạnh đến cái trục di sản kiến trúc Pháp, và lúc đó tôi có nhắc là bên cạnh di sản Phố Pháp còn có di sản Phố Việt. Ông ta cũng đồng ý và đưa nó  vào gọi là khu đô thị trung tâm lịch sử”.

“Vấn  đề là sau khi  qui hoạch Đà Lạt được Thủ tướng phê duyệt rồi, khi làm qui hoạch chi tiết cho khu Hòa Bình thì đầu tư có những đề xuất tôi nghĩ rằng chính quyền đĩa phương chưa thấy được nguy cơ của kế hoạch này. Họ thấy dự án của nhà đầu tư  hấp dẫn, tức là xây những khách sạn cao tầng cho dù có xâm hại di sản đi nữa thì họ vẫn nghĩ đây là cơ hội để Đà Lạy phát triển mới”.

Đáng tiếc chính quyền địa phương chưa được tư vấn đúng thì chúng tôi buộc phải lên tiếng ở tầm quốc gia để các nhà chuyên môn và các cơ quan ban ngành góp ý điều chỉnh lại phương án qui hoạch khu Hòa Bình. Cao tầng hóa nhiều quá, bê tông hóa nhiều quá sẽ làm mất cái giá trị về khí hậu và cảnh quan của Đà Lạt. Điều này tôi tin chắc là họ phải lắng nghe”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng  bền vững, khẳng định vấn đề Đà Lạt không thuộc thành phố nữa mà đây là một đô thị di sản đặc biệt của Việt Nam. Đà Lạt sinh ra vào thời điểm bắt đầu phát triển các đô thị hiện đại trên thế giới, nó không chỉ khoác lên dấu ấn di sản mà còn mang tầm vóc quốc tế.

Vấn  đề là sau khi  qui hoạch Đà Lạt được Thủ tướng phê duyệt rồi, khi làm qui hoạch chi tiết cho khu Hòa Bình thì đầu tư có những đề xuất tôi nghĩ rằng chính quyền đĩa phương chưa thấy được nguy cơ của kế hoạch này. Họ thấy dự án của nhà đầu tư  hấp dẫn, tức là xây những khách sạn cao tầng cho dù có xâm hại di sản đi nữa thì họ vẫn nghĩ đây là cơ hội để Đà Lạy phát triển mới – KTS Ngô Viết Nam Sơn

Đối với Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, quá trình qui hoạch để một thành phố trở thành một đô thị di sản luôn là sự xung đột, giằng co giữa bảo tồn và phát triển.

Theo ông thì cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh Trưởng đang được trưng bày để lấy ý kiến, đều không ổn. Qui hoạch chi tiết Khu Trung Tâm Hòa Bình, ông phân tích tiếp, vốn dĩ đã là một sai lầm về mặt bảo tồn và  phát triển:

Khu trung tâm Hòa Bình có một số công trình mang dấu ấn quan trọng. Tóm lại là có đồi Dinh, có khu Hòa Bình, có chợ mới Đà Lạt, có quảng trường, có những khu nhà phố bao quanh chợ và bao quanh khu vực lân cận dọc theo đường 3/2, đường Phan Bội Châu, Minh Mạng vân vân…”.

“Rất nhiều thành phố Châu Âu người ta cấm xây những công trình hiện đại cao tầng trong khu di sản. Châu Âu người ta bảo vệ lợi ích cho người dân  Trong đề xuất của nhà đầu tư thì họ đặc biệt quan tâm đến đồi Dinh, là di dời dinh tỉnh trưởng để lấy chỗ xây một khách sạn cao 10 tầng bọc kính chung quanh. Họ chặt hết những cây cổ thụ trên đồi để làm chuyện này. Đây là điều có thể nói là xâm hại di sản rất nặng bởi vì dinh tỉnh trưởng là một công trình di sản quan trọng của khu Hòa Bình”.

Đề xuất thứ hai, phá bỏ rạp Hòa Bình để xây dựng một công trình hiện đại mới, và đề xuất thứ ba, xây nhà cao tầng trên con đường từ hồ Xuân Hương chạy vào chợ, cũng là một vi phạm cảnh quang vì nó sẽ che khuất tầm nhìn từ trung tâm Hòa Bình ra hồ. Kế hoạch làm một bãi xe ngầm lớn dưới quảng trường trước chợ Đà Lạt cũng là một sai lầm. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:

Bãi xe này là vấn đề phát triển không bền vững, đường xá Đà Lạt rất nhỏ, khi khuyến khích xe cá nhân chạy vào thì sẽ tăng kẹt xe. Coi như nó chỉ phục vụ cho những người sử dụng khách sạn nhưng thiệt hại sẽ là người dân của Đà Lạt”.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu và kiến trúc sư trong buổi tọa đàm, xây dựng khu nhà 10 tầng, xây thêm cao ốc mới có nghĩa là bê tông hóa Đà Lạt, là phá hỏng hoàn toàn cảnh quan khu Hòa  Bình vốn là di sản Phố Việt lâu nay. Lại nữa, tâm lý người đến Đà Lạt là tìm về thiên nhiên, núi  rừng, hoa cỏ chứ không cần tìm những tòa cao tầng giống như nơi họ đang sống.

Đây cũng là suy nghĩ của kiến trúc sư ngành qui hoạch cảnh quan Hoàng Tuấn Long, theo dõi rất kỹ buổi tọa đàm “ Từ Đồi Dinh Nghĩ Về Tương Lai Đà Lạt”:

“Đà Lạt đã bị bê tông hóa, cộng với việc bê tông hóa khu Hòa Bình,  không có lý do gì mà một thành phố thiên nhiên về rừng về núi nhưng mảng xanh không còn nhiều nữa. Nên bảo tồn nó, trồng thêm cây, qui hoạch tập trung vào cảnh quan hơn là xây dựng các công trình lớn”

Lấy ví dụ như công viên Central Park ở New York. Giữa một thành phố rất nhiều tòa công trình lớn thì New York vẫn giữ được một công viên trung tâm kỳ lớn, cực kỳ đẹp và cực kỳ sinh thái cho người dân được hưởng không gian sạch sẽ và thoáng mát. Đà Lat cũng nên tạo ra những Central Park nhỏ chỉ thuần là mảng xanh thôi, và cải  tạo cảnh quan cho thật là đẹp”.

Thay vì cứ cố quy hoạch khu Hòa Bình, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long góp ý tiếp, hãy bảo tồn, tôn tạo những gì Đà Lạt đã có, hãy mạnh dạn từ bỏ đề án bê tông hóa, dành lại những mảng xanh đang bị mất dần, trả lại cảnh quan xinh tươi cho Đà Lạt vốn đã là một di sản của đất nước.

Từ năm 2013 UBND tỉnh Lâm Đồng, từng phối hợp cùng Đại Học Quốc Gia TPHCM, tổ chức một hội thảo khoa học về Đà Lạt.

Khi đó Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Phó chủ tịch Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam, đã có bài tham luận “ Đà Lạt-thành phố trong rừng-rừng trong thành phố: Mô Hình Phát Triển Đô Thị Hiện Đại Bản Sắc”.với cảnh báo trong phần kết luận:

Rồi cũng chính sự phát triển đã nhanh chóng phủ lên bức tranh thiên nhiên hào phóng và quý giá đó một màu trắng đục của ngập tràn những mái “nhà kính công nghệ ni-lông”. Cuộc mưu sinh chính đáng của người dân, một sản phẩm chủ lực cần phát triển của Đà Lạt bị đặt trước một lợi ích lớn hơn nữa: bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch bền vững cho Đà Lạt. Đây là vấn đề lớn và khó. Khó không có nghĩa là không có câu trả lời”.

Theo tin mới nhất từ Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chính quyền Đà Lạt vừa thể hiện tinh thần cầu thị bằng cách nhờ Hội Qui Hoạch Phát Triển Đô Thị giúp tổ chức một cuộc Hội Thảo Quốc Tế Chuyên Gia để lắng nghe ý kiến về việc điều chỉnh qui hoạch khu Hòa Bình, từ đó sẽ có quyết định tương ứng với kết luận mà Hội Thảo Quốc Tế này đưa ra.

Theo RFA