CSVN phạt dân vì nói ‘bầu hay không bầu có khác gì nhau’

Quốc hội CSVN là diễn đàn của đảng viên và các đại biểu phải bỏ phiếu theo mệnh lệnh của đảng, dù trên danh nghĩa là "dân biểu". Courtesy of Zing

Việc xử phạt mới nhất cho thấy nhà cầm quyền CSVN không dung thứ với những ai có ý kiến vạch trần việc bầu cử giả hiệu và một khi đã bị khép tội “phát ngôn không chuẩn mực về bầu cử Quốc hội” thì “cấm cãi”.

Tin cho hay, ông Nguyễn Huy Hùng, 38 tuổi, làm nghề kinh doanh, ở quận, Hà Đông, Hà Nội, vừa bị phạt 7,5 triệu đồng với cáo buộc “phát ngôn sai sự thật trên Zalo”.

“Mình đi bầu cho phí thời gian!”

Theo tờ Thanh Niên, vào ngày 17/3/2021, ông Hùng đã bình luận liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân trong nhóm Zalo “Đô thị Đô Nghĩa”, với nội dung như sau: “Bầu hay không bầu thì có khác gì nhau đâu bác? Người ta sắp xếp hết rồi, mình đi bầu cho phí thời gian. Có phải như bầu Biden với Trump đâu. Chưa bầu đã biết [kết quả] từ năm ngoái rồi”.

Theo Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, bình luận của ông Hùng “là không có cơ sở, sai sự thật, vi phạm quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.”

Ông Nguyễn Huy Hùng (phải) bị phạt tiền vì nói ra sự thật về cuộc bầu cử giả hiệu và tốn tiền thuế dân. Courtesy of VietnamPlus

Tờ Thanh Niên viết thêm rằng ông Hùng bị phạt theo quy định xử phạt hành chính tại một nghị định của Chính phủ CSVN.

Trong khi đó, báo VietnamPlus nhấn mạnh, ông Nguyễn Huy Hùng “phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày 29/3/2021 và nộp lại liên 3 biên lai thu tiền phạt cho Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội.”

Ông Trần Kiên, giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận: “Mức độ xử lý càng ngày càng mở rộng. Kiểu này về sau không biết các câu bông đùa, hoặc nghịch nhĩ chính quyền cũng bị xử phạt không? Cần phải có một nỗ lực nghiêm túc để nghiên cứu và đánh giá lại toàn bộ các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các quyền con người đã được Hiến pháp thừa nhận và bảo vệ này.” 

Nghị trường không có chỗ cho những người nói theo ý dân

Theo lịch trình, Việt Nam tổ chức bầu cử Quốc hội vào hôm 23/5/2021. Trước sự kiện này, hệ thống truyền thông nhà nước được lệnh của Ban Tuyên giáo Trung ương để tuyên truyền rằng cuộc bầu cử năm nay đảm bảo đủ các yếu tố “dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, bầu được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.

Với đa số người dân, việc đi bỏ phiếu ngày 23/5/2021 chỉ mang tính chiếu lệ, vì toàn bộ đại biểu Quốc hội khóa mới đều đã được Đảng “cơ cấu”, tức sắp đặt hết để đảm bảo lượng “nghị gật” như mọi khóa trước.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân được miễn nhiệm chủ tịch Quốc hội CSVN hôm 30/3/2021 để nhường ghế lại cho ông Vương Đình Huệ, sau một nhiệm kỳ để lại dấu ấn là có nhiều bộ áo dài đắt tiền, nhiều màu sắc. Courtesy of Zing

Và trái ngược với các bản tin trên báo đảng, đến nay, đã có hai ứng viên độc lập bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá Nhà nước”. Đó là ông Lê Trọng Hùng, 42 tuổi, ở Hà Nội và ông Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, ở  tỉnh Ninh Bình.

Đáng lưu ý, các bản tin về vụ bắt giữ hai ông này đều không đề cập chi tiết cả hai đều nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Vụ bắt giữ hai ông Hùng và Khánh cho thấy nhà cầm quyền CSVN chỉ giả bộ kêu gọi người dân “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” cho có hình thức, còn ai hưởng ứng lời kêu gọi thì sẽ bị sờ gáy.

Một bản tin đăng trên tờ Công An Nhân Dân hồi đầu tháng 3/2021 viết: “Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ” đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời, thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà bất đồng tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội, cho biết: “Quốc hội có vài ba nghị gật thì cũng đã không nên, tuy vậy còn chấp nhận được. Có nhiều nghị gật là một thảm họa của dân tộc. Nhưng tại sao lại để xẩy ra như vậy?. Chủ yếu là vì cơ cấu. Người ta định biến Quốc hội thành một dạng như “Mặt trận”.

Nếu vào được Quốc hội tôi không những không chịu trở thành nghị gật mà còn có thể đóng góp những ý kiến và việc làm thiết thực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội như tôi đã viết ở các bài trước, trong đó có ba việc chủ yếu nhằm vào ba chức năng là làm luật, giám sát và đại diện.”

Vị giáo sư đưa ra bình luận trong lúc cả ông và đa số người dân đều nhận thấy một ứng viên độc lập lọt được vào Quốc hội CSVN “khó như lên trời”. Ai cũng hiểu Quốc hội CSVN với 96% là đảng viên, nghị trường không có chỗ cho những người thật sự nói theo ý dân, chứ không phải theo ý Đảng.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn