CSVN lo lắng vì Bắc Kinh xây cơ sở tại căn cứ Ream, Campuchia

Lễ động thổ căn cứ Ream ở Preah Sihanouk diễn ra hôm 8/6

Việt Nam dĩ nhiên quan ngại vì căn cứ Ream nằm rất sát với căn cứ ở đảo Phú Quốc, một nhà quan sát nhận định,

Những diễn tiến mới nhất tại căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia, nơi mà Trung Quốc đang xây dựng cơ sở cho quân đội của họ có thể sử dụng, khiến Việt Nam quan ngại dù không nói ra và các nhà chiến lược quân sự Hà Nội theo dõi sát những biến chuyển bên kia biên giới.

Các nguồn tin ngoại giao cho hay vấn đề căn cứ Ream và sự can dự của Bắc Kinh vào những dự án chiến lược tại xứ Chùa Tháp chắc hẳn có trong chương trình nghị sự những cuộc họp của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman khi bà đến thăm Việt Nam vào cuối tuần này.

Việt Nam không chỉ là nước láng giềng với Campuchia mà còn là ‘người anh em từ Đông Dương’ và đồng minh truyền thống.

Chính phủ Phnonh Penh hiện nay được Hà Nội dựng nên sau khi quân Việt Nam đánh bại quân Khmer Đỏ vào năm 1979. Thủ tướng Hun Sen, một người nói tiếng Việt lưu loát, thường bị giới chỉ trích tại Campuchia gọi là ‘con rối’ của Việt Nam ngay từ khi khởi sự cuộc đời chính trị của ông.

Tin tức về dự án phát triển được Trung Quốc trợ giúp, mà theo đó Bắc Kinh sẽ giúp Phnom Penh cải tạo và nâng cấp nhưng cơ sở tại Ream, cho thấy mức độ mất mát của ảnh hưởng Việt Nam tại Campuchia trong những năm gần đây.

Căn cứ hải quân Ream tọa lạc ở tỉnh Preah Sihanouk

Một nhà phân tích người Việt muốn ẩn danh bì tính nhạy cảm của vấn đề, phát biểu: “Việt Nam dĩ nhiên quan ngại vì căn cứ Ream nằm rất sát với căn cứ ở đảo Phú Quốc.”

Trên thực tế, Căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk thuộc mạn Tây Nam Campuchia bên Vịnh Thái Lan chỉ cách Phú Quốc không đến 30 km. Đảo này theo tiếng Khmer là Koh Tral.

Chính Hải quân Việt Nam hồi tháng 1/1979 đã chiếm căn cứ Ream từ quân Pol Pol rồi chuyển từ Khmer Đỏ cho tân chính phủ Campuchia.

Tuy vậy Hải quân Việt Nam sau đó chỉ được mời đến thăm Căn cứ Ream một đôi lần và gần đây tòa nhà ‘Hữu nghị Việt Nam’ được xây bởi phía Hà Nội đã bị dời khỏi căn cứ này mà theo báo cáo là nhằm tránh xung đột với các nhân sự Trung Quốc.

Nhà phân tích người Việt nói thêm: “Cũng có một sự thất vọng lớn; tuy nhiên theo tôi sự can dự của Trung Quốc ở căn cứ này  không nhắm đến Việt Nam mà hơn thế là để cho chính phủ Campuchia đưa ra một thông điệp thách thức và một dấu chỉ cảnh báo đối với Hoa Kỳ.”

Binh sĩ Hải quân Trung Quốc

Vào tháng 7/1982, Hà Nội và Phnom Penh ký một thỏa thuận về ‘vùng nước lịch sử’ giữa hai nước để phân định biên giới biển và chủ quyền đối với các đảo trong Vịnh Thái Lan. Mục đích để giảm thiểu hiểu nhầm và ngăn ngừa những xung đột có thể xảy ra.

Can dự của Bắc Kinh tại Ream gây nên tranh cãi ở Phương Tây khi mà Hoa Kỳ thấy ra mối đe dọa Trung Quốc có được cơ sở hải quân đầu tiên trên đất Đông Nam Á. Căn cứ này có thể cho phép Bắc Kinh mở rộng tuần tra khắp Biển Đông.

Quan ngại về căn cứ Ream có từ năm 2019 khi mà Tờ Wall Street Journal loan tin về một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc cắt đặt nhân sự, tàng trữ vũ khí và cho chiến hạm trấn đóng ở đó.

Campuchia và Trung Quốc luôn bác bỏ thông tin đó, nói rằng’ việc cải tạo căn cứ chỉ nhằm tăng cường khả năng hải quân của Xứ Chùa Tháp trong công tác bảo vệ toàn vẹn vùng biển và chống tội ác trên biển.”

Washington từng than phiền “về sự thiếu minh bạch trong mục đích, bản chất và phạm vi của dự án này, cũng như vai trò mà quân đội Trung Quốc đóng trong công tác xây dựng và việc sử dụng cơ sở này.”

Nhà nghiên cứu Sovinda Po tại Viện Hợp tác & Hòa Bình Campuchia có phát biểu : “Những tin tức mới nhất về Căn cứ Hải quân Ream là một dấu chỉ thêm nữa cho thấy Hoa Kỳ không chấp nhận thực tế Campuchia và Trung Quốc đã là đối tác thân cận tại Đông Nam Á. Lý do chính đằng sau những cáo buộc thường xuyên của Hoa Kỳ là nhằm cảnh báo chính phủ Campuchia đừng qua kết thân cới Trung Quốc.”

Vị chuyên gia Campuchia này phân tích tiếp: “Việt Nam cũng không vui khi thấy Trung Quốc tiến gần hơn đến lãnh thổ của họ vì Hà Nội và Bắc Kinh đang có những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như niềm tin vào nhau giữa đôi bên xuống thấp.”

(Theo RFA)

Bài liên quan

Bắc Kinh xây cơ sở trong quân cảng Campuchia