CSVN không nói thật về nợ công mà người dân đang gánh

Việt Nam có hàng triệu người buôn gánh bán bưng và có cả những chiếc siêu xe khoe mẽ trên đường

Ngân sách nhà nước CSVN thu không đủ bù chi nên hàng năm phải vay nợ cả trong và ngoài nước mới có đủ tiền để thực hiện các dự án đầu tư công cũng như nuôi guồng máy đảng và nhà nước cồng kềnh. Bởi vậy, nợ công của CSVN chồng chất năm này sang năm khác, không bao giờ giảm bớt mà người dân sẽ phải trả.

Nhà nước CSVN không báo cáo ở Quốc Hội mức nợ công hiện nay cũng như mỗi người dân đang phải oằn lưng gánh là bao nhiêu.

Hôm 23/5, ông Trần Sỹ Thanh, tổng Kiểm Toán Nhà Nước, chỉ báo cáo, theo nhiệm vụ của ông, trong phiên họp đầu năm của Quốc Hội CSVN về tổng số nợ công của chế độ tính đến cuối năm 2020 và nếu chia đều ra, mỗi người bất kể già trẻ lớn bé mỗi người phải gánh bao nhiêu.

Theo tờ Dân Trí, ông Trần Sỹ Thanh báo cáo là “Dư nợ công đến cuối năm 2020 là hơn 3.52 triệu tỷ đồng, tăng 6.02% so với năm 2019. Nợ công bình quân đầu người là 35.1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm.” Không thấy ông nói gì đến khoản nợ công trong năm 2021 và năm nay dự trù phải vay thêm bao nhiêu.

Ngân sách nhà nước CSVN thu không đủ bù chi nên hàng năm phải vay nợ cả trong và ngoài nước mới có đủ tiền để thực hiện các dự án đầu tư công cũng như nuôi guồng máy đảng và nhà nước cồng kềnh. Bởi vậy, nợ công của CSVN chồng chất năm này sang năm khác, không bao giờ giảm bớt mà người dân sẽ phải trả.

Tuy nhiên cuối Tháng Ba vừa qua, báo chí tại Việt Nam dẫn tờ trình của Bộ Tài Chính báo cáo chính phủ về số tiền mà nhà nước phải trả nợ giai đoạn 2022-2024 khoảng 1.2 triệu tỷ đồng (khoảng hơn $51 tỷ).

Ba năm qua, tình hình đại dịch gây ra bởi virus COVID-19 ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam phần lớn dựa vào các nhà đầu tư ngoại quốc sản xuất hàng hóa để xuất cảng, đánh thuế lấy tiền nuôi chế độ, bị ảnh hưởng theo. Ngân sách CSVN vốn dĩ thiếu hụt thường xuyên lại càng khốn đốn thêm khi hãng xưởng phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất.

Những gì được nêu ra trên báo VietNamNet, theo tờ trình kể trên, CSVN sẽ phải vay nợ trong năm 2022 “tối đa là 673,546 tỷ đồng (khoảng $29 tỷ), bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là 450,000 tỷ đồng (hơn $19 tỷ) và vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là 196,149 tỷ đồng (gần 8.5 tỷ); huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của chính phủ cho vay lại khoảng 26,697 tỷ đồng (khoảng $1.153 tỷ).”

Hồi Tháng Mười năm ngoái, CSVN đã nêu ra con số nợ công hơn 3.7 triệu tỷ đồng hay khoảng $160 tỷ. Thời điểm này, mỗi người Việt Nam phải gánh mỗi người khoản “nợ công” hơn 37 triệu đồng. Sang năm nay, vì nợ công tiếp tục gia tăng, mỗi người phải gánh khoảng 40 triệu đồng hay lối $1,740.

CSVN chỉ gọi là nợ công đối với các khoản vay của nhà cầm quyền trung ương và các địa phương, các khoản vay nợ được chính phủ bảo lãnh, không kể các khoản nợ của các công ty quốc doanh tự đi vay, trái với nguyên tắc tài chính quốc tế. Bởi vậy, tổng số nợ công của CSVN công bố bị chỉ trích là không hợp lý.

Hồi năm 2016, theo ước tính của ông Vũ Quang Việt, từng là chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc nợ công thời gian này đã khoảng $431 tỷ, bằng 210% GDP của Việt Nam, khác xa cách tính che đậy của CSVN để lúc nào cũng khoe nợ công “vẫn còn trong ngưỡng an toàn.”

Báo chí tại Việt Nam thuật theo bản báo cáo của Bộ Tài Chính nói cho đến cuối năm 2022, nợ công của CSVN khoảng từ 45% đến 46% GDP.

CSVN không có thói quen công khai minh bạch về ngân sách nhà nước nên không ai biết đích xác những con số thật hay ít nhất gần đúng.

(Theo Người Việt)