CSVN không muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ vì vẫn chủ trương ‘đu dây’

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper và Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng

Đến nay, khi tiếp Đại Sứ Knapper, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chỉ muốn Mỹ “tôn trọng thể chế chính trị của nhau” để tiếp tục nắm chặt quyền lực độc tài đảng trị chứ chưa muốn thành “đối tác chiến lược” để chọc giận Bắc Kinh.

Nhà cầm quyền CSVN vẫn không từ bỏ chủ trương đối ngoại đu dây giữa các trung tâm quyền lực, dù nhiều lần các giới chức cao cấp Hoa Kỳ đề nghị nâng cấp mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Truyền thông tại Việt Nam hôm 25 /4, đưa tin Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp tân Đại Sứ Mỹ Mark Knapper “đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.”

Cuộc tiếp xúc được tường thuật với những lời lẽ, qua phát biểu của ông Trọng, từng được lập đi lập lại nhiều lần trong những năm qua về đường lối đối ngoại của CSVN là “đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, trong đó tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.”

Xưa nay, Hà Nội vẫn đòi hỏi Washington tôn trọng chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam, không được khuyến khích đối lập, vận động dân chủ hóa để xóa bỏ chế độ mà CSVN gọi là “diễn biến hòa bình.” Người nào kêu gọi đa nguyên, đa đảng, dân chủ hóa thể chế chính trị khó lòng thoát khỏi tù tội.

Đại Sứ Knapper chỉ viết vắn tắt trên Facebook là ông gặp ông Trọng “với sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, chúng ta đã cùng nhau đạt được những bước phát triển vượt bậc nhằm mang lại hòa bình và thịnh vượng cho cả hai nước và khu vực.”

Nhưng hệ thống tuyên truyền của chế độ rập khuôn nhau lập lại bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam là “Đại Sứ Marc E. Knapper khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và thúc đẩy quan hệ hai nước dựa trên cơ sở tôn trọng các thể chế chính trị của nhau. Đại sứ sẽ nỗ lực để góp phần vào sự phát triển của quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.”

Mới tuần trước, khi xác nhận Thủ Tướng Phạm Minh Chính sẽ đi Mỹ dự cuộc họp giữa Tổng Thống Biden với lãnh tụ các nước ASEAN, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN Lê Thị Thu Hằng khi trả lời câu hỏi về khả năng nâng cấp quan hệ giữa hai nước đã tránh né trả lời thẳng vấn đề.

Bà Lê Thị Thu Hằng chỉ nói nước đôi là “quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ thời gian qua phát triển tốt đẹp. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng Thống Joe Biden thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới cũng như vì lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước.”

Từ khi Tổng Thống Joe Biden lên nắm quyền, các giới chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần đề nghị Hà Nội nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước từ “đối tác toàn diện” lên thành “đối tác chiến lược” như một nền tảng để yểm trợ cho nhau tích cực hơn trong chiến lược đối phó với tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Hà Nội tránh né vì láng giềng Trung Quốc khổng lồ ngay bên cạnh.

Hồi Tháng Ba, Đại Sứ Mỹ Knapper được báo Công Thương thuật lời nói rằng “có nhiều cơ hội làm cho sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai” và Đại Sứ Quán Mỹ cam kết hợp tác “để có thể nâng mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm quan hệ đối tác chiến lược.”

Chỉ ít ngày sau khi đến Hà Nội nhận nhiệm sở, Đại Sứ Knapper khi trả lời cuộc phỏng vấn đăng tải trên VietNamNet ngày 17/2, đã kêu gọi nâng cao hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam trên mọi mặt. Ông cho đây là thời điểm thích hợp.

Năm ngoái, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin rồi ngay sau đó Phó Thổng Thống Kamala Harris đến Hà Nội cũng đã thúc giục nâng quan hệ giữa hai nước từ “đối tác toàn diện” lên thành “đối tác chiến lược.” Tuy nhiên, Hà Nội không lộ vẻ sốt sắng.

Đầu năm 2022, trong cuộc điện đàm giữa Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Nguyễn Quốc Dũng với phó phụ tá tổng thống Mỹ Kurt Campbell và phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink (tiền nhiệm của ông Knapper ở Hà Nội) các giới chức Mỹ cũng đều nhắc lại mong muốn nâng “đối tác toàn diện” ký kết từ năm 2013 lên thành “đối tác chiến lược.”

Đến nay, khi tiếp Đại Sứ Knapper, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chỉ muốn Mỹ “tôn trọng thể chế chính trị của nhau” để tiếp tục nắm chặt quyền lực độc tài đảng trị chứ chưa muốn thành “đối tác chiến lược” để chọc giận Bắc Kinh.

(Theo Người Việt)