Cuộc chiến giành ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Mỹ Latinh thông qua lực lượng chấp pháp

Mỹ Latinh là chiến tuyến mới trong cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và chính quyền Trung Quốc.

Các nhân viên cảnh sát bán quân sự đeo khẩu trang diễn hành cạnh lối vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 9 năm 2020. (Nicolas Asfouri / AFP qua Getty Images)

Mối đe dọa hiện tại bao gồm chương trình đối tác thực thi pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở thế giới đang phát triển, đặc biệt là Mỹ Latinh.

Hợp tác thực thi pháp luật quốc tế (LEC) của ĐCSTQ bao gồm việc cung cấp các tài liệu, thiết bị, công cụ kỹ thuật số rẻ tiền, đào tạo cho các sĩ quan cảnh sát ngoại quốc, cũng như tham vấn về luật tư pháp. Tập trung vào các nước đang phát triển, các chương trình này bao gồm cài đặt các hệ thống giám sát theo kiểu Tân Cương.

Thông qua LEC, các chế độ độc tài đang hợp tác với ĐCSTQ để tăng cường giám sát và kiểm soát xã hội đối với người dân của họ. Chương trình này có thể không gây ra mối đe dọa tức thời hoặc trực tiếp đối với Hoa Kỳ, nhưng nó gây ra mối đe dọa đối với sự phát triển của nền dân chủ và việc duy trì các quyền tự do trên khắp thế giới đang phát triển.

Xu hướng này đặc biệt đáng lo ngại ở Mỹ Latinh, vì nó đưa sự giám sát của ĐCSTQ tới tận biên giới phía nam của Hoa Kỳ và bờ biển Caribe. Vì lý do này, Đô đốc Hải quân Craig Faller, Chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Miền Nam Hoa Kỳ, đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích của Hoa Kỳ.

Trong bạch thư về chính sách Mỹ Latinh năm 2008 và 2016, Bắc Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng của “hợp tác tư pháp và cảnh sát.” Tại diễn đàn 2019-2021 dành cho Trung Quốc và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), ĐCSTQ đã ưu tiên chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng. Sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty Trung Quốc trong khu vực này, cũng như tội phạm quốc tế chẳng hạn như buôn bán ma túy và buôn người, đã trở thành những cái cớ để ĐCSTQ can dự nhiều hơn với lực lượng thực thi pháp luật và an ninh địa phương.

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức của Trung Quốc mở rộng ở Mỹ Latinh khiến các chính phủ địa phương phải tổ chức những hoạt động chung với các đối tác Trung Quốc. Tháng 06/2010, Bộ trưởng Tư pháp Brazil Romeu Tuma Júnior đã bị sa thải vì là đặc vụ của “mafia Trung Quốc.” Năm 2016, lực lượng an ninh Trung Quốc đã hợp tác với chính quyền địa phương ở Argentina để chống lại tổ chức tội phạm bộ ba Tỳ Hưu của Trung Quốc. Việc hợp tác tương tự cũng đã diễn ra ở Panama và các quốc gia khác.

Đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc đã đặt ngày càng nhiều người Trung Quốc và các lợi ích kinh doanh vào những nơi nguy hiểm. Cấu trúc đối tác công tư của ĐCSTQ cung cấp hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp tư nhân, điều này làm cho đất nước này trở nên giàu có hơn.

Ngoài trợ cấp tài chính và các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng quốc doanh, việc hỗ trợ này còn mở rộng đến an ninh vật chất. Do đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và lực lượng an ninh tiến hành huấn luyện, chuẩn bị tham gia trên đất ngoại quốc để giải cứu công dân hoặc để bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty khai mỏ và xăng dầu Trung Quốc hoạt động ở những vùng xa xôi của các quốc gia thường xuyên bị chiến tranh tàn phá hoặc bất ổn, đôi khi xâm lấn vào đất đai của người bản địa, khiến họ dễ bị tấn công bạo lực hoặc bắt cóc đòi tiền chuộc. PLA đã phải can thiệp khi công nhân Trung Quốc bị tấn công ở Nam Sudan. Tại Yemen và Libya, PLA đã phải sơ tán công dân Trung Quốc. Những loại rủi ro này cũng tồn tại ở Venezuela và các khu vực khác của Mỹ Latinh, chẳng hạn như khi các dự án dầu mỏ của Trung Quốc bị tấn công ở miền bắc Ecuador.

