CSVN chiếm đất Giáo hội Công giáo Sài Gòn sau 1975, giờ ‘giao tặng’

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đến thăm và chúc mừng Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng. Courtesy of TgpSaigon.net
Nghe đọc bài

Cách dùng từ trên báo đảng khiến công luận ngạc nhiên về mức độ hành xử của chính quyền sau nhiều năm liền chiếm hữu nhà đất thuộc sở hữu của Giáo hội Công giáo Sài Gòn và chỉ chịu trả lại một phần sau khi bị kiện đòi.

Một bản tin trên tờ Thanh Niên hôm 21/12/2020 cho hay trong buổi đến thăm tòa Tổng giám mục Giáo phận Sài Gòn nhân dịp Giáng sinh, ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM đã “giao tặng 5 cơ sở tôn giáo”.

“Giao tặng” thay vì “trả lại”

Đây là khu nhà đất liên quan các giáo xứ Tân Lập, Công Thành ở quận 2, Bình An ở quận 8, Tân Mỹ và Tân Hiệp ở huyện Hóc Môn. Ngoài ra, khu nhà đất liên quan giáo xứ Mỹ Hòa ở quận 2 cũng sẽ được chính quyền “giao tặng” sau  khi hoàn tất thủ tục.

Cách tường thuật mập mờ của báo đảng khiến công luận hoài nghi về chuyện bỗng dưng nhà cầm quyền CSVN “giao tặng” cơ sở là nhà đất cho Giáo hội Công giáo.

Tuy vậy, vài giờ sau, website của Tổng Giáo phận Sài Gòn chính thức phát đi bản tin làm rõ việc này. Theo đó, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng cám ơn lãnh đạo thành phố đã quyết định trao 5 cơ sở cho Tổng Giáo phận. 

Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng (phải) nhận lại giấy tờ chứng nhận đất đai thuộc sở hữu Công giáo. Courtesy of TgpSaigon.net

Ngài cũng nhắc lại: “Trước đây, sau năm 1975, nhiều cơ sở thuộc các giáo xứ được giao cho Nhà nước sử dụng vào mục tiêu giáo dục. Nhưng ngày nay dân số phát triển, đồng bào Công giáo cũng gia tăng, di dân ngày càng đông, nên những cơ sở hiện tại của nhiều giáo xứ trở nên chật chội. Trong khi đó, chính quyền đã xây dựng được những cơ sở giáo dục tiện nghi, rộng rãi hơn tại các địa điểm mới. Tổng Giáo phận vui mừng nhận lại các cơ sở để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của bà con giáo dân. Đức Tổng giám mục cũng mong muốn “nếu thành phố đã tìm được và xây dựng các ngôi trường mới, thì chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được trao thêm các cơ sở khác.”

Nhà báo Hoàng Mạnh Hà, từng công tác tại tờ Pháp Luật TP.HCM, bình luận trên trang cá nhân: “Một số cơ sở của Công giáo, là những trường học, dòng tu, thường nằm trong khuôn viên các nhà thờ. Sau năm 1975, nhà nước mượn các cơ sở này của Giáo hội giao cho các trường nhà nước quản lý.”

“Hôm nay, nhân dịp lễ Giáng sinh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đến thăm và chúc mừng Đức Tổng giám mục Nguyễn Năng. Dịp này TP.HCM cũng bàn giao lại 5 cơ sở trước đây đã mượn của bên Công giáo. Việc bàn giao này thì giáo dân rất vui mừng vì nó thể hiện thiện chí, sự quan tâm của chính quyền đến Công giáo. Tuy nhiên, một chi tiết đáng tiếc là không hiểu vì lẽ gì, các báo lại viết là giao tặng? Báo viết sai, hay thông tin của thành phố cung cấp sai?”

Còn nhiều vụ kiện đòi trả đất thuộc sở hữu Công giáo

Hồi đầu tháng 12/2020, theo trang Facebook Tin Mừng Cho Người Nghèo, Tổng Giáo phận Sài Gòn khởi kiện Ủy ban Nhân dân TP.HCM để đòi lại hai cơ sở thuộc nhà dòng là trường Phước An, Thị Nghè.

“Đất, nhà hai cơ sở trường Phước An, trước 1975 thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ Thị Nghè bị Ủy ban Nhân dân TP.HCM ‘cướp’ một cách trắng trợn, nay lại cố tình hợp thức hóa hành vi ‘cướp’ này bằng hành vi tùy tiện ký quyết định cấp ‘sổ đỏ’ (chủ quyền) hai cơ sở trường Phước An cho trường Phù Đổng,” trang tin cho biết.

Trong vụ này, Tổng Giáo phận Sài Gòn “khẳng định có đầy đủ bằng chứng và các cơ sở pháp lý để chứng minh hai cơ sở trường Phước An vẫn thuộc quyền sở hữu của Giáo phận Sài Gòn từ trước và sau năm 1975 cho đến nay.”

Hai cơ sở trường Phước An trước 1975 nay là trường Phù Đổng ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Courtesy of website Truong Phu Dong

Trong một diễn biến khác, hồi tháng 7/2020, Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp kêu cứu trên mạng xã hội về việc nhà cầm quyền CSVN ép buộc cơ sở tôn giáo này phải hai lần “cho mượn” thửa đất và dãy nhà từ hồi thập niên 1970, 1980, rồi nay “quên trả.”

Nhà cầm quyền bị cáo buộc “mượn” đất liên quan đến thửa đất rộng 15.000 m2 ở phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa mà Hội Dòng mua vào năm 1962 để xây trường cho 1.000 học sinh tiểu học và trung học gọi là trường Thánh Giuse, cũng như thành lập tu xá cho các nữ tu phục vụ cho việc giáo dục.

Trong đơn kêu cứu, các nữ tu Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp cho biết họ “đau lòng” khi biết tài sản của nhà dòng đã trở thành tài sản của bệnh viện Đa khoa Biên Hòa với giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất ký ngày 16/2/2004 và từ thời điểm đó đến nay, chính quyền không có chỉ dấu nào cho thấy họ sẽ trả lại khu đất đã “mượn tạm”.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn