CSVN có ‘đánh trống bỏ dùi’ vụ ‘ăn’ các chuyến bay ‘giải cứu’?

Sáng 31 Tháng Giêng, trong buổi viếng thăm, chúc Tết, kiểm tra công tác tại Công An thành phố Hà Nội, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu “khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Cục Lãnh Sự thuộc Bộ Ngoại Giao bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật,” theo báo VietNamNet.

Từ trái qua, các bị can: Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh Sự; Đỗ Hoàng Tùng, phó cục trưởng Cục Lãnh Sự; Lê Tuấn Anh, chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng, phó Phòng Bảo Hộ Công Dân. (Hình: Zing)

Trước đó hôm 27 Tháng Giêng, Trung Tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên Bộ Công An, cho biết Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An đã khởi tố, khám xét và ra lệnh bắt tạm giam các bị can gồm Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, cục trưởng Cục Lãnh Sự; Đỗ Hoàng Tùng, 42 tuổi, phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh, 40 tuổi, chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng, 35 tuổi, phó Phòng Bảo Hộ Công Dân của cục này, để điều tra về tội “nhận hối lộ.”

Báo VNExpress hôm 28 Tháng Giêng tường thuật: “Theo ông Xô, các bị can này bị cáo buộc có hành vi ‘trục lợi cá nhân’ khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Hiện, sai phạm cụ thể chưa được Bộ Công An công bố.”

Trong khi đó báo Giao Thông hôm 30 Tháng Giêng, cho biết Bộ Ngoại Giao CSVN sau đó cũng đã lên tiếng cho rằng đây là “hành vi trục lợi cá nhân, với tinh thần vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai.”

Sự việc đưa và nhận hối lộ xảy ra ở lĩnh vực mà ít người nghĩ tới này đã khiến công luận phẫn nộ.

Phẫn nộ bởi kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam đã tổ chức các chuyến bay “giải cứu, đưa công dân đang bị kẹt ở nhiều quốc gia về nước. Thế nhưng, tính chất nhân đạo của các chuyến bay này đã bị lợi dụng để trục lợi một cách nhẫn tâm. Trong năm 2021, công luận rất nhiều lần lên tiếng về việc người Việt từ nước ngoài muốn về nước phải mua vé giá “cắt cổ,” thủ tục rườm rà.

Theo thông tin chính thức từ Bộ Ngoại Giao, trong hai năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của chính phủ, đã có hơn 800 chuyến bay hồi hương đưa công dân từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về Việt Nam.

Dù các sai phạm cụ thể của nhóm cán bộ Cục Lãnh Sự chưa được cơ quan điều tra công bố, nhưng công luận có thể hình dung được số tiền mà nhóm cán bộ này kiếm được cực kỳ lớn.

Bảng quyết toán của một chuyến bay “giải cứu” công dân của VietNamAirline. (Hình: Facebook Nguyễn Hồng Lam)

Nhà báo kiêm Facebooker Nguyễn Hồng Lam đưa con số nhẩm tính trên trang cá nhân: “Theo tài liệu mà chúng tôi có, đã có trên dưới 170,000 người là hành khách của các chuyến bay ‘giải cứu.’ Một chuyến trung bình 300 người, giá phải chi khác nhau, xê dịch từ 120 triệu đến cao nhất 240 triệu đồng ($5,298 tới $10,596)/người, gấp 5 đến 10 lần giá bay thương mại. Mỗi chuyến bay, tiền ăn chặn khoảng 4.6 tỷ đồng, (như hình). Ông Duy Lợi, bạn tôi, bay từ LAX (Mỹ) về Việt Nam hôm 25 Tháng Giêng với giá vé hết $6,500. Hãy tính thử: 170,000 người bằng 567 chuyến x 4.6 tỷ =2,608 tỷ đồng ($115.13 triệu). Chắc chắn chỉ riêng bốn cán bộ Cục Lãnh Sự trên thì không thể nuốt hết cục tiền đó.”

“Và chắc hẳn, chỉ bốn người này có lẽ cũng khó có thể thực hiện được các hành vi tiêu cực. Bởi với quy trình xét duyệt chặt chẽ, tổ chức chi tiết từng chuyến bay, làm sao chỉ bốn người có thể qua mặt được tất cả? Vậy thì sẽ còn những ai nữa?” báo Giao Thông nhận định.

Theo Người Việt