Là một phần của LEC, các công ty Trung Quốc đã tài trợ các phương tiện và thiết bị cảnh sát cho các nước ở Mỹ Latinh, đặc biệt là ở vùng Caribe. Tại Khu Thương mại Tự do Colón ở Panama, “Công nghệ Thành phố An toàn” của Huawei đã được lắp đặt, bao gồm cả camera nhận dạng khuôn mặt, tương tự như những camera được sử dụng để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của Trung Quốc. ZTE đã giúp Venezuela kiểm soát dân của mình thông qua thẻ ID thông minh. Một nhóm nhân viên của ZTE hiện đang đóng quân tại CANTV, công ty viễn thông nhà nước Venezuela. Argentina đã quyết định mua công nghệ giám sát của ZTE.

Màn hình hiển thị nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo trên các màn hình máy điện toán tại khuôn viên Bantian của Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 26/04/2019. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Hồi năm 2017, Trung Quốc đã bán 51 xe bọc thép Chery Tiggo cho cảnh sát quốc gia Uruguay, đồng thời tặng thêm hai chiếc Marcopolo và 10 chiếc xe tải bọc thép. Trung Quốc cũng cung cấp cho cảnh sát 4,000 phụ tùng hệ thống giám sát, trong số đó 1,000 phụ tùng được sử dụng ở biên giới Brazil. Phần còn lại đưa đến thủ đô Montevideo như một phần của hệ thống ứng phó quốc gia. Ngoài công nghệ giám sát, Uruguay cũng đang khai triển hệ thống sinh trắc học của Trung Quốc. Các sản phẩm an ninh của Trung Quốc hiện chiếm 53% thị trường Uruguay.

Thông qua trao đổi và đào tạo cảnh sát quốc tế, ĐCSTQ cố gắng “bình thường hóa” các hệ thống kiểm soát xã hội dựa trên công nghệ. Trình bày tại Đại hội đồng Interpol lần thứ 86, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nói rằng mô hình của Trung Quốc là một hệ thống hiệu quả hơn nên được sử dụng cho an ninh toàn cầu và quản lý xã hội.

Các chủ thể phi dân chủ đang đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc, áp dụng luật an ninh mạng được mô phỏng theo của Bắc Kinh. Chính quyền Nicolás Maduro của Venezuela cũng sử dụng công nghệ và đào tạo của Trung Quốc để xây dựng hệ thống quản lý xã hội. Kể từ năm 2008, có 80 quốc gia đã áp dụng các công cụ giám sát nội địa của Trung Quốc.

Việc phổ biến mô hình an ninh của ĐCSTQ trên toàn thế giới đang có tác động tiêu cực đến nhân quyền và pháp quyền, cũng như an ninh của công dân Hoa Kỳ ở trong và ngoài nước. Để chống lại ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động hợp tác thực thi pháp luật quốc tế của ĐCSTQ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tạo ra các Học viện Thực thi Luật pháp Quốc tế (ILEA). Mục tiêu của các học viện này của Bộ Ngoại giao là nâng cao kỹ năng của các đối tác tư pháp hình sự ngoại quốc của Hoa Kỳ, cũng như cải thiện sự phối hợp trong việc chống tội phạm quốc tế.

Tầm nhìn của Học viện là tăng cường dân chủ bằng cách ủng hộ nhà nước pháp quyền, đồng thời sử dụng hệ thống luật và thực thi pháp luật được cải thiện để vận hành tốt hơn các thị trường tự do nhằm duy trì sự ổn định xã hội, chính trị, và kinh tế. Trong 20 năm qua, 60,000 sĩ quan từ 85 quốc gia khác nhau đã tốt nghiệp ILEA.

Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang cung cấp một giải pháp thay thế thực thi pháp luật chất lượng cao, thì quan hệ đối tác với Trung Quốc thường đi kèm với các khoản vay, viện trợ không hoàn lại, và các khoản đầu tư – khiến cuộc chiến giành ảnh hưởng trở nên khó khăn hơn.

Quan điểm trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đất Việt

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc) và “A Short Course on the Chinese Economy” (Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc).