Cửa hàng ở Brazil cấm cửa đàn ông vì quấy rối khách nữ

Người mẫu Andrea Costa, chủ cửa hàng thời trang tại Brazil, đã phải đưa ra quy định cấm cửa nam giới sau vô số trường hợp đàn ông nhìn lén và quấy rối khách nữ trong phòng thay đồ.

Costa tích cực lên tiếng để bảo vệ phụ nữ khỏi nạn quấy rối.

Quá mệt mỏi với những người đàn ông liên tục quấy rối khách và nhân viên nữ tại cửa hàng của mình, chủ một thương hiệu thời trang ở Brazil quyết định giải quyết vấn đề bằng cách cấm cửa nam giới.

“99% đàn ông cư xử không đúng mực khi vào cửa hàng”, người mẫu Andrea Costa, chủ sở hữu cửa hàng thời trang Luxos, bức xúc nói với AFP.

“No men allowed” (tạm dịch: Đàn ông không được vào cửa), tấm biển được Andrea Costa treo bên ngoài cửa hàng của mình ở trung tâm mua sắm tại Sao Jose dos Campos.

quay roi tinh duc anh 1
Nam giới bị cấm bước vào cửa hàng thời trang ở Brazil.

Trên tấm biển còn ghi thêm dòng chữ “thú cưng của bạn được phép vào cửa hàng”.

Bên trong cửa hàng, nữ doanh nhân người Brazil cho dán tấm bảng với nội dung yêu cầu nam giới đi cùng với vợ hoặc bạn gái hãy bảo vệ quyền riêng tư của phụ nữ bằng cách ngồi đợi ở băng ghế bên ngoài.

Costa nói với AFP rằng đã phải đưa ra quyết định này sau khi có vô số trường hợp đàn ông nói những lời thiếu nghiêm túc, nhìn khách hàng và nhân viên trong cửa hàng của cô bằng ánh mắt khiếm nhã.

“Hầu hết đàn ông tới đây cư xử không phù hợp, chúng tôi không thể phân biệt được ai là người đàng hoàng bằng cách nhìn vẻ bề ngoài, vì thế tất cả đều bị cấm”, cô giải thích.

Costa có 25.000 người theo dõi trên Instagram. Cô đã cố gắng lên tiếng và thu hút sự quan tâm của mọi người về nạn quấy rối tình dục trong cửa hàng của mình bằng cách đăng ảnh những đàn ông có hành vi xấu.

Nhiều nam giới khi vào cửa hàng của Costa thường cố tìm cách theo dõi và nhìn lén phụ nữ trong phòng thay đồ.

Có người còn nói với bạn gái của họ trong phòng thay đồ những câu khiếm nhã như: “Em mặc bộ này trông gớm quá”, “Em không thể bước ra ngoài với bộ đồ này được”, “Em đang cố tình để lộ hết mông của mình đấy à”…

Costa kể trước đây cô đã cố gắng lôi đàn ông rời khỏi phòng thay đồ nữ bằng bia và trò chơi điện tử, song tất cả đều không có tác dụng.

Lệnh cấm của chủ cửa hàng thời trang đã lập tức vấp phải sự chỉ trích dữ dội ở Brazil, nơi văn hóa trọng nam khinh nữ machismo (khái niệm gắn liền với cảm giác tự hào nam tính mạnh mẽ) đã ăn sâu vào tiềm thức.

Cá nhân Costa cũng như cửa hàng của cô nhanh chóng trở thành mục tiêu công kích trên mạng xã hội, phải nhận hàng loạt bình luận gay gắt từ những người đàn ông. Có một người đàn ông thậm chí đã đến tận cửa hàng để chửi bới,

Tuy nhiên, Costa không nhượng bộ. “Phụ nữ chúng tôi luôn mơ ước và xứng đáng được bước vào cửa hàng thử đồ mà không bị quấy rối”, cô nói.

Brazil là một trong những quốc gia có nạn quấy rối tình dục đối với nữ giới diễn ra phổ biến.

Năm 2018, vụ việc nữ phóng viên Júlia Guimarães của nước này bị người đàn ông lạ mặt cưỡng hôn trên sóng trực tiếp, khi đang dẫn chương trình ngoài trời, đã khiến công chúng phẫn nộ.

quay roi tinh duc anh 3
Nữ phóng viên Brazil được khen ngợi khi lên tiếng bảo vệ phụ nữ.

Guimarães đã né kịp và quay lại quát mắng kẻ thô lỗ. “Đừng bao giờ làm như thế với phụ nữ”, cô quát lớn với người đàn ông đang cố xin lỗi mình.

Phản ứng của cô đã nhận được sự ngưỡng mộ từ các đồng nghiệp và công chúng nói chung.

Năm 2015, một cô bé 12 tuổi tham gia chương trình truyền hình thực tế “Master Chef” của Brazil đã bị khán giả nam gửi tin nhắn quấy rối.

Sau vụ này, một tổ chức vì quyền lợi của phụ nữ đã quyết định sử dụng hashtag #primeiroasseido (lần đầu tiên tôi bị quấy rối) để bắt đầu chiến dịch trên Twitter nhằm lên án nạn quấy rối tình dục nhắm vào nữ giới.

Chiến dịch nhanh chóng được ủng hộ, nhiều phụ nữ đã chia sẻ trải nghiệm của họ về quấy rối tình dục, trong đó nạn nhân đa phần là các cô gái trẻ.