CSVN vẫn giữ chiêu bài ‘sở hữu toàn dân’ để cướp đất

Người dân Thủ Thiêm đã quá chán ngán các buổi đối thoại với giới chức chính quyền
Nghe đọc bài

Việc duy trì khẩu hiệu “sở hữu toàn dân” đối với đất đai là một cách để giới cầm quyền dễ dàng chiếm đoạt đất đai để làm giàu cho phe nhóm của họ, một nhà quan sát nhận định.

Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam VTV mới đây có phóng sự cho rằng những ý kiến kêu gọi nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai giống như nhiều nước khác ‘là sai lầm’, ‘xuyên tạc’…

Phóng sự của VTV còn cho rằng những người góp ý về chế độ sở hữu đất đai là ‘đối tượng thù địch’… ‘chưa hiểu’ hay ‘không muốn hiểu’ về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai… khi cho rằng người dân Việt Nam không có quyền gì đối với đất đai.

Một số chuyên gia phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là ‘mù mờ về mặt pháp lý’, vì không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp… Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 3/2021 cho rằng nếu tư hữu về đất đai sẽ có nhiều điều kiện bất lợi cho Việt Nam, ngay cả khi chưa xét đến yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đến nay VTV lại cho rằng phải có sở hữu toàn dân đối với đất đai để đảm bảo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Từ Na Uy hôm 7/9, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định:

“Nếu chủ nghĩa xã hội được định nghĩa như một chế độ không có tư hữu thì việc chính quyền cộng sản khi tuyên bố theo đuổi việc thực thi một chế độ như vậy họ không những phải quốc hữu hóa đất đai mà còn phải quốc hữu hoá tất cả các tài sản khác của công dân và cả các tổ chức hoạt động ở Việt Nam.

Những gì đang diễn ra chứng tỏ ngược lại. Giới cầm quyền và họ hàng của họ là những người rất giàu, sở hữu vô số tài sản. Các chính sách của đảng cầm quyền hiện nay, thay vì đi theo hướng quốc hữu hoá tài sản công dân như chế độ xã hội chủ nghĩa đề xướng, lại chủ yếu xây dựng nên một nhóm tư bản thân hữu dựa vào lũng đoạn chính sách của chính quyền để làm giàu.”

4 gio doi thoai cua nguoi dan Thu Thiem voi Thanh tra Chinh phu anh 1
Dân oan Thủ Thiêm đến nay vẫn dài cổ chờ đền bù

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, việc tước đoạt quyền sở hữu đất đai của người dân tại Việt Nam là một kiểu như ông vừa nêu để làm giàu. Ông Vũ nói tiếp:

“Bằng việc tước đi quyền sở hữu đất của họ, và chỉ cấp một mảnh giấy quyền sử dụng đất, giới cầm quyền sau đó dễ dàng tước đoạt mảnh đất bằng nhiều lý do khác nhau để trục lợi từ những mảnh đất như vậy. Nói một cách khác, việc duy trì khẩu hiệu sở hữu toàn dân đối với đất đai là một cách để giới cầm quyền dễ dàng chiếm đoạt đất đai để làm giàu cho phe nhóm của họ.

Còn chế độ hiện nay chẳng có bất cứ dấu hiệu nào là đi theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chế độ này dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản đang đi theo con đường tư bản hoang dã mà trong đó giới cầm quyền và thân hữu đang tìm mọi cách để trục lợi trên quê hương.”

Phóng sự của VTV về quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai lấy ví dụ người dân ở một số địa phương đã hiến đất để nhà nước chia cho người nông dân khác không có đất. Tuy nhiên còn hàng chục ngàn người dân khác bị mất đất mà không được đền bù thỏa đáng thì đã không được VTV nêu lên.

Ông Cao Thăng Ca, một người dân bị Nhà nước lấy đất ở Thủ Thiêm nhưng không đền bù thỏa đáng, nói:

“Càng sửa luật thì người dân càng mất đất nhiều hơn, vì người ta không theo ý kiến người dân mà chỉ theo ý kiến của những người lấy đất của dân. Càng sửa dân càng mất quyền lợi, càng rối… Theo tôi điều gì đến thì phải xảy đến, dân mà làm sao không có quyền sở hữu được? Sau khi người ta lấy được nhiều đất chia cho những người có chức có quyền, thì họ mới lập quyền sở hữu cho dân. Trước sau gì cũng phải có quyền sở hữu, nhưng khi đó người dân chẳng còn gì hết.”

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm, TPHCM, cho hay:

“Về mặt luật pháp đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước chỉ quản lý. Đúng ra cái nhà của tôi anh quản lý thì anh không có quyền bán mua, mà chỉ bảo vệ lau chùi sạch sẽ, đất cũng vậy… Nhưng mà nhà nước đi trái với nguyên tắc đó, họ không chịu thừa nhận thực tế đó, quyền quản lý của họ trở thành lạm quyền, cướp đi cái quyền sở hữu của người dân.

Hiện nay nếu còn duy trì quyền quản lý thì nhân sự của chính quyền này sẽ tích tụ đất vô tội vạ, những nông trường lấy đất của dân vùng sắc tộc, của nông dân rồi không trả lại. Thực chất người dân có thể bị tước quyền sử dụng bất cứ lúc nào, nên cũng không thể gọi là quyền sử dụng.”

(Theo RFA)