Cuộc đua miễn phí giao dịch chứng khoán ở Nhật

Các công ty môi giới Nhật Bản đang tăng tốc cuộc đua miễn phí hoa hồng cho giới trẻ nhằm bồi dưỡng thế hệ nhà đầu tư tương lai.

Hai trong số các công ty môi giới trực tuyến lớn của Nhật Bản đã thông báo gần như bỏ toàn bộ phí hoa hồng giao dịch cho những nhà đầu tư từ 20 đến 25 tuổi. Michael Makdad, nhà phân tích tại Tokyo cho rằng, bằng chiến lược này, các công ty nhận thấy cơ hội để thu hút và đưa giới trẻ thành khách hàng trả phí trong tương lai.

Giới hạn độ tuổi 25 được đưa ra nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến doanh thu. Hiện chưa có ứng dụng môi giới quốc tế nào như Robinhood hay eToro ở Nhật Bản nên chính sách miễn phí hoa hồng vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, sẽ còn một chặng đường dài để văn hóa đầu tư chứng khoán phổ biến trong giới trẻ Nhật Bản như Mỹ. Thái độ hạn chế này đến từ sự sụp đổ của thị trường vào những năm 1990, khi bong bóng tài sản vỡ dẫn đến giai đoạn kinh tế trì trệ, hay được gọi là “thập kỷ mất mát”. Từ đấy, phải mất khoảng 30 năm để thị trường chứng khoán khôi phục dần đến đỉnh cao.

Đó chính là trải nghiệm của Shiori Shigeno, một sinh viên âm nhạc ở Tokyo, người đang làm việc bán thời gian tại một quán bar chủ đề chứng khoán. Lần đầu tiên cô mua chứng khoán là năm 21 tuổi, với 4 cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group, giá khoảng 3.000 yen (27 USD) – tương đương với 2 buổi ăn trưa.

Dù vậy, khi cô kể lại với bố mẹ, họ đã rất lo lắng. “Họ nghĩ rằng chứng khoán đồng nghĩa với cờ bạc”, Shigeno nói, “Mẹ tôi bảo tôi phải cẩn thận – những người ở độ tuổi của bố mẹ tôi rất thận trọng, vì những gì đã xảy ra trong quá khứ”.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, tiền mặt chiếm hơn một nửa tài sản hộ gia đình ở Nhật Bản. Bất chấp lãi suất đã duy trì ở mức dưới 1% trong hơn 25 năm. Chỉ dưới 10% của cải được đầu tư vào cổ phiếu, so với 33% ở Mỹ.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ của phong trào đầu tư chứng khoán mùa dịch ở Mỹ đã lan tỏa đến Nhật Bản. Các nhà đầu tư cá nhân đã chiếm 23% khối lượng giao dịch đến tháng 6, theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, so với mức 16% vào tháng 2/2020. Rakuten Securities, một công ty môi giới trực tuyến lớn khác ở Nhật Bản, cho biết khoảng hai phần ba số tài khoản mới được mở trong quý I là của người dưới 30 tuổi.

Sự cạnh tranh giữa các công ty môi giới đã làm cho việc đầu tư trở nên dễ tiếp cận hơn. Thông thường, cổ phiếu của Nhật Bản phải được mua theo lô tối thiểu là 100, đòi hỏi một khoản tiền đầu tư ngoài tầm của hầu hết người trẻ. Nhưng những năm gần đây, một số công ty môi giới kỹ trực tuyến đã cho đầu tư vào khối lượng nhỏ hơn, dù giới hạn lô 100 vẫn được nhiều công ty môi giới truyền thống duy trì.

Tomohisa Ishikawa, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Japan Research Institute tin rằng thay đổi đang diễn ra. “Trước đây rất khó để kéo những người này ra khỏi việc gửi tiết kiệm và hướng nhiều hơn đến đầu tư. Giờ đây, họ háo hức hơn với việc mua cổ phiếu”, Ishikawa nói, đồng thời cho biết các nhà đầu tư trẻ tuổi đang ngày càng được đào tạo bài bản hơn. “Họ biết chi phí trung bình bằng USD là bao nhiêu và hiểu ý nghĩa của việc đa dạng hóa tài sản”, ông nói.

Điều này khác xa so với Mỹ, nơi chuyên gia còn thậm chí lo ngại rằng sự quá phổ biến của kênh đầu tư chứng khoán khiến nhiều người chấp nhận rủi ro quá mức với số vốn của họ. Ví dụ nhà điều hành rạp chiếu phim AMC Entertainment Holdings, đã trên bờ vực phá sản chỉ vài tháng trước và hiện là con cưng của các nhà đầu tư cá nhân. Cổ phiếu công ty này đã tăng gần 2.500% trong năm nay, bất chấp cảnh báo từ các nhà phân tích rằng nó không có giá trị.

Phiên An (theo Bloomberg